Nữ tướng đào vàng và những ngày trở về cay đắng

ANTĐ - Từng là nữ trưởng bưởng một bãi vàng khét tiếng của huyện Phước Sơn (Quảng Nam), dưới trướng có cả chục đàn em thân tín và tiền tiêu không tiếc tay trong những cuộc chiến khốc liệt bám trụ tại bãi vàng những năm trước đây, nhưng bây giờ người phụ nữ ấy lại làm một người dân bình thường bán tạp hóa bên lề đường. Trải lòng của người phụ nữ ấy cũng là bài học được mất ở đời với những người theo đuổi giấc mộng vàng hư ảo.

Bà Sáu Lưu với quán tạp hóa nhỏ và chảo bánh chuối chiên sống qua ngày

Nữ tướng đào vàng

Vào bãi vàng từ khi chưa tròn 20 tuổi và đã “quản” gần 100 “công nhân” đào đãi vàng dưới trướng cùng những tay anh chị, những tên tội phạm trốn nã khắp nơi lẩn trốn tại bãi vàng Phước Sơn này, thế nhưng cuộc đời với giấc mơ vàng đầy hư ảo cứ như trò đùa của số phận vậy. Đã có thời điểm trong tay người nữ trưởng bưởng khét tiếng giàu có và vung tiền như nước này có tới vài trăm cây vàng, nhưng rồi tất cả cũng như bóng nước vỡ tan trước sự nghiệt ngã của đời người. Bây giờ, nữ trưởng bưởng khét tiếng năm nào trở thành bà lão bán hàng nước và tạp hóa gần bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam). Mỗi khi ai nhắc tới chuyện bãi vàng, mắt bà lại chùng xuống, buồn một chút rồi lại cười gượng: “Tiền bạc cũng chỉ là vật ngoài thân. Quan trọng là mình còn biết sống sau những sai lầm ấy!”. Người đàn bà tóc đã hai màu chốt lại một câu như thế. Đầy triết lý và cũng thấm đẫm buồn.

Ở cái đất vàng Phước Sơn này, nhắc tới nữ trưởng bưởng khét tiếng một thời là Sáu Lưu (SN 1960) thì hầu như các trưởng bưởng, các phu vàng và cả người dân đều biết. Không hẳn chỉ bởi “thành tích” ngày xưa, mà cả sự tàn tạ bây giờ của một người đã từng ngồi trên đống vàng theo đúng nghĩa đen của từ này. Sinh trưởng đất phố cổ Hội An trong một gia đình nghèo khó, Sáu Lưu phải bươn trải mưu sinh để nuôi gia đình và bản thân mình bằng cách đưa hàng hóa dưới xuôi lên vùng cao bán và bán cả trong các bãi vàng bởi ở đó việc kiếm tiền dễ như hái lá trên cây. Một vốn mười lời, lợi nhuận đem lại rất cao. Sau mấy năm buôn bán, có trong tay cũng một số vốn kha khá, Sáu Lưu bắt đầu nghĩ tới việc khai thác vàng. Một ánh nhìn trộm chớp qua mặt tôi, bà Sáu Lưu thủ thỉ khi gằm mặt, tay vân vê vạt áo và đáp lời tôi, nhẹ như một hơi thở. Một tiếng nói lọt qua vành môi khô nẻ của người đàn bà đã có và đã mất tất cả ở cái đất này: “Đất này đàn ông có thể làm nên chuyện đổi đời, nghèo khó có thể trở nên đủ ăn, thậm chí sung túc, giàu có, nhưng quan trọng là phải có sức vóc. Tôi cũng chỉ là cái đầu thừa đuôi thẹo ở cuộc đời này. Trên đất này, đàn ông cả ngày chui rúc dưới hầm hố đào bới, trong một phút có thể thành ông hoàng bà chúa, cũng có thể chết mất xác. Ngay cả như tôi và chồng tôi lúc ấy cũng sống cầu bơ cầu bất theo mọi người lên đây, cũng làm thuê cho chủ bưởng. Tôi và chồng mình chưa bao giờ nằm ngủ mộng mị thấy mình là hoàng hậu công chúa, quan lớn quan bé gì. Ngày ngày chỉ mong đủ ba bữa cơm no, mùa nào có quần áo nấy và sống vui vẻ trong tình người thương mến lẫn nhau là đủ rồi!”. 

Hóa ra, cái sự đời cũng oái oăm khi cho bà và người chồng gặp nhau tại chốn tận cùng của đau đớn này, rồi sinh ra 3 đứa con cũng ở tại nơi này. Bốn năm hai vợ chồng bầm dập trong bãi vàng, thành quả đem về chỉ là một sợi dây chuyền nhỏ xíu trên cổ và một bên tai suốt ngày kêu o o như có chiếc môtơ ở trong, không bao giờ giật mình khi nghe tiếng nổ nữa. Và rồi, theo đúng như tôi nghĩ, Sáu Lưu cũng đã trở thành “đàn chị” ở bãi vàng này. Gần 10 năm trời, bà Sáu Lưu được mệnh danh là “nữ tướng” đào vàng, lúc nào trong tay cũng có gần trăm phu vàng. “Ngày đó pháp luật chưa nghiêm, vả lại ở bãi vàng Phước Hiệp này mới được phát hiện nên ai có tiền là có quyền, ai có máu chém giết thì làm đại ca và ai có sức thì thuê quân đào bới tìm vàng chứ không ai cấm. Thấy đào vàng có tiền hơn buôn bán nên hai vợ chồng tôi bỏ vốn đầu tư khai thác, đánh cược với số phận mình hàng chục năm trời như thế! Hồi ấy vàng tìm được nhiều lắm. Có những lúc đào được vàng cục luyện ra cả cây vàng, còn vàng cám chẳng ai thèm ngó vì mất công lắm. Giữa núi rừng hoang vu, đào hết nơi này thì tìm nơi khác đào, nào có ai cấm cản được!”. Đứng ra làm chủ bãi vàng, trong tay bà Sáu Lưu lúc nào cũng có ít nhất 50 phu vàng khỏe mạnh. Số người này được nuôi ăn, ở tại bãi. Mỗi khi phát hiện ra mỏ vàng mới, bà Sáu Lưu vung tiền điều quân đến đào bới. Chỉ trong thời gian làm chủ bưởng vàng, vợ chồng bà có trong tay tiền tỷ. Bà chẳng cất giấu hay mua nhà mua đất, hay đổi thành tiền đô để phòng những lúc “ngã ngựa” mà đem đầu tư khai vàng, ở trong bãi ai phát hiện ra mỏ mới có trữ lượng lớn thì bà đều bỏ tiền ra mua rồi chiếm lĩnh. Còn không thu phục được bằng tiền thì giở luật giang hồ để thâu tóm, chẳng biết bao nhiêu trận huyết chiến giữa các băng nhóm đã diễn ra tại đất này mà chỉ để các chủ bưởng như bà chiếm được hầm vàng như thế. 

Giới đào vàng ở đất này hồi ấy đều rất sợ và “nể” cái tên Sáu Lưu. Thế nên chỉ cần “đánh tiếng” là các chủ bưởng khác phải “nhường” hầm vàng lại. Do đó, bao nhiêu mỏ vàng có trữ lượng lớn đều về tay “nữ tướng” Sáu Lưu. Nhưng ở đời đã có câu “tham thì thâm”. Chỉ trong một lần chính quyền địa phương truy quét, vợ chồng bà trắng tay. Bà Sáu Lưu buồn bã: “Lòng con người ai chẳng có tính tham. Lúc ấy thấy làm được quá, trúng quá nên hai vợ chồng đều mờ mắt, có bao nhiêu tiền của tôi đem đầu tư mua máy móc để khai thác vàng quy mô lớn. Ai ngờ cơ quan chức năng ra quân xóa bỏ các bãi vàng trái phép. Bao nhiêu máy móc đều bị tịch thu sạch cả!”. Trật tự được thiết lập nhưng bà Sáu Lưu vẫn tiếp tục làm liều. Bà vét sạch tiền của còn sót lại và vay mượn anh em để đánh một quả lớn nhằm vớt vát những gì đã mất. Thế nhưng cơ quan chức năng mạnh tay dẹp bỏ. Bao nhiêu vốn liếng bà nướng vào vàng đã tan theo bọt nước.

Ngày trở về cay đắng

Một khoảng lặng đọng lại giữa tôi và người đàn bà có khuôn mặt đã nhăn nheo vì sự khắc nghiệt của thời gian. Buồn nản, thật sự tôi chẳng muốn khơi lại câu chuyện thảm thương này của bà Sáu Lưu làm gì nữa. Nhưng hình như thấy thế là chưa thỏa mãn yêu cầu người khách lạ, nên bà Sáu Lưu đã xoay người “e hèm” một tiếng: “Hồi ấy trong tay tôi có gần 2 tỷ đồng, tương đương với hơn trăm cây vàng. Có lúc nằm ngủ mà dưới chiếu để toàn là vàng miếng vì đề phòng trộm cướp, chiếc ghế đệm cũng giấu vàng ở dưới, đúng với cái cảnh ngồi trên đống vàng mà các cụ hay nói vậy!”. Tôi ngắt lời bà: “Sao bây giờ gia cảnh bà lại ra nông nỗi này?”. Có lẽ tưởng tôi không tin, bà nhắc lại: “Tôi đã từng có 2 tỷ cầm trong tay rồi đấy. Nhưng vì dính vào tội vận chuyển trái phép chất xyanua vì chất này được sử dụng trong ngành khai thác vàng, chốt lại bị đi tù 4 năm. Rồi ra tù tay trắng. Lại lần mò về đất này cất cái trái nhà mưa nắng mưu sinh! Thê thảm lắm!”. 

Ngày ra tù, tiền của không còn, bà Sáu Lưu đành dựng một căn nhà tạm bợ ngay cạnh bãi vàng để buôn bán kiếm sống qua ngày. Cẩn thận đếm những đồng tiền lẻ được cất giữ cẩn thận, bà Sáu Lưu chia sẻ: “Bây giờ Nhà nước cũng cấm khai thác vàng trái phép rồi. Mọi chuyện quá khứ cứ để nó im thôi. Đây có lẽ là chiến lợi phẩm duy nhất mà tôi có được suốt quãng đời đào vàng. Nhục có, vinh có, nhưng khi về già chỉ có mái nhà này là giữ lại được mà che nắng che mưa. Bây giờ tôi vẫn ở cái làng này. Cái nghề này nó bạc lắm, muốn tồn tại phải biết điểm dừng. Người ta thường bảo, được vàng thì lụi nhưng vì giấc mơ vàng mà không biết bao nhiêu người đã bỏ nhà bỏ cửa, vùi thân mình vào chốn rừng hoang với mơ ước đổi đời. Nhưng rồi sự đổi đời chưa kịp thấy, họ đã bỏ thây nơi đầu sông ngọn suối hoang vu! Ngày ngày tôi ở đây, chứng kiến không ít những cái chết được đưa về quê nhà trong lặng lẽ với giấc mơ mãi không thành hiện thực của các phu vàng. Có nhiều người trúng vàng trở về quê, nhưng đi dọc đường thì người ngã núi chết, kẻ bị cướp giữa đường… ai cũng mong có chút vốn về quê làm ăn nhưng được mấy người. Làm phận phu vàng là thế đấy! Buồn lắm!”.

Giữa không gian heo hút của núi rừng, xa xa thi thoảng nghe thấy tiếng hoẵng kêu thê thiết càng khiến buổi chiều Trường Sơn ảm đạm hơn. Và câu chuyện cuộc đời của người nữ trưởng bưởng xứ vàng cứ dần được bộc bạch sau mỗi chén rượu cay. Có người đem được xác về, cũng có người biệt tăm biệt dạng. Cha mẹ, vợ con họ cho đến giờ chắc vẫn còn mòn mỏi ngóng trông. Trong cuộc mưu sinh đầy may rủi này, họ là cái giá phải trả cho những gì mà vàng của núi rừng đã bị sự tham lam của con người lấy đi. Một cái giá không hề rẻ và sẽ còn tiếp tục đến với những người đi sau chung nghiệp phu vàng. Cuộc sống của những người như thế chỉ có thể bước ra khỏi nỗi u uẩn, xót xa khi những bãi vàng này được xóa sổ mà thôi. Bao nhiêu hệ lụy là thế. Buồn đến thắt ruột!