Nước giàu thừa thầy thiếu thợ

ANTĐ - Nhiều quốc gia phát triển giàu có trên thế giới đang phải đối mặt với thực tế thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động có tay nghề cao và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Nhiều cơ sở sản xuất ở Canada đang thiếu hụt người lao động tay nghề cao

Công ty tuyển dụng toàn cầu Hays PLC có trụ sở tại Canada vừa công bố một kết quả nghiên cứu mới cho thấy các nước phát triển trong đó có Canada, Nhật Bản, Mỹ, Đức và Thụy Điển… đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ lao động lành nghề nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu này được rút ra từ cuộc khảo sát về vấn đề thiếu lao động có tay nghề tại 30 quốc gia phát triển. 

Kết quả nghiên cứu trên khiến không ít người chú ý bởi hầu hết các quốc gia phát triển đều có tỷ lệ thất nghiệp cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ công. Tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ dưới 25 tuổi lên tới gần 25%, cá biệt tỷ lệ này ở một số nước như Hy Lạp lên tới hơn 59%, Tây Ban Nha trên 55%, Italia hơn 34%...

Tuy nhiên, thất nghiệp cao không có nghĩa là không thiếu lao động. Báo cáo của Hays PLC nhấn mạnh, việc thiếu lao động lành nghề thường liên quan chặt chẽ với chính sách của chính phủ bên cạnh tính hiệu quả của các cơ sở giáo dục trong việc cung cấp những kỹ năng cần thiết cho sinh viên và mức độ hiệu quả đào tạo của chủ lao động đối với giới lao động.

Dù chỉ xếp thứ 9 trong danh sách các nước phát triển về mức độ thiếu lao động lành nghề, song Canada bắt đầu có những dấu hiệu đáng lo ngại khi tồn tại khoảng cách giữa người lao động tay nghề cao và các ngành đang “khát” lao động. Nhiều công việc từ thợ điện, thợ hàn, thợ cơ khí thiết bị hạng nặng, thợ đường ống cho tới điều dưỡng, y tá... đều đang thiếu lao động trong khi lại thừa lao động không có tay nghề cũng như những người tốt nghiệp đại học về kinh tế. 

Tương tự như Canada, Đức, Australia… cũng đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề. Trong khi Bộ trưởng Lao động Đức Ursula von der Leyen tuyên bố nước này đang cần những lao động có tay nghề như y tá, điều dưỡng viên, chuyên viên điều khiển robot, thợ điện và lái tàu... thì Australia cũng cho biết cần thêm 800.000 lao động lành nghề trong vòng 5 năm tới nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng xu hướng thay đổi cơ cấu của thị trường lao động.

Công ty Hays PLC nhận định, tình trạng thiếu lao động lành nghề sẽ càng trầm trọng hơn khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Ông Alistair Cox, Giám đốc điều hành của Hays PLC, cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong hệ thống khi mà thị trường việc làm khởi sắc do kinh tế phục hồi nhưng các nước phát triển giàu có lại không đủ lao động lành nghề trong các ngành thích hợp và vào đúng thời điểm.

Để giải bài toán thiếu lao động tay nghề cao thì bên cạnh việc đào tạo trong nước, các nước phát triển đều tính tới giải pháp nhanh và rẻ là mở rộng cánh cửa cho người nhập cư là lao động lành nghề. Chính phủ Canada vừa thông qua cơ chế mới đưa người lao động tay nghề cao vào danh sách ưu tiên xét duyệt cấp giấy thường trú tại Canada. Những cách làm tương tự cũng đang được Đức, Australia triển khai.