Hồi sinh từ những tấm lòng (3)

Nước mắt của niềm vui

ANTĐ - Vài năm trước, căn nhà này lúc nào cũng u ám và đầy nước mắt. Trên chiếc giường kê phía cuối buồng luôn thường trực một hình hài bé nhỏ nằm bất động với những ống ôxy quấn lủng lẳng quanh cổ. Chúng tôi tìm về căn nhà của cậu bé Nguyễn Phan Hồng Sơn, ở xóm 7 xã Khánh Công, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), nay đã tràn ngập tiếng cười.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô trao số tiền 

giúp đỡ mẹ con chị Nga tháng 12-2008

Nhắc lại vài chuyện cũ

Người phụ nữ bất hạnh là biệt danh của chị Phạm Thị Nga, trú tại xã Đinh Xá, Bình Lục, Hà Nam. Chị Nga, quê gốc Ninh Bình, nhưng về Bình Lục làm dâu kể từ khi quen và yêu anh Nguyễn Văn Công. Cuộc đời của một phụ nữ như chị Nga kể cũng là yên ổn khi cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định ở một công ty may. Thế nhưng, niềm vui với cuộc sống gia đình chỉ như “bóng câu qua cửa”, nụ cười với chị chỉ thấp thoáng đâu đó trong thời gian rất ngắn. Lấy nhau được một thời gian, anh Công bỗng dưng mắc chứng bệnh ung thư xương hàm mặt. Nhà anh Công vốn nghèo, vậy mà suốt 5 năm trời từ 2003 tới 2008 anh gần như nằm bẹp ở nhà, chỉ còn mình chị tảo tần đi làm vừa nuôi con vừa lo thuốc thang cho chồng. Thế nhưng, mọi nỗ lực của chị thành công cốc bởi căn bệnh nan y đã cướp anh đi vào giữa năm 2008.

Các cụ vẫn bảo, họa vô đơn chí, đúng lúc lo xong đám trăm ngày cho chồng thì bé Sơn - con chị lại mắc một chứng bệnh kỳ lạ. Một buổi đi học về, vừa ném chiếc cặp sách lên bàn thì bé kêu khó thở, thế rồi bé cứ lịm dần, lịm dần… Hoảng hồn, chị Nga vội vàng bế con lên bệnh viện tỉnh Hà Nam, các bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm phế quản cấp. Nhưng viêm phế quản kiểu gì mà chỉ 4 ngày sau, từ một đưa trẻ hoạt bát, Sơn bỗng nhiên liệt hẳn tứ chi rồi chẳng mấy chốc bị liệt toàn thân. Vội vàng chuyển lên Viện nhi Trung ương, các bác sỹ ở đây khẳng định: Cháu bị viêm đa rễ thần kinh (Guillain Barré) - một căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp ở trẻ.

Hôm tôi vào viện Nhi thăm bé Sơn thì chị Nga đã lăn lóc chăm con ở đây được mấy tháng trời. Gia cảnh của chị gần như khánh kiệt. Đã thế, lúc này chị lại bụng chửa vượt mặt chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới ngày sinh nở. Bác sỹ Phạm Văn Thắng - Phó trưởng Khoa Hồi sức cho biết, ai đời phụ nữ sắp sinh mà một ngày chị Nga chỉ dám tiêu 10.000 đồng tiền ăn cho chính mình. Mọi khoản tiền vay nợ thuốc thang cho chồng còn chưa trả hết nên tiền thuốc cho con chị không đào đâu ra. Trong khi đó, để có tiền chi phí cứu bé Sơn thoát khỏi tử thần phải cần ít nhất 50 triệu đồng. Khi nghe tới số tiền ấy, chị Nga chỉ còn biết ôm mặt khóc.

Khi trái tim lên tiếng

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh bé Sơn nằm hôn mê trong khu cách ly. Vì nằm viện quá lâu da đầu cậu bé đã lủng 3-4 chỗ trơ cả xương sọ không liền lại được. Ấy vậy mà ban ngày, người mẹ bụng chửa vượt mặt ấy vẫn phải phó mặc con cho các bác sỹ ra ngoài quán phở xin rửa bát thuê kiếm tiền. Khốn nỗi, thấy bà bầu sắp đến ngày sinh đẻ, ai cũng đây đẩy chối từ. Bài báo “Lời khẩn cầu của một bà mẹ trẻ” đăng trên An ninh Thủ đô ngày 4-12-2008 ngay ngày hôm sau đã tới tay bạn đọc và số tiền 200 triệu đồng lập tức được quyên góp chuyển tới tận tay chị Nga cùng các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương. Và bé Sơn đã sống.

Số tiền bạn đọc quyên góp ngày ấy cũng phần nào giúp chị Nga tiếp tục công đoạn phục hồi chức năng sau liệt cho bé Sơn suốt 8 tháng tiếp theo tại bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau hơn 1 năm chống chọi với thần chết bé Sơn đã khỏi hẳn và có thể tiếp tục tới trường cho dù đôi bàn chân vẫn còn tập tễnh.

4 năm sau cái ngày vào viện trao cho chị Nga số tiền cứu bé Sơn thoát khỏi lưỡi hái thần chết. Chúng tôi lại xuyên những con đường đầy bụi về Hà Nam thăm chú bé. Mới hay, cả hai mẹ con đã về ở tại quê ngoại tận Ninh Bình. Lại thêm gần 100km về tới Yên Khánh. Gặp nhau, chị Nga mừng rơi nước mắt, tôi cũng hết sức bất ngờ khi đón mình ngoài cổng lại là một chú bé phổng phao cao tới 1m6 chính là cậu bé Sơn hút chết ngày nào. Bà Vũ Thị Hiền, bà ngoại của Sơn bảo: “Ngày ấy, nếu không có các chú, chắc thằng cu này không còn sống đến tận bây giờ. Ấy thế mà nay cháu đã tự đi học được, lên lớp 8 rồi đấy. Năm nào cũng được học sinh tiên tiến”. Nhớ lại những ngày Sơn nằm viện, bà Hiền vẫn rùng mình: “Vợ chồng tôi già cả, chẳng còn đi lại được, tiền cũng không có, thế mà lúc mẹ nó sinh đứa thứ 2, tôi vẫn phải lặn lội lên tận viện Nhi chăm cháu. Rõ khổ, nếu không có số tiền các chú giúp có lẽ tôi cũng chỉ biết đứng nhìn cháu chết chứ chẳng biết phải làm thế nào”.

Riêng chị Nga, vẫn mau nước mắt như cái ngày tôi gặp chị cách đây 4 năm. Chỉ khác là, ngày ấy chị khóc vì thương con và túng quẫn. Còn bây giờ, chị khóc nhưng miệng vẫn nở một nụ cười: “Bên nội neo người quá nên mẹ con em đưa nhau về đây nhờ nhà ngoại trông giúp các cháu để đi làm. Em vẫn theo nghề công nhân may. Lương thấp nhưng co kéo cũng đủ nuôi hai cháu. Ơn của các bác ở Báo An ninh Thủ đô và bạn đọc hảo tâm, em chẳng biết làm thế nào trả được. Nếu có thể các anh giúp em gửi tới các cô, các bác lời tri ân tự đáy lòng”. Nghe chị Nga nói vậy, tự nhiên tôi lại lẩn thẩn nghĩ: Chị Nga nghèo thật, ngày ấy, nếu không có 50 triệu đồng, chắc chắn bé Sơn đã chết. Nhưng còn có những số tiền lớn gấp hàng trăm lần 50 triệu đồng đang bị bỏ lãng phí từ những công trình tào lao này nọ, những dự án dở dang kia sẽ cứu được bao nhiêu đứa trẻ? 

Có thể 50 triệu đồng với một phụ nữ nghèo như chị Nga là không tưởng. Và nếu chúng ta để một đứa trẻ phải chết chỉ vì không có 50 triệu đồng thì quá nhẫn tâm. Nhưng với tất cả bạn đọc của An ninh Thủ đô, chắc chắn tấm lòng của chúng ta khi góp lại sẽ không bao giờ nghèo đến thế. 

(Còn tiếp)