Nước mắt của người mẹ phải nhốt con trong lồng sắt và lời đồn ma quỷ

ANTĐ - Bao nhiêu hy vọng về cuộc sống bình dị của bà Nguyễn Thị Thuân, phường Văn Đẩu (quận Kiến An, Hải Phòng) đã trở thành dang dở, khi chồng mất, để lại cho bà 3 đứa con bệnh tật. Vật vã mưu sinh, thẳm sâu người mẹ vẫn mong đến một ngày tìm được chút an ủi nơi nào đó còn sót lại.

Giông gió cuộc đời

Khuôn mặt phạc phờ của bà khiến lòng tôi xót xa. Có con mà không được nhờ, bà Nguyễn Thị Thuân cứ vấp hết nỗi khổ này đến nỗi khổ khác. Hơn 60 năm sống trên cõi đời “sướng vui thì ít, chát đắng, khổ đau thì nhiều”, có lúc bà gần như không thể gượng dậy.

Lau tạm dòng nước mắt bằng chiếc khăn rách sờn, bà kể, khi người chồng trở về từ chiến trường, hai phận nghèo nương tựa vào nhau với ước mong sinh được những đứa con khỏe mạnh. Năm 1983, con trai lớn Vũ Đức Cường ra đời hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Hai năm sau, con thứ Vũ Đức Dũng chào đời nhưng không giống anh trai mình. Có lớn mà không có khôn, lên 5 tuổi Dũng cứ... ngớ ngớ ngẩn ngẩn. Ước muốn các con có thêm anh em, bao bọc lẫn nhau vợ chồng bà Thuân bàn bạc và sinh thêm Vũ Đức Hải (SN 1990). Nhưng giông gió cuộc đời tiếp tục đổ vào gia đình này.

Năm 2002, Cường học hết phổ thông, lúc cuộc đời mơn mởn đẹp thì cậu phát bệnh. Mới đầu, cậu con trai hiền lành bỗng dưng “dở chứng” chửi bố, mắng mẹ sau quay sang đập phá đồ đạc, thậm chí có lần cầm dao đuổi đánh bố mẹ. Như đứt từng khúc ruột, vợ chồng bà Thuân phải nhốt con trong buồng. Cũng từ năm đó, di chứng chiến tranh ẩn trong người ông Thuân phát tác. Rồi vào một ngày trời mưa tầm tã, ông Thuân phát bệnh thần kinh. Nhà năm người thì đến ba người ngớ ngẩn, bà Thuân đặt tất cả niềm hy vọng vào cậu con út Vũ Đức Hải. Thế nhưng, lúc mới chớm nhận thức được căn bệnh thần kinh nguy hiểm đến cỡ nào thì cũng là lúc Hải phát bệnh giống bố và hai anh trai, chìm sâu trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Vậy là, để cáng đáng cho cái gia đình nhỏ với bốn người mắc bệnh, ngoài làm mấy sào ruộng, bà Thuân tất tưởi khắp nơi nhặt ve chai bán kiếm thêm tiền. Do cuộc sống quá vất vả, có đêm tủi thân bà Thuân ngồi khóc một mình. Ông Thuân mủi lòng nhưng cũng chẳng giúp được gì. Một lần, thấy mẹ khóc, cậu con út an ủi: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, rồi chúng con lớn lên chúng con làm đỡ. Mẹ khỏi phải khổ”.

Nghe vậy, bà Thuân mừng quá, tưởng con trai nguôi bệnh. Bà đã nghĩ đến biết bao điều tốt đẹp khi các con khỏe mạnh. Nhưng chỉ ngay hôm sau, cậu lại rơi vào trạng thái bệnh.

Bão chẳng chịu dừng

Trầy trật một tay bà Thuân chăm lo mọi việc, đầu năm 2012, chồng bà đi viện, được phát hiện bệnh ung thư vòm họng. Bao nhiêu tiền vay mượn, được ủng hộ, dồn cả vào những ngày điều trị, nhưng bệnh chẳng lui. Cuối năm đó ông mất. Bà Thuân một mình tiếp tục những tháng ngày bươn chải lo toan. Để tránh con cái mỗi khi trái gió trở trời, phát cơn lại lao ra đường quậy phá, người mẹ bất hạnh này phải chạy vạy ngược xuôi vay tiền gia cố lại những căn phòng với cánh cửa sắt kiên cố để giữ con. “Đây là phòng thằng Cường, nó cả ngày ngồi như thế, tôi mà mở cửa là nó lại lao ra la hét ngay. Kia là phòng thằng Dũng, dạo trước phòng nó bí quá tôi phải đập bỏ cửa sổ để thoáng đãng, đỡ ruồi muỗi bu bám con. Số tôi sao mà cứ phải chịu hết tai ương này đến tai ương khác. Muốn yên mà bão chẳng dừng đấy chú ạ”, bà Thuân bộc bạch. 

Một người mẹ đã chịu ngần ấy nỗi, tưởng đã kiệt quệ lắm rồi, vậy mà bà còn chịu một áp lực khác nữa: một số người đặt điều xấu, nói các con bà bị ma quỷ hành hạ. Bà buồn lắm nhưng chẳng còn hơi sức đâu mà cãi lại. “Tôi chỉ còn đủ sức để nuôi con thôi. Nhưng đó là lúc này tôi còn khỏe mạnh, không được phép ốm đau đấy. Chẳng may vài năm nữa tôi không đủ sức cưỡng lại bệnh tật nữa thì ai trông nom các con! Chúng nó biết bấu víu vào đâu?”, bà Thuân tự vấn.

Trong số ba con trai thì bệnh của Hải nhẹ hơn, cậu vẫn chạy đi chạy lại quanh nhà. Mẹ bảo ngồi thì ngồi, bảo ăn thì ăn. Có hôm, thấy mẹ xơ xác quá, lại tủi thân khóc một mình, Hải đến lay lay cánh tay bà Thuân, đòi ôm mẹ. Bà đồng ý. Lát sau Hải hỏi: “Mẹ ơi, nước mắt mẹ sao mà mặn thế? Mặn hơn muối ngoài biển nhiều”. Bà Thuân giật mình, tự hỏi con trai mình có được ra biển bao giờ đâu mà biết. Bà hỏi: “Sao con biết muối ở biển?”. Hải lắc đầu: “Con không biết. Con chỉ thấy mẹ khóc, nước mắt mặn như muối ấy thôi”.

Bà ôm chặt Hải hơn, đồng thời từ trong thâm tâm bà bật lên niềm vui, rằng con út bà có thể có hy vọng. Từ hôm cậu con có thắc mắc lạ lùng, nhưng cảm động ấy, bà Thuân lưu tâm hơn đến những biểu hiện của con, rồi tìm cách hỏi người khác. Nhưng không ai lý giải được vì sao lại như vậy. Tuy bà chưa thấy cậu có tiến triển hơn, nhưng với những phút giây “đột phá” trong ý nghĩ của cậu, bà hy vọng một ngày nào đó kiếm được tiền, bà sẽ đưa con đi chữa. Biết đâu, có một phép nhiệm màu xuất hiện.

Hy vọng sự hồi sinh

“Làm người, ai chẳng muốn cuộc sống êm ấm, bình thường. Cái số tôi nó khổ thì tôi phải chịu. Vẫn phải cố gắng nuôi con chứ, hy vọng một ngày nào đó cả ba thằng chúng nó tỉnh ra, rồi phụng dưỡng tôi”, bà Thuân bỗng nhiên hào hứng, lạc quan. Tôi biết, bà đang cố tỏ ra cứng cỏi. Nhưng không giấu nổi phía sau đôi mắt nặng trĩu mệt mỏi của bà, có một nỗi cô đơn quá lớn. Ước mơ cả ba đứa con cùng khỏe lại, tỉnh ra, phụng dưỡng mẹ thật sự vô cùng khó thành hiện thực. May ra, có thể chúng đỡ bệnh, và chỉ cần cậu con út khỏi hẳn đã là diễm phúc rồi.

Song, nói thì nói vậy, chứ cuộc đời con người ai chẳng từng có lần thất vọng, tuyệt vọng, rồi sau đó lại ước muốn điều tốt đẹp hơn. Bà Thuân, rốt cục cũng chỉ khao khát cuộc sống bình thường như bao gia đình khác. Mong sao cũng đến khi bà có thể an lòng để sống những tháng ngày cuối chiều.

Hiện bà vẫn lầm lũi đi nhặt ve chai. Điều may mắn nhất với bốn mẹ con, là được chính quyền trợ cấp 320.000 đồng mỗi tháng. Một số tổ chức từ thiện cũng đã tìm đến, chia sẻ khó khăn. Trong đó, có một nhóm sinh viên tình nguyện, cứ đến bữa trưa lại mang cơm đến cho mẹ con bà Thuân.