Nữ tử tù và nỗi đau người mẹ

ANTĐ - Khi còn ở ngoài xã hội họ đều là “bà trùm” khét tiếng trong những đường dây buôn bán cái chết trắng. Với tội lỗi của mình, họ đã phải chịu hình phạt xứng đáng của pháp luật. Nhưng điều khiến những con người này day dứt trong những tháng ngày biệt giam là những đứa con mà họ đã mang nặng đẻ đau. Cả hai nữ tử tù đều khóc khi tôi nhắc về những đứa con của họ. Mỗi người phạm tội vì một lý do khác nhau nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ngấn nước, tôi nhận thấy sự thức dậy của bản năng người mẹ.
Nữ tử tù và nỗi đau người mẹ ảnh 1

Các con hãy tha thứ cho mẹ!

Nguyễn Thị Dung là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy lên tới 1.500 bánh heroin của Lương Ngọc Lập và Nguyễn Thị Thơm đã bị Công an TP Hà Nội triệt phá năm 2006. Sau khi bỏ trốn, ngày 3-6-2009, Dung bị Công an TP Nam Ninh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt trong vụ án cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 14-1-2010, Dung được trao trả về Việt Nam và bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội rồi sau đó bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình. Gần 2 năm bị giam giữ ở khu biệt giam của trại Tạm giam số 1 dường như vẫn không làm Dung phai tàn đi nét mặn mà của người phụ nữ vừa chạm ngưỡng tuổi 40. Khuôn mặt trắng trẻo, ưa nhìn lại được hỗ trợ thêm bởi “công nghệ” phẫu thuật thẩm mỹ nên nhìn Dung vẫn còn xuân sắc lắm. Dung bảo đó là nhờ trước đây có thời gian mở cửa hàng cắt tóc gội đầu và làm đẹp tại Bằng Tường - Trung Quốc nên có tiền và có nhiều thời gian để tu sửa cho sắc đẹp cho mình chứ từ khi vào đây Dung chẳng còn thiết tha với chuyện đó nữa. 

Dung có 2 đứa con gái. Đứa lớn sinh năm 1993 còn đứa nhỏ sinh năm 1996. Tính ra, thời gian mà những đứa trẻ ấy được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cả cha và mẹ là quá ít. Chồng của Dung - Nguyễn Quang Tuyến cũng là một “đồng nghiệp” trong nghề buôn “cái chết trắng” nhưng lại vắn số hơn Dung. Tuyến bị bắt năm 2004 và bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tuyên phạt tử hình, đã thi hành án từ năm 2006. Còn Dung, kể từ khi đường dây của Nguyễn Thị Thơm bị phát hiện và Dung bị phát lệnh truy nã, cả hai đứa con gái nhỏ của Dung đều gửi ông bà ngoại ở Bắc Ninh nuôi dưỡng.

Suốt thời gian chạy trốn ở Trung Quốc, nhiều lúc nhớ 2 con Dung cũng chỉ dám khóc thầm. Thời điểm mẹ con Dung được gặp mặt nhau sau bao năm xa cách, trớ trêu thay lại là lúc Dung phải ra trước vành móng ngựa để trả giá cho những tội lỗi của mình. 

Thời gian bị giam trong trại Hỏa Lò chờ thi hành án, hàng tháng hai con của Dung đều vào thăm và tâm sự với mẹ. Dung khoe với tôi, con lớn vừa mới lập gia đình. Cháu được ông bà ngoại gửi lên Hà Nội ở nhờ nhà một người bác, cháu học tại đây và quen với chồng là bạn học cùng trường nhưng trên một lớp. Hai đứa yêu nhau và quyết định lập gia đình khi con gái Dung vừa học hết lớp 12. Phía gia đình nhà trai cũng rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh gia đình của Dung. Ngày gia đình bên đó cùng hai đứa vào thăm Dung và thông báo sẽ tổ chức đám cưới, Dung mừng đến ngỡ ngàng. Nằm trong trại, hình dung cảnh con gái hạnh phúc trong ngày cưới mà nước mắt cứ trào ra, mừng cho con bao nhiêu thì Dung lại thấy thương con bấy nhiêu. Cô dâu ngày về nhà chồng bao giờ cũng được mẹ dặn dò mọi chuyện, còn Dung phải ngồi lại đây trong phòng biệt giam để tưởng tượng ra cảnh đám cưới của con gái mình.

Lúc đó, Dung chỉ thèm được nắm  tay con gái và nói với nó một vài lời, nhưng lại không thể. Khi được hỏi về người con gái út, giọng Dung chợt run run rồi trầm xuống. Ngày nghe tin mẹ bị bắt rồi phải chịu án tử hình cháu buồn và sốc một thời gian dài, từ một học sinh khá đã xuống trung bình. Mặc cảm với hoàn cảnh gia đình của mình, tuy đã học lớp 11 nhưng cháu sống rất khép kín và gần như không có quan hệ, tiếp xúc với mọi người. Trong suốt cuộc trò chuyện Dung luôn nhắc tới việc chỉ mong cho các con sẽ tha thứ cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra, cảm thông cho quãng thời gian mà Dung đã không có ở bên cạnh để bảo ban chăm sóc các con. Nhiều lần trong những giấc ngủ chập chờn với nỗi lo sợ của ngày đi trả án, Dung vẫn mơ thấy cùng các con mình dạo chơi ở đồi thông sau nhà bà ngoại. Đó là nơi tuổi thơ của Dung đã lớn lên và cũng đã nhiều lần trước đây, Dung đưa các con về đó. Vẫn biết đó chỉ là ước mơ, nhưng Dung bảo nhờ những giấc mơ đó mà tìm lại được một chút thanh thản.

Mong được sống để gặp lại con

Cuộc nói chuyện thứ 2 giữa tôi và nữ tử tù Nguyễn Thị Anh liên tục bị gián đoạn bởi cứ nói được nửa chừng là Anh lại ôm mặt khóc. Khi mới được dẫn giải vào và nghe tôi nhắc tới những đứa con là nước mắt của Anh đã chực trào ra. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ và hằn những nếp nhăn của người đàn bà ở tuổi trung niên mà thấy lòng thắt lại. Giá mà không hám lợi, không sa chân vào hố sâu của tội lỗi, giá mà biết thương lấy các con thì Anh đã không phải ân hận vì đã đẩy đứa con ruột thịt của mình vào vòng lao lý. Giờ đây, trong những tháng ngày gặm nhấm sự cô đơn, tuyệt vọng ở buồng biệt giam, Anh đã nhận ra điều đó. Nhưng tất cả đã là quá muộn…

Trước khi bị phát hiện là bà trùm của một đường dây ma túy liên tỉnh, Anh có một công việc hết sức lương thiện: buôn rau xanh từ huyện Chương Mỹ lên cung cấp cho các chợ đầu mối ở trong phố. Nhưng rồi ma lực của đồng tiền kiếm được quá dễ dàng từ những chất bột chết người màu trắng đã làm cho Anh bị lóa mắt. Nguyễn Thị Anh đã biến nghề của mình thành một vỏ bọc hoàn hảo để che giấu cho những hoạt động tội lỗi của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, Anh còn dùng chính người con ruột vào việc vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày 10-1-2009, trong khi Lê Thị Ánh (SN 1988, con của Anh) và Phùng Xuân Phong (bạn trai của Ánh) đang vận chuyển 4 bánh heroin giúp mẹ thì bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ. Biết con mình bị bắt và đường dây đã lộ, Nguyễn Thị Anh đã bỏ trốn. Thời gian sau đó, Anh làm nghề buôn bán rau từ chợ Hà Đông ra chợ Văn Chương, nhưng vẫn không từ bỏ được con đường buôn bán ma túy. Tuy nhiên, tới tháng 7 năm 2010 trong một chuyến hàng của mình, Nguyễn Thị Anh đã bị đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Tây Hồ bắt quả tang khi đang mang theo 76,482 gram heroin.

Kể từ khi bị đưa ra xét xử và phải chịu bản án tử hình, Nguyễn Thị Anh mới chỉ có gần 1 năm ở trong buồng biệt giam. Anh kể với tôi trong gần 1 năm ấy, lúc nào Anh cũng luôn bị ám ảnh, dày vò bởi cảm giác đã đẩy con gái vào vòng tù tội. Thế nhưng khi tôi hỏi tại sao ân hận mà trong quá trình trốn truy nã vẫn cứ tiếp tục buôn bán ma túy thì Anh chỉ cúi đầu im lặng… Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Biên Giang (quận Hà Đông), Nguyễn Thị Anh sớm lập gia đình rồi sinh được 3 người con, trong đó Lê Thị Ánh là con gái cả. Cuộc sống gia đình Anh không mấy hạnh phúc, người chồng của Anh đã bỏ lại 4 mẹ con để đến với một người đàn bà khác. Một mình Anh phải bươn trải kiếm sống để nuôi gia đình. Anh bảo, hôm con gái bị bắt vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Anh bị cảm, đau đầu không đi giao hàng được nên phải nhờ con gái đi thay. Anh không thể ngờ rằng chuyến đi đó là lần cuối cùng 2 mẹ con Anh được gặp nhau. Lê Thị Ánh và bạn trai đã bị kết án tù chung thân và hiện đang thụ án tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Nếu như không bị bắt trong chuyến hàng ấy thì chỉ 1 tháng sau con gái Anh sẽ kết hôn. “Hai đứa chúng nó đã chụp ảnh cưới và cũng bàn định xong xuôi kế hoạch tổ chức. Vậy mà chỉ vì tôi nên mới ra nông nỗi…” Anh bỏ dở câu nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. 

Giờ đây Anh chỉ còn được biết thông tin về người con cả qua những câu chuyện do 2 đứa em lên trại thăm nuôi chị về kể lại. Anh vẫn dặn dò 2 con không được tiết lộ cho chị biết là mẹ chúng phải chịu bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật bởi Anh sợ con bé sẽ bị sốc. Anh nói trong nỗi đau tê tái rằng trước khi mẹ bị bắt, đứa con gái lớn ở trong trại đã nhắn về bảo với các em rằng nếu mẹ có mệnh hệ gì thì nó sẽ chết luôn ở trong trại chứ chẳng về đâu. Cả đời mẹ khổ sở, chưa ai đền đáp được cho mẹ cái gì. Bây giờ chuyện đã rồi, chị cũng chẳng trách mà chỉ thương mẹ thôi. Lời nói của đứa con lớn đã như cắt vào từng khúc ruột của Anh, khiến Anh phải khóc hàng đêm. Kể từ khi bị kết án, người chồng cũng đã một đôi lần vào trại thăm Anh, thế nhưng mỗi lần gặp nhau Anh không bao giờ quên được câu nói của nhà chồng, họ hận Anh vì đã giết chết con ruột của mình. Anh bảo, vì câu nói đó mà nếu có chết làm ma thì Anh cũng không thể siêu thoát được. Ước mong của Anh trước khi chết chỉ là một lần đươc nhìn thấy con, Anh đã làm đơn xin tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước. Nhưng Anh bảo, tội trạng thế, chả dám hy vọng gì đâu. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của Nguyễn Thị Anh là mong đến ngày thăm nuôi hàng tháng để được gặp hai đứa con. Anh bây giờ được lên chức bà nội và bà ngoại. Mỗi lần 2 đứa lên thăm mẹ, bế theo các cháu là Anh mừng lắm. Dù chưa một ngày nào được chăm bẵm cho các cháu của mình, nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng cười qua tấm kính ngăn trong phòng thăm gặp tử tù là Anh lại cảm thấy lòng mình ấm áp lại.

... Tôi rời khỏi khu giam dành cho người bị kết án tử hình khi cơn giông trái mùa đang sầm sập đổ xuống. Trời mưa khiến cho thời tiết lạnh hơn. Cái cảm giác rờn rợn lúc đầu khi bước chân vào đây dường như đã tan biến, thay vào đó là một nỗi buồn man mác. Vẫn biết, một ngày nào đó những nữ tử tù mà tôi vừa gặp sẽ phải đền tội. Nhưng tôi cứ ước gì giá như trước khi bước chân vào vòng xoáy tội ác họ có một chút thời gian để nghĩ về những đứa trẻ sẽ sống ra sao khi cuộc đời chúng không còn có mẹ.