Doanh nghiệp Việt trước ngưỡng cửa thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC):

Nước đến chân, nhưng chưa vội nhảy

ANTĐ - Theo kế hoạch, cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Với những hiểu biết khiêm tốn về AEC, liệu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có biến được thách thức thành cơ hội?

Nước đến chân, nhưng chưa vội nhảy ảnh 1Cạnh tranh trong AEC rất gay gắt

Cơ cấu kinh tế tương đồng

Tại cuộc tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, tham gia AEC có nghĩa Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn. Mặc dù các nước ASEAN có sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, xã hội, lịch sử, trình độ phát triển... nhưng cơ cấu kinh tế của các nước lại tương đồng. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam, vì các nước cùng làm ra những sản phẩm như nhau, cùng buôn bán một mặt hàng… Do đó, sản phẩm của mỗi doanh nghiệp phải vừa cạnh tranh với hàng hóa các nước khác trên chính lãnh thổ của mình và ngược lại, hàng hóa Việt Nam cũng phải cạnh tranh tại nước khác. Trong bối cảnh ấy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã… thì không dễ chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, điều đáng nói là hướng đổi mới cho doanh nghiệp đã được nhắc đến từ lâu, song sự cải thiện trên thực tế chưa được như mong đợi.

Nói về thách thức đối với doanh nghiệp năm 2015, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có 2 điểm yếu so với các nước ASEAN. Một là, cùng có số lượng như nhau nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại đóng góp cho GDP thấp hơn các nước. Hai là, nếu nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất ít, doanh nghiệp lớn lại càng ít hơn. “Tham gia vào AEC, chúng ta cơ bản dựa vào luật chơi thị trường – đó là một thị trường tự do sâu, mạnh nhưng cũng là một thị trường kỷ luật, giám sát mạnh mẽ hơn. Tự do hóa chỉ đem lại cơ hội tĩnh, nhưng về dài hạn, chúng ta phải sáng tạo để tìm được giá trị gia tăng tốt hơn. Ví dụ, xuất khẩu cá basa rất tốt, nhưng nếu chúng ta chỉ xuất khẩu con cá thôi thì 10 năm nữa cũng chưa gia tăng giá trị được”- ông Võ Trí Thành nói.

Thờ ơ, ít quan tâm

Một cuộc khảo sát vừa được Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tiến hành cho thấy, có 80% doanh nghiệp được hỏi “rất thờ ơ, không hề quan tâm” đến hội nhập, trong khi chỉ có 20% doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, có quan tâm. Ông Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được hội nhập đã đến gần và tầm quan trọng của nó. Chúng tôi cũng giật mình khi 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dễ bị tổn thương lại ít quan tâm”. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, thực trạng này có nguyên nhân từ việc nước ta hội nhập mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đầu tiên là tham gia WTO, doanh nghiệp rất trông mong, nhưng khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức này, doanh nghiệp hết sức mệt mỏi vì gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó, khi chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác, thị trường Đông Nam Á ít được quan tâm hơn. “Nếu xem xét kỹ, doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi AEC. Doanh nghiệp trong cộng đồng có thể đi sang nhau dễ dàng, chia sẻ khách hàng, cạnh tranh khốc liệt hơn trước”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, doanh nghiệp này đang thăm dò thị trường ASEAN, kim ngạch xuất khẩu mới đạt vài trăm nghìn USD/năm. Là đơn vị chuyên cung cấp hàng phụ trợ cho Honda Việt Nam, Yamaha, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Những chi tiết xe máy chúng tôi sản xuất thì Thái Lan, Indonesia cũng đang làm nên cạnh tranh khá mạnh. Nếu giá thành hoặc chất lượng không tốt thì đối tác sẵn sàng nhập từ nước ngoài. Đây là cuộc chiến gay go, căng thẳng, không hề dễ dàng”. 

Cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị động khi hội nhập AEC, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, có 4 lý do lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến AEC. Một là, doanh nghiệp quan niệm đây không phải là thị trường quan trọng. Hai là, có khoảng cách trong tuyên truyền, thông tin về hội nhập AEC trong tương quan với WTO. Ba là, các doanh nghiệp đang cố gắng vượt qua khó khăn nên họ không đủ thời gian hướng tới kế hoạch dài hạn. Bốn là, nhiều doanh nghiệp vẫn thụ động, trung thành với thị trường truyền thống. 

(Còn tiếp)

Bài 2: Không được phép chậm trễ