Nước lên, thuyền xuống

ANTD.VN - Chính trường nước Đức đang trong tình trạng nghịch lý khi uy tín của liên minh cầm quyền CDU/CSU tiếp tục gia tăng, song uy tín của người đứng đầu liên minh là Thủ tướng Angela Merkel lại sụt giảm.

Dù uy tín liên minh cầm quyền gia tăng song uy tín của nữ Thủ tướng Angela Merkel lại giảm do người dân Đức phản đối chính sách tị nạn của bà

Kết quả thăm dò do Viện Forsa ở Đức công bố ngày 10-8 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với nữ Thủ tướng nước này Angela Merkel tiếp tục giảm trong vài tuần qua và nếu chức Thủ tướng Đức được bầu ngay lúc này, bà Merkel chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 45%, giảm 3% trong ba tuần qua.

Dù sụt giảm song tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập Sigmar Gabriel vẫn thấp hơn khá nhiều khi thủ lĩnh đảng đối lập lớn nhất chỉ được 30% số người được hỏi ý kiến ủng hộ.

Có vẻ như nghịch lý bởi trong khi uy tín bà Merkel giảm sút thì tỷ lệ ủng hộ dành cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền của Thủ tướng Merkel vẫn tăng lên so với cuộc thăm dò trước đó.

Theo đó, uy tín của liên đảng bảo thủ CDU/CSU tăng nhẹ, lên mức 36%, trong khi tỷ lệ ủng hộ SDP giảm xuống còn 21%, đảng Xanh tăng lên 13%, đảng Cánh tả 10%, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) 9% và đảng Dân chủ Tự do (FDP) 5%. 

Nguyên nhân của nghịch lý trên được chính kết quả thăm dò của Viện Forsa và kênh ARD chỉ ra, đó là có tới 69% số người Đức được hỏi không cho rằng các vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở nước này có liên quan hoặc là hệ quả do chính sách tỵ nạn của bà Merkel. Số ý kiến không đồng tình với chính sách tị nạn của nữ Thủ tướng Đức cũng tăng lên 65%.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi thời gian qua, Thủ tướng Merkel là một trong số rất ít nhà lãnh đạo ở châu Âu kiên trì với quan điểm tiếp nhận những người tị nạn Trung Đông như Syria, Iraq… Trên thực tế, Đức là một trong những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận số người tị nạn đến định cư nhiều nhất với khoảng 1 triệu người chỉ trong năm 2015. 

Việc tiếp nhận người tị nạn đã ngốn của ngân sách nước Đức số tiền khổng lồ, lên tới 93,6 tỷ euro (gần 106 tỷ USD) từ nay đến cuối năm 2020. Không những thế, hàng triệu người tị nạn đổ vào nước Đức đã dẫn tới không ít khó khăn, từ việc phải tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho tới vấn đề trật tự an toàn và an ninh khi người tị nạn gây ra vụ náo loạn, tấn công tình dục… và đặc biệt là hàng loạt vụ tấn công khủng bố mà hung thủ là những kẻ Hồi giáo cực đoan gốc các nước Trung Đông.

Thế nhưng, dù phản đối chính sách người tị nạn của bà Merkel, song người dân Đức vẫn đánh giá cao chính sách kinh tế của chính quyền liên minh CDU/CSU và cá nhân nữ Thủ tướng khi Đức vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định ở châu Âu cùng tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đa số người dân vẫn muốn liên minh CDU/CSU và bà Merkel tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 sắp tới.

Cũng theo kết quả thăm dò gần đây, nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào thời điểm hiện nay, liên minh CDU/CSU vẫn có nhiều cơ hội chiến thắng hơn bất kỳ chính đảng nào ở Đức, mặc dù có thể phải liên minh thêm với đảng phái khác. Trong trường hợp liên minh cầm quyền tiếp tục thắng lợi, bà Merkel có thể lập kỷ lục 4 nhiệm kỳ liên tiếp là Thủ tướng Đức, cường quốc kinh tế lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.