Nước mắt giang hồ

ANTĐ - Đua theo chúng bạn, bỏ mặc vợ con, lập ra một băng cướp táo tợn, hoạt động tung hoành trên tuyến xe khách Hà Nội - Lạng Sơn. Liên tục quậy phá trong tù, tổ chức đánh bạc, đánh nhau và luôn có tên trong danh sách những phạm nhân bị “để ý”… Vậy mà   trở lại nẻo thiện, con người ấy đã cố gắng “may cho mình tấm áo mới” mà suốt tuổi thanh niên anh đã để… nhuốm bẩn!
Nước mắt giang hồ ảnh 1

Đứa con bất trị

Bố người Bắc, mẹ người Huế, những tưởng hai dòng máu đó sẽ sinh ra một đứa con tư chất thông minh, đạo đức để làm một người hữu ích cho xã hội. Thế nhưng khi còn là một đứa trẻ, Tâm đã nổi tiếng nghịch ngợm, dù thông minh, táo bạo. Bố mẹ đều là nhà giáo, dù đã cố gắng rèn giũa cho con, nhưng bản tính ương bướng của Tâm cứ đẩy một gã thanh niên xa gia đình.

Vì mong muốn cho con thay tâm đổi tính, chí thú làm ăn, bà Tôn Nữ Thị San bàn với chồng và tìm cho Tâm một người vợ hiền lành, chịu khó khi gã mới 19 tuổi. Nhưng tính toán của cha mẹ anh đã không được như mong muốn, Tâm chẳng những không thay đổi tính nết, mà có phần ngang ngược hơn, ăn chơi bạo liệt hơn, ngay cả khi cậu con cả chào đời. Tâm thường tổ chức cờ bạc, chích hút, đánh nhau... và một lần bị bắt, phạt cải tạo một năm ở trại giam Cầu Gồ (Yên Thế - Bắc Giang).

Được trả tự do trở về thì cậu con thứ hai ra đời, anh vẫn như con ngựa bất kham, đua theo chúng bạn, bỏ mặc vợ con và dần dần lập ra một băng cướp táo tợn, hoạt động tung hoành trên tuyến xe khách Hà Nội - Lạng Sơn và một số nơi khác. Cả năm trời, số ngày Tâm ở nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Người anh gầy sọp, đầu tóc bù xù nhưng tính tình dữ dằn, nóng nảy. 

Năm 1989, khi thực hiện một vụ cướp lớn ở Gia Lâm (Hà Nội), Tâm bỏ trốn vào Thanh Hóa, nhưng không bao lâu đã bị bắt và kết án 20 năm tù giam. Tháng 9-1989, anh bị đưa vào Trại giam số 5 đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với mức án dài đằng đẵng đó, Tâm nghĩ chẳng biết đến bao giờ mới được tự do, con đường phía trước mù mịt vô định. Chính vì thế Tâm luôn tìm cách quậy phá, tổ chức đánh nhau, cờ bạc... luôn luôn có tên trong danh sách những phạm nhân xấu. Anh bị phạt thêm 2 năm 6 tháng tù cho những sai phạm trong tù. Tâm cứ sống những tháng ngày tù tội tưởng như không lối thoát.

Đến năm 2003, khi vợ Tâm - chị Nguyễn Thị Trâm vào thăm, thông báo cậu con trai lớn mắc bệnh suy thận và phải chạy thận hàng tuần ở bệnh viện Bạch Mai. Bố mẹ cũng đã già yếu, người vợ nuôi con thay chồng tù tội cũng đầy mệt mỏi sau biết bao ngày lam lũ. Đây thực sự là quãng thời gian Tâm suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình. Sau này anh mới nói: “Điều quan trọng nhất làm cho tôi chuyển đổi tâm tính là lúc tôi thấy mình đã có tuổi mà chẳng phụng dưỡng cha mẹ được một ngày, còn làm cha mẹ đau lòng để giờ ốm yếu. Rồi con lại bị chạy thận nữa, tôi là một người bố mà thấy mình vô trách nhiệm, đổ hết nặng nhọc lên đầu vợ. Tôi đã nghĩ rất nhiều và thấy ân hận về những điều mình đã làm...”

Tâm đã không khóc cho hành trình trở về của mình, bởi bản chất con người anh cứng rắn, nhưng lòng anh đã thực sự nổi bão khi mỗi ngày, nỗi khao khát được trở về lại sôi lên. Để có lúc, anh đã phải khóc thầm đấm ngực, khi hiểu ra, mình đã quá nhẫn tâm với người thân và nửa đời người làm một kẻ bỏ đi. Thế rồi chính anh lại là người giúp đỡ giám thị nơi anh đang cải tạo, trong việc giữ gìn trật tự trại. Bởi ở đó, nhiều người quậy phá, quấy rối, không nghe lời, tổ chức đánh nhau... Phạm nhân Phạm Gia Tâm đứng lên động viên tinh thần các phạm nhân khác, khích lệ họ cố gắng cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng. Việc làm của anh có kết quả, và với tất cả những gì đã làm được, Tâm được giảm 2 năm 6 tháng tù. 

Đến khi mãn hạn tù, trở về quê, cha anh mất được hơn một tháng. Không được gặp người đã sinh thành ra mình lần cuối là một nỗi dằn vặt quá lớn, điều đó cũng làm anh chán nản. Anh lại một lần nữa lao theo con đường xấu, anh dốc rất nhiều tiền của anh em vào cờ bạc. Rồi chính người mẹ anh đã là điểm tựa và chỉ ra đường đi cho anh. 

Cái uy giang hồ

Trở lại cuộc sống gia đình, được người thân đùm bọc, giúp đỡ Phạm Gia Tâm đã có điều kiện để phát huy khả năng của mình. Anh đã góp phần gìn giữ trật tự an ninh trên địa bàn thị xã Từ Sơn và những vùng lân cận. Qua tìm hiểu cách làm việc của Tâm, tôi chưa thấy phạm nhân nào trở về đời thường lại có cái “uy” như anh. Cái “uy” đó thể hiện ở chỗ, anh giờ như ông chủ của một tập đoàn nhỏ. Nào là lãnh đạo một nhóm thu vé chợ Giầu ở phường Đông Ngàn (Từ Sơn); nào là chỉ huy một nhóm kinh doanh sinh vật cảnh, rồi một số người rửa, bơm vá xe; rồi giúp đỡ một người phụ nữ tật nguyền mở quầy bán nước. Anh lại bỏ tiền xây dựng một khu vui chơi giải trí phục vụ cho trẻ em, giúp đỡ nhiều gia đình tìm được con cái bỏ nhà đi lang thang, giải quyết những xung đột của những người tham gia buôn bán trong khu vực chợ. Điều làm người dân ở TX. Từ Sơn và đặc biệt điều khiến người dân vui mừng hơn nữa là trong phường Đông Ngàn, các đối tượng nghiện ngập, chích hút đã “bạt” hết. Các đối tượng chuyên trộm cắp, tổ chức đánh nhau cũng không còn, tạo sự bình yên cho một thị xã đang phát triển mạnh mẽ nhiều mặt.

Nói chuyện với Tâm, tôi không còn nhận thấy sự dữ dằn của một người từng cầm đầu nhóm trộm cướp chuyên nghiệp, chỉ còn một Phạm Gia Tâm hiền lành, luôn nở nụ cười tươi và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến. Người dân ở phường Đông Ngàn rất tín nhiệm và quý anh, dường như với không ít người, anh chính là chỗ dựa cho họ. Bởi họ là những người làm ăn nhỏ, vốn “thân cô thế cô” từ nơi khác đến, dễ bị bắt nạt. Từ đầu năm 2009 khi anh Tâm được đặc xá, ra tù trở về sống và thực hiện những ước vọng làm lại cuộc đời mình, thì những người vốn bị bắt nạt đã được giúp đỡ.

Mong giữ đúng lời hứa

Với nhiều người trở về, chỉ cần anh ta không làm gì sai trái nữa đã là may mắn. Nhưng Tâm là người không cam chịu chỉ ngồi một chỗ. Độ đó, khu dân cư số 1 phường Đông Ngàn bên cạnh chợ Giầu đang phải đối mặt với ô nhiễm vì rác thải, là nơi tập kết gà, vịt của dân buôn bán, rất mất vệ sinh. Nhận thấy nơi này đang bị bỏ không rất phí phạm, lại gây ô nhiễm, anh Tâm đã xin UBND phường Đông Ngàn cho mượn, xây dựng chợ tạm cho các hộ dân, và khi TX. lấy đất sẽ tự động dỡ bỏ. UBND phường chấp nhận, anh Tâm thuê máy xúc, san ủi bằng phẳng, xây dựng chợ tạm cho dân vào buôn bán. Đống rác lớn gây ô nhiễm cũng được chuyển đến một vị trí tập kết hợp lý.

Đầu tư làm được chợ tạm, anh cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 người trong “tập đoàn” của mình với mức lương khá. Đồng thời anh xin với UBND phường mượn một miếng đất, đầu tư 300 triệu đồng xây dựng khu vui chơi cho trẻ em trong khu vực, lại thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ để cải thiện đời sống tinh thần cho bà con. Người dân trong khu vực ai cũng phấn khởi, bởi nếu không có anh Tâm, thì họ không biết bao giờ mới thoát khỏi mùi hôi thối. Nhiều hộ gia đình giờ được ăn nên làm ra, là nhờ không khí thoáng đãng, đường sá khu vực chợ đã sạch sẽ. Cuối năm 2009, Tâm còn giúp dân làm chợ Tạm ở khu vực Phù Lưu, dựng hơn 100 lán tạm cho bà con kinh doanh buôn bán. Tôi hỏi anh Tâm rằng, nếu một mai, Thị xã Từ Sơn lấy đất, khu chợ tạm sẽ phải vận hành theo kiểu khác, rồi anh sẽ tính sao? Tâm cười hiền lành, nói mình đã có dự tính.

Anh đã giới thiệu cho tôi những dự án mà anh và vợ anh kết hợp làm. Tâm đang hoàn thành nốt thủ tục để thành lập Công ty TNHH Thành Trung. Công ty cũng đang xây dựng mô hình tập đoàn, gồm Trung tâm Giới thiệu việc làm; Trung tâm đào tạo nghề miễn phí… Thêm nữa, anh lại là người khởi xướng việc chơi họ từ thiện. Đây cũng là cách để anh giúp đỡ những người muốn kinh doanh mà chưa có vốn, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống có khả năng vươn lên. Mong sao vợ chồng anh hoàn thiện được các dự án, chắp nối được nhiều ước mơ, tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khó, lầm lỡ.

Ông Tạ Đức Huy - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn đã nói rằng có tin vào sự thay đổi của  Tâm thì phường mới đồng ý và giúp đỡ để anh thực hiện những dự án của mình. Phường chỉ mong anh chấp hành tốt những gì đã hứa, là một người tốt và giúp thêm nhiều người khó khăn.