Nước kênh, rãnh tại làng Đông Mai có hàm lượng chì gấp 1.000 lần cho phép

ANTĐ -Sáng 28-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp đi kiểm tra, thăm và tặng quà cho các cháu bé bị nhiễm độc chì tại làng nghề tái chế chì Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tại một cơ sở tái chế chì ở Đông Mai

Trước đây thôn Đông Mai có khoảng 100 hộ gia đình làm nghề sản xuất tái chế chì, đến nay chỉ còn lại 13 hộ gia đình sản xuất tái chế chì rải rác, xen lẫn trong dân cư, các cơ sở khác đã được di dời và cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai. Qua kiểm tra sáng 28-5, tình trạng ô nhiễm chì tại thôn Đông Mai vẫn đang ở mức báo động. Hiện tại 13 hộ chưa di dời vẫn tiếp tục gây tình trạng nhiễm độc chì đối với người thân trong gia đình, cộng động và những người dân sống xung quanh.

Ngày 16 và 17-5 vừa qua, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế đã về thôn Đông Mai lấy mẫu máu của 618 người dân Đông Mai (283 người lớn và 335 trẻ em) để xét nghiệm nồng độ chì trong máu. Đến thời điểm này, trong số 317/335 trẻ em đã có kết quả xét nghiệm thì có tới 207 trẻ (chiếm 65,3%) bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, kết quả lấy mẫu kiểm tra giám sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường vào tháng 12-2014 cho thấy: Nước tại các kênh và rãnh thoát nước có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần theo QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước bề mặt.

Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép, trong đó 3/5 mẫu không đạt theo TCVN 05:2009, 2/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn tại QĐ 3733-2002 BYT; Đất tại hộ gia đình và vườn trong thôn có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần theo QCVN 03:2008/BTNMT về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất; Rau có hàm lượng chì cao hơn giá trị giới hạn cho phép 1,3 lần theo QCVN 8-2:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Tại Đông Mai vẫn còn 13 cơ sở sản xuất, tái chế chì nằm xen lẫn trong khu dân cư

Trước thực trạng trên, để bảo vệ sức khỏe người dân thôn Đông Mai khỏi tình trạng nhiễm độc chì, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chính quyền địa phương cần có các biện pháp khẩn trương, tích cực để di dời 13 hộ dân đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để loại trừ hoàn toàn chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Quản lý môi trường y tế và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khẩn trương có kết quả xét nghiệm của 618 người dân đã được lấy mẫu máu để gửi cho chính quyền địa phương, trên cơ sở có kết quả xét nghiệm để điều trị thải độc chì cho người bị nhiễm ưu tiên trẻ em, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị mang thai.

Đối với 207 cháu đã có kết quả xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị thải độc chì cho các cháu, ưu tiên các cháu nhiễm độc nặng điều trị trước, trường hợp nhẹ có thể xem xét điều trị tại bệnh viện huyện Văn Lâm.

Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà cho một gia đình có trẻ bị nhiễm độc chì ở Đông Mai

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẽ thực hiện việc xét nghiệm chì máu miễn phí cho nhân dân trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị theo phác đồ điều trị và theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng giao cho Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe, sàng lọc và phát hiện bệnh ở các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng khác.