Nữ ứng viên Tổng thư ký Liên hợp quốc - Irina Bokova: Thiên thời, địa lợi…

ANTD.VN - Cuộc chạy đua vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiệm kỳ tới đang nóng lên từng này. Bà Irina Bokova, người Bulgaria, nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria được cho là gương mặt sáng giá cho vị trí này. 

Một số chuyên gia nhận định, bà Bokova phù hợp với vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc và có nhiều cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của tổ chức này. Bà Bokova có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền giáo dục, khoa học thế giới. Đồng thời, bà cũng là người ủng hộ mạnh mẽ quyền phụ nữ và không né tránh khi nói đến những vấn đề gai góc. Chính vì vậy, bà Bokova rất “được lòng” lãnh đạo các quốc gia đang phát triển.

“Bà ấy là một nhà ngoại giao giỏi, phù hợp với người đứng đầu tổ chức quan trọng như Liên hợp quốc. Bà là ứng cử viên duy nhất nói cả tiếng Nga và tiếng Anh, không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy”, nhà chính trị học người Bulgaria, Andrey Raychew nói. 

Ngoài tiếng Anh và tiếng Nga, bà Bokova còn có khả năng nói tiếng Tây Ban Nha và Pháp. Bà Bokova từng tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế của Nga, Đại học Havard của Mỹ và nhận được nhiều bằng danh dự của các trường đại học nổi tiếng khắp thế giới. Đây là một lợi thế rất lớn của bà Bokova. Một nhà ngoại giao nói với phóng viên tờ Die Presse của Áo rằng, “vận mệnh” của bà Bokova phụ thuộc rất lớn vào quyết định của Nga và Mỹ.

Bà Bokova được Nga ủng hộ vì Nga mong muốn có đại diện của các quốc gia Đông Âu nắm giữ vị trí người đứng đầu Liên hợp quốc. Nga từng tuyên bố rằng, nếu người kế nhiệm vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc không phải người Đông Âu thì quốc gia này sẽ dùng quyền phủ quyết. Theo tờ Economist, với vị trí Tổng giám đốc UNESCO, bà Bokova sẽ có được sự hỗ trợ của Mỹ vì Mỹ chịu trách nhiệm 22% ngân sách của UNESCO.

Được biết, theo quy định, Tổng thư ký Liên hợp quốc do Hội đồng Bảo an đề cử để Đại hội đồng thông qua. Vị trí “nóng” này sẽ được chia sẻ lần lượt với 5 nhóm khu vực là Tây Âu, Đông Âu, Mỹ La tinh và Caribe, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi.

Theo thống kê, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Á, 2 người từ châu Phi và 1 người từ khu vực Mỹ La tinh và Caribe làm Tổng thư ký Liên hợp quốc. Dù có đến 3 người châu Âu từng làm Tổng thư ký Liên hợp quốc nhưng tất cả đều đến từ khu vực Tây Âu. Trong khi đó, chưa có đại diện đến từ khu vực Đông Âu. Đây cũng là vấn đề gây mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ châu Âu. Nếu Nga ủng hộ ứng viên Tổng thư ký là người Đông Âu thì Anh và Pháp lại ủng hộ ứng viên đến từ các quôc gia Tây Âu.