Nước giếng nóng bất thường ở Lào Cai

(ANTĐ) - Từ giữa tháng 3 đến nay, nước giếng tại nhà ông Lê Văn Bảo, thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bỗng dưng nóng và bốc hơi mặc dù trời khá lạnh. Có những ngày, nhiệt độ tại giếng lên tới 60-70 độ C, làm đường ống dẫn nước bằng nhựa biến dạng. Ông Bảo cho biết, giếng nhà ông được đào cách đây 25 năm, sâu 14m, từ ngày đào đến nay, nhà ông vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt hàng ngày, nước trong và mát. Tuy nhiên, kể từ ngày nước có hiện tượng nóng lên đến nay, mỗi lần bơm lên đều không sử dụng trực tiếp được.

Nước giếng nóng bất thường ở Lào Cai

(ANTĐ) - Từ giữa tháng 3 đến nay, nước giếng tại nhà ông Lê Văn Bảo, thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bỗng dưng nóng và bốc hơi mặc dù trời khá lạnh. Có những ngày, nhiệt độ tại giếng lên tới 60-70 độ C, làm đường ống dẫn nước bằng nhựa biến dạng. Ông Bảo cho biết, giếng nhà ông được đào cách đây 25 năm, sâu 14m, từ ngày đào đến nay, nhà ông vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt hàng ngày, nước trong và mát. Tuy nhiên, kể từ ngày nước có hiện tượng nóng lên đến nay, mỗi lần bơm lên đều không sử dụng trực tiếp được.

Đầu tháng 4, một số giếng nước của các hộ dân lân cận cũng bắt đầu nóng nhẹ. Tuy nhiên, sự việc đến nay chưa có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn khiến người dân hoang mang, bán tín bán nghi, người thì gắn nó với hoạt động của núi lửa, người thì gắn vào yếu tố tâm linh. Nhất là khi, ông Bảo cho biết, nhà ông có bà mẹ già đã 95 tuổi, chân tay co quắp, đi lại, làm việc khó khăn. Song sau một thời gian tắm nước giếng đến nay, chân tay đã mềm rõ rệt, vận động, đi lại dễ dàng hơn.

Trả lời xung quanh hiện tượng này, ông Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, việc nước giếng nóng phải được nghiên cứu cụ thể. Song, ông cũng cho rằng, khả năng nước giếng nóng liên quan đến núi lửa là không có cơ sở. Tuy nhiên, việc nước giếng nóng lên có thể liên quan đến đới đứt gãy sông Hồng. “Khi đới đứt gãy hoạt động, sẽ làm vỏ trái đất xê dịch, xảy ra đứt vỡ và từ đó sẽ có dòng khoáng đi lên, di chuyển dọc theo đứt gãy và đi lên mặt đất. Có thể dòng khoáng đó vào giếng và làm cho nước nóng lên”, ông Minh nói. Bởi vậy, người dân không nên quá lo ngại trước hiện tượng này.

Cùng nhìn nhận về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Văn Đản, nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho biết, để xác định nguyên nhân cần phải đi khảo sát thực địa, xem xét tình hình.

Bởi vậy, cần phải xem xét giếng nước được đào qua lớp đất đá gì. Nếu đào qua đá bở rời hoặc than bùn thì có thể nước nóng lên bởi khí dễ cháy nảy sinh ra nhiệt cao. Hoặc, đó cũng có thể do hoạt động kiến tạo của trái đất từ dưới sâu đưa lên. Trong trường hợp ở Bảo Thắng, ông Đản dự đoán nguyên nhân bắt nguồn từ tự nhiên nhiều hơn. Yếu tố liên quan đến hoạt động núi lửa cũng được nhà khoa học này loại trừ.

Trung Ngân