Nức tiếng lồng chim làng Vác

ANTĐ - Hàng chục chiếc lồng với đủ kích cỡ được xếp đầy sân. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, người lúi húi vót nan, mài vanh, người say sưa chạm đáy… Nghề làm lồng chim đã đem lại thu nhập khá cho không ít hộ gia đình tại làng Vác, thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 

Nức tiếng lồng chim làng Vác ảnh 1
Chạm trực tiếp trên vanh


Chọn tre cũng cần bí quyết

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, về huyện Thanh Oai, Hà Nội, hỏi làng Vác - ngôi làng chuyên đan lồng chim, dân quanh vùng ai cũng biết. Khách chơi chim có người tận Hải Phòng, Quảng Ninh cũng về tận đây để đặt những chiếc lồng như ý. Độ nửa tháng sau, khách lại cất công  quay lại để nhận hàng.

“Một tiền gà, ba tiền thóc”, cái thú chơi chim rất cầu kỳ, để làm ra được một chiếc lồng cũng hết sức kỳ công. Kỳ công trước hết là từ khâu tuyển chọn nguyên vật liệu. Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ cơ sở Thanh Thảo chuyên cung cấp vật liệu để sản xuất lồng chim trong làng phải về tận vùng núi Cao Bằng, Hòa Bình… để chọn từng cây tre, cây trúc. Tre phải ít nhất 3 tuổi trở lên, không nổi củ (gốc) thì tre mới đanh, chắc thịt. Nếu cây tre “mắt mù”, tre bị “điếc” thì thịt sẽ mềm. Mỗi cây mang về đều phải trải qua công đoạn luộc và phơi khô cẩn thận. Tre, trúc sau khi luộc ít nhất nửa tiếng đồng hồ mới được đem ra uốn thành bánh. Nhưng khác với trúc, theo người dân ở đây, sau khi uốn, cây tre phải trải qua một lần luộc nữa mới chảy hết nhựa. Tre được ngâm trong nước 15 ngày cho sạch hẳn rồi mới đem phơi, vì nếu còn sót nhựa thì tre sẽ dễ bị mối xông. Xưởng của ông Thanh nhận chế biến với đủ kích cỡ, dày mỏng tùy theo khách yêu cầu. Ông cho hay, đợt cao điểm, xưởng của ông có tới 40-50 thợ cùng làm mới kịp để cung cấp nguồn hàng cho khách.  

Ông Nghệ hướng dẫn con trai mài vanh lồng

Chệch một ly là… hỏng

Cả làng Vác có đến 100 hộ làm lồng chim. Vào nhà nào cũng thấy dăm ba chục chiếc lồng xếp đầy sân. Khi mà thú chơi chim đang có sức hút đặc biệt trong đời sống của người dân thì nghề đan lồng chim đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân làng Vác. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghệ có nhiều thế hệ sống bằng nghề. Cụ thân sinh ông là cố nghệ nhân Nguyễn Văn Nghi – được biết đến với nghệ danh Ba Mi, sinh thời có “đôi tay vàng” nức tiếng gần xa. Từng chiếc lồng, đèn lồng dưới tay cụ Ba Mi đạt độ chuẩn mực và tinh xảo đến từng chi tiết, khó ai bì kịp.

Thừa hưởng sự tài hoa từ cụ, ông Nguyễn Văn Nghệ đã tham gia nhiều cuộc thi và  mang về vô số giải. Trong đó có bộ 4 chiếc lồng giành giải ba tại triển lãm “Thiết kế mẫu và sản phẩm mây, tre 2011” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức. Ông Nghệ chia sẻ, để làm ra một chiếc lồng đẹp đòi hỏi sự trau chuốt, tỉ mỉ và khéo léo. Người sành chơi chim có cách nhận biết lồng tốt, lồng đạt tiêu chuẩn. Mới đầu là ngắm từ xa, sau đó họ đưa lại gần, xoay chiếc lồng để xem các nan lồng đối xứng có thẳng nhau hay không. “Xiên lỗ chỉ chệch đi một ly thôi là nan bị vênh” – ông Nghệ nói. Lồng được giá cao cốt do tay thợ làm. Một chiếc lồng cao cấp được đục, chạm công phu có thể bán với giá từ 4 triệu đồng trở lên, thậm chí có chiếc lên đến 15 triệu đồng. Từng chi tiết long ly, chim muông, hoa cỏ… đều được chính nghệ nhân chạm khắc tỉ mỉ, có khi phải mất cả tháng mới hoàn thiện. Nhưng cũng có khách sẵn sàng “chi đậm” cho một chiếc lồng nguyên – tức là lồng không đục, không chạm. Quan trọng là lồng có khung xương chắc chắn, độ bền cao.

Lồng chim có đủ hình dạng và kích cỡ, từ lồng tròn, lồng vuông, lồng hình tháp, hình vòm, hình lục lăng… Giá thành cũng dao động nhiều mức. Một chiếc lồng “chợ” chỉ từ 100.000 đến 500-600.000 đồng nhưng với lồng “kỹ” giá thấp nhất cũng phải 1 triệu đồng. Khách chơi chim cũng có thể tự thiết kế những chiếc lồng độc rồi mang đến đặt thợ làm. Ông Nguyễn Văn Nghệ cho biết, những lúc rảnh rỗi, người thợ làm ra một cái lồng nhưng không có ý định bán, chỉ treo trong nhà cho đẹp. Nhưng treo lên rồi, “Khách đến ưng quá nên cứ nài nỉ, hỏi mua bằng được. Giá cao bao nhiêu cũng chịu”.

Nức tiếng lồng chim làng Vác ảnh 3
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự chau chuốt và khéo léo

Hiểu thói quen của chim

Đối với nhiều khách chơi chim, chiếc lồng chim như một bảo vật. Có được chiếc lồng “độc” trong nhà mà “khoe” với bạn bè cũng là một niềm vui. Như ông Nguyễn Văn Nghệ nói, ngoại trừ khách chơi “giả cầy” - thích thì mua lồng về, không thích lại nhượng lại thì nhiều người nâng niu, bảo quản lồng hết sức công phu. Lồng mua về gắn bó với chủ nhân tới vài chục năm mà không hề bị mối mọt, hư hỏng. Đặc biệt, với giống tre già làm ra chiếc lồng thì càng lau càng bóng, đẹp. Việc chăm sóc, dựng “nhà” cho chim cũng cần sự am hiểu nhất định về thói quen, hình thể của chúng. Chẳng hạn, chim chòe lửa có đuôi rất dài nên phải ở lồng rộng và cao; còn loài sơn ca ưa sa mạc nên nhất thiết phải rải một lớp cát mỏng trong lồng. Với họa mi, người nuôi chim rất coi trọng bộ móng, chỉ mất một móng là tiêu tốn cả triệu đồng. Bởi vậy, khi làm bộ “bàn chiến” (chỗ để chim đứng) người thợ phải mài nhẵn, gia công cẩn thận vì nếu để lại một khấc, một dằm nhỏ thôi chim mắc móng vào cũng sẽ “gẫy như chơi”. 

Cùng một mẫu lồng nhưng lồng làm bằng tay sẽ có giá cao hơn so với làm bằng máy. Bởi từng khâu chế tác từ uốn vanh, xâu nan cho đến chạm khắc  … đều là mồ hôi, công sức của các nghệ nhân. Cả ngày lúi húi gọt, đẽo… việc đứt tay, chảy máu đối với những người dân nơi đây là chuyện bình thường. Những người có tay nghề cao trực tiếp thực hiện những công đoạn khó như triện, khắc, uốn tăm. Lớp trẻ ít kinh nghiệm hơn thì mài vanh, ráp đáy, xâu nan lồng. Từ già đến trẻ, nhờ làm lồng chim mà nhiều nhà có cơ ngơi khấm khá, thanh niên trong làng cũng có cái nghề để phòng thân, không dễ sa đà, chơi bời như ở những nơi khác. Cũng nhờ cất giữ nhiều bí quyết độc đáo mà lồng chim làng Vác đã trở thành thương hiệu được nhiều khách chơi chim tin cẩn.