"Nước mắt" đền chùa giữa lòng phố cổ Hà thành

ANTĐ - Công tác tu bổ, phục hồi các di tích văn hoá lịch sử không chỉ là vấn đề nhức nhối của các ngành chức năng mà còn là nỗi niềm trăn trở của đông đảo người dân thành phố.  

Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) được xây dựng vào thời Lê khoảng thế kỷ 17. Theo tài liệu chép tay và truyền miệng, đình là nơi thờ các thần giữ thành Thăng Long như thần Cao Sơn, thần Linh Lang và thần Bạch Mã. Đình là một trong những công trình bảo tồn do thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) hợp tác thực hiện. Đình cũng là một trong những địa điểm thu hút du khách với các triển lãm, hoạt động về nghề dệt lụa. Tuy nhiên một số cửa hàng bán quần áo vẫn dùng bức tường cạnh cửa Đình để treo nhiều mặt hàng gây mất mỹ quan.

Nằm trên phố Hàng Gai, dưới bóng cây đa cổ thụ là Đình Cổ Vũ. Đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc cả như hát xẩm, múa hát cổ dân gian các vùng miền, hát bài dân ca - thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả lớn tuổi trong nước cũng như du khách nước ngoài. Bên cạnh đó đình còn có nhiều nét đẹp đáng quý về văn hoá, lịch sử cũng như nghệ thuật. Tuy vậy trong thời gian gần đây, cổng đình thường xuyên đóng còn mặt tiền bị quán nước của các hộ gia đình xung quanh chiếm dụng làm nơi buôn bán. 
Được xếp hạng di tích lịch sử năm 1986, đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Đền gắn liền với sự kiện lịch sử Lý Thái Tổ dời đô với niên đại đã hơn 1000 năm tuổi.  Vào ngày 13 tháng 2 âm lịch hằng năm, tại đền tổ chức nhiều hoạt động văn hoá ý nghĩa có thể kể đến như lễ tiến Xuân Ngưu. Đền cũng đã được trùng tu tôn tạo qua nhiều triều đại, nhưng vẫn nổi bật dấu ấn độc đáo, đặc trưng của phong cách kiến túc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Tuy vậy trước cổng Đền vẫn xuất hiện nhiều cảnh lộn xộn dù cơ quan chức năng đã có thông báo cấm đỗ xe cũng như bán hàng rong quanh chốn tôn nghiêm này.
Xây dựng năm 1822, với vị trí thuận lợi nằm trên thôn Tân Khai, ôm lấy núi Nùng, phía đông thành cũ đời Lê, chùa Thái Cam (44 Hàng Vải) là ngôi chùa thờ Phật và Đức Thánh Trần, mang nhiều giá trị văn hoá cũng như lịch sử. Chùa được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1990.

Hiện nay cổng chính của chùa được người dân sử dụng để bán nước và đồ giải khát. Vì lý do này mà cổng chính chùa một nơi nhưng lối vào trong chùa lại nằm trên một con phố khác. Trong chùa có các hộ gia đình đã sinh sống gần chục năm nên rất khó để di dời họ khỏi đất chùa. Sư thầy trụ trì chùa Thái Cam là Thích Đàm Sơn hiện đang cố gắng hết sức để mang lại quang cảnh thanh tịnh, tĩnh lặng cho chùa. 

Là một trong những ngôi đền thờ Mẫu Liễu Hạnh được dựng sớm nhất ở nước ta, đền Bà Kiệu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng được xây từ đời Lê Thần Tông (1619-1628), tới nay đã gần bốn trăm năm tuổi. Từ thời Pháp thuộc, viện Viễn Đông Bác Cổ đã xếp đền Bà Kiệu vào danh sách "Cổ tích liệt hạng" bởi vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính của di tích này. Hiện nay đền còn lưu giữa nhiều di vật văn hoá lịch sử nhiều giá trị như chuông đồng, bia đá, hệ thống hai mươi bảy sắc phong thần thuộc nhiều triều đại,... 

 
Tuy nhiên đã từ lâu, cửa hàng kinh doanh cặp túi, vali trên đường Đinh Tiên Hoàng vì lợi nhuận đã lấn mặt tiền của đền để buôn bán. Cơ quan chức năng hiện đã ra lệnh cấm bán hàng trái nơi quy định tại đây, tuy nhiên hiện tượng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Là một di tích cổ tồn tại lâu đời, chùa Cầu Đông (38 Hàng Đường) là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ. Không chỉ vậy, chùa còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vị trí phía Đông của Hoàng Thành Thăng Long. Trong Thập điện của chùa hiện còn lưu giữ được gần 60 pho tượng cổ mang nét đẹp chuẩn mực của tượng Phật Việt Nam trong thế kỷ XVIII, 4 bia đá kèm các niên đại, nhiều pho tượng quý trong hệ thống di sản tạo tác nghệ thuật của người Việt. Không chỉ có nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, chùa Cầu Đông cũng từng là cơ sở cách mạng giúp đỡ các cán bộ Việt Minh hoạt động trong thời kỳ khó khăn. 

Đây là một trong những di tích đã xếp hạng cấm vi phạm. Tuy nhiên, dù treo hai biển cấm đỗ xe cũng như bán hàng rong bên ngoài nhưng nhiều người dân vẫn tự nhiên vi phạm, coi như không biết. Phản cảm hơn là thùng đựng rác của công ty vệ sinh môi trường đô thị được đặt ngay trước tượng Hộ Pháp phía bên ngoài chùa.

Chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược), di tích quốc gia, là một trong những ngôi chùa bị chiếm dụng trong nhiều năm qua. Đây là ngôi chùa mang các giá trị về văn hoá, lịch sử cũng như kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Do có nhiều hộ dân sinh sống bên trong khuôn viên chùa nên việc trùng tu, tôn tạo diễn ra rất khó khăn. Ngôi chùa hiện đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Vĩnh Trù là một trong những điển hình của việc xâm hại di tích. Theo ông Văn Ngọ (quận Hoàn Kiếm) cho biết, buổi sáng hàng phở bên cạnh chùa thường tận dùng mặt tiền để làm nơi để xe cho khách ăn; tới trưa khi quán vãn khách thì rác rưởi của buổi sáng nhiều khi còn lưu lại, không được dọn kĩ càng, sạch sẽ. Thỉnh thoảng nhiều quán hàng rong vẫn đứng trước cổng chùa buôn bán. Chùa vì thế ít khi mở cổng chính đón phật tử, khách chủ yếu vào bằng cổng phụ phía bên phải.

Được xây dựng trong quãng thời gian Pháp còn tạm chiếm, với mục đích giữ gìn các bản mộc in Kinh Phật, Pháp Bảo Tạng là một trong những ngôi chùa được nhiều người ghé tới. Tuy vậy hiện nay nhiều xe máy, ô tô còn tận dụng mặt tiền của chùa làm nơi đỗ xe dù ngay gần đó có một ngõ trông xe.

Trước cửa chùa cũng tồn tại nhiều quán nước cũng như các quán đồ ăn nhanh (nem chua rán, phô mai que) nhằm phục vụ học sinh trường THCS Thanh Quan nằm đối diện bên đường.

Là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, vừa là nơi thờ Phật, vừa là đền thờ Mẫu được nhà nước xếp hạng, quán chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai) là một trong những điểm đến thu hút trong hệ thống các di tích nổi tiếng của khu phố cổ cũng như Thủ đô Hà Nội. Quán chùa là một trong tứ quán linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa, gồm có Trấn Vũ, Huyền Thiên, Đồng Thiên và Đế Thích. Nằm ngay cạnh chợ Đồng Xuân, nhiều năm trở lại đây, chùa đã bị xâm hại bởi cảnh chợ búa buôn bán huyên náo của người dân, các cửa hàng xung quanh.

Cô Nguyễn Thiên Hương (quận Hoàn Kiếm) cho biết hiện tượng này đã tồn tại từ lâu. Mặt tiền quán chùa Huyền Thiên có vị trí thuận lợi lại nằm trên đất phố cổ thế nên rất khó để dẹp bỏ triệt để. Người dân xung quanh dựng các tấm tôn xanh, gắn vào hai bên tường chùa để treo biển cũng các các loại hàng hoá. Mặt tiền thì bị chiếm dụng làm nơi trông xe với giá khá cao so với quy định của thành phố. Đã nhiều lần cơ quan chức năng can thiệp nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Theo năm tháng công trình kiến trúc nghệ thuật này nay đã xuống cấp, khó tu bổ. Nhìn từ xa, ẩn sau những tấm bạt, ô che mưa nắng cùng đường dây điện chằng chịt, Quán Chùa Huyền Thiên đang dần rơi vào quên lãng.

Đây chỉ là ít trong số rất nhiều các di tích bị người dân xâm hại nằm trong khu phố cổ Hà Nội, như chùa Bà Đá (3 Nhà Thờ), chùa Lý Triều Quốc Sư (50 Lý Quốc Sư), chùa Tây Đen (19 Hàng Lược), Đền Đồng Thuận (11 Hàng Cá), chùa Vũ Thạch (13 Bà Triệu) cùng nhiều đền, chùa, đình khác. Việc chiếm dụng mặt tiền chùa để buôn bán không chỉ cản trở du khách đến thăm quan mà còn làm mất đi vẻ uy nghiêm, linh thiêng của các di tích nơi đây. Đáng quan tâm hơn, nhiều di tích đang chết mòn, bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Đã đến lúc người dân và các cấp ngành nên có các hành động cụ thể, tích cực để bảo vệ, tôn tạo lại những tài sản chung của quốc gia, trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho các di tích lịch sử văn hoá.