Nữ Thượng tá cần mẫn đẩy lùi mầm độc, vun mùa xuân yêu thương

ANTD.VN - Hơn 20 năm khoác lên mình bộ cảnh phục, dù ở vị trí nào, Thượng tá Trịnh Thị Hà - Phó Trưởng phòng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Bộ Công an và là cán bộ biệt phái tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vẫn luôn giữ cho mình sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và một tình yêu thương dành cho cộng đồng. 

Thượng tá Trịnh Thị Hà lập chiến công ở một loạt chuyên án lớn

Tết của những yêu thương

Cuộc sống đủ đầy của ngày hôm nay không khiến Thượng tá Trịnh Thị Hà quên đi những tháng ngày gian khó ở vùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa -  nơi chị đã có một “tuổi thơ dữ dội”. Bố chị không may qua đời khi chị mới học hết cấp II, một mình mẹ chèo chống nuôi 4 người con với đồng lương giáo viên eo hẹp. Cô  bé Trịnh Thị Hà cũng phải theo mẹ ra đồng, gặt lúa, làm đay. 

Nhưng những tháng ngày gian khó ấy lại đưa chị đến với cơ duyên bước chân vào ngôi trường Cao đẳng CSND 1 bởi một lý do thật đơn giản - giấy nhập học không đề cập đến chuyện… học phí. Cách học thông minh, nắm vững kiến thức đã giúp chị trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường Cao đẳng CSND 1 khi đó và tốt nghiệp thủ khoa ra trường. 

Nhớ về những mùa Tết trong cuộc đời, đôi mắt chị loáng nước mắt ẩn sau nụ cười rất tươi. Ngày áp Tết năm ấy, khi chị làm nhiệm vụ cấp chứng minh nhân dân (CMND) ở Công an huyện, chứng kiến cảnh số lượng người đến xin cấp CMND cao đột biến. Cảnh một người con rể, người con trai trùm lên người mẹ mình chiếc chăn chiên rồi xốc nách đưa đến cơ quan công an làm CMND  khiến chị xót xa  và suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ người già, người bị nhiễm chất độc da cam, người tàn tật, người thiệt thòi trong cuộc sống. Ngoài những việc cụ thể chị có thể làm ngay như ưu tiên về thời gian làm thủ tục hay tặng tiền công làm ảnh, thì chị đã mạnh dạn nghĩ đến cần có một tổ công tác đi cấp CMND lưu động để giúp đỡ những hoàn cảnh như thế.

Rạng rỡ như bông hoa mai nở chiều xuân, Thượng tá Trịnh Thị Hà đã vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018. Nữ chiến sỹ Công an  đã làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, tràn đầy tình yêu thương với cộng đồng… 

Chị đã chứng kiến nhiều lần những người vợ, người mẹ đến thăm nuôi các đối tượng trong nhà tạm giữ trong Công an huyện luôn cố cụp vành nón để che đi khuôn mặt buồn đau, tủi khổ. Có hôm trực ban đơn vị, chị đã gặp người phụ nữ đi thăm nuôi chồng bị tạm giam vì tội đánh bạc. Cái Tết đã cận kề mà gia đình chẳng có gạo ăn. Sau cuộc điện thoại xác minh từ công an xã, chị đã mua giò, mua gạo để cho mẹ con người phụ nữ có một cái Tết ấm áp.

Nhìn những thân phận ấy, chị băn khoăn: Phải làm thế nào để những người phạm tội sau khi thi hành án xong không bị xã hội kỳ thị, có công ăn việc làm ổn định để xây dựng cuộc sống. Để rồi sau đó, niềm vui khôn tả khi biết chính đơn vị của mình công tác hồi ấy đã xây dựng thành công đề án “Doanh nhân với an ninh trật tự”. Theo đó, mô hình Công an, doanh nghiệp và ngân hàng chính sách liên kết cho những người hoàn lương vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống trong sự giám sát đảm bảo của Công an được ra đời.

Mô hình này hiện đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Đủ đầy không quên gian khó - những yêu thương lại nối tiếp khi chị và con gái cứ mỗi mùa Tết lại cùng nhau đến các bệnh viện tặng quà các bệnh nhân nặng phải điều trị không được về quê ăn Tết, thăm tặng quà các gia đình có hoàn cảnh éo le trong chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài truyền hình Việt Nam. Chị  nói, chị thấy ấm lòng khi làm được những việc nho nhỏ như vậy.

Những mùa xuân “đánh án”

Nhắc đến Thượng tá Trịnh Thị Hà, người ta thường nghĩ về người trinh sát có công lớn trong việc phát hiện, xử lý vụ việc nhà máy của một doanh nghiệp Đài Loan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải từ nhiều năm trước. 

Trong chuyên án 10 năm về trước, được chỉ huy tin tưởng, chị là trinh sát nữ duy nhất tham gia chuyên án. Kể lại chuyên án này, Thượng tá Trịnh Thị Hà cho biết, khó khăn lớn nhất là khu vực xả thải rộng đến hàng chục km2, dòng sông Thị Vải rất sâu và trải dài, muốn tìm được các họng xả nằm sâu dưới lòng sông mà công ty cố tình giấu giếm phải chờ khi nào nước rút mới quan sát được trong khi khu vực này luôn được canh gác cẩn mật. Nhiều ngày ra vào, bám trụ trên sông, chị đã thâm nhập sâu địa bàn.

Có những hôm thủy triều rút nhanh không kịp quay ra, chị và một đồng đội bị mắc kẹt trong các con rạch, hai bàn chân sưng ngứa do đi lại nhiều bằng chân trần và lội trong các vũng đầm nuôi vịt bị ô nhiễm. Nhưng tất cả với ưu tiên cao nhất là bảo vệ bằng được tư liệu, mũ đội đầu cũng phải bỏ ra để che cho máy quay phim, còn chị thì chịu mưa ướt sũng. Có những đoạn bùn vừa bước xuống đã ngang bụng, có lúc tối trời mò mẫm trong rừng đước, bao hiểm nguy rình rập, chỉ cần chút bất cẩn, sơ suất là nguy hiểm đến tính mạng. 

Sau rất nhiều nỗ lực, chị và các đồng đội đã tìm ra nhiều họng xả, là bằng chứng chứng minh hành vi của một doanh nghiệp Đài Loan gây hại cho môi trường, buộc công ty này phải hỗ trợ người dân bị thiệt hại 219 tỷ đồng, thu hồi cho Ngân sách Nhà nước 127 tỷ đồng, xử phạt 267 triệu đồng, buộc công ty phải khắc phục hệ thống xử lý nước thải lên đến 33 triệu USD. 

Nhớ lại những mùa Tết, Thượng tá Hà kể, dưới sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, cứ mỗi dịp Tết, chị cùng đồng đội lại lên đường vào chiến dịch Tết. Lên rừng, xuống biển, hàng trăm chuyến đi đã được thực hiện. Đấu tranh với các nhà máy sản xuất bột giấy, bột sắn, mía đường xả thải gây ô nhiễm tận đầu nguồn sông Đà, sông Mã ở Hòa Bình, Thanh Hóa, lại về sông Thầy, sông Kinh Môn - Hải Dương, sông Chu, sông Hoạt - Thanh Hóa. Đặc biệt ấn tượng là chiến dịch đấu tranh với các mặt hàng an toàn thực phẩm dịp Tết ....

Chị nhớ những ngày áp Tết cách đây 6-7 năm trước, trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang trong mưa phùn gió bấc, tổ công tác đã bố trí đánh chặn một nhóm vận chuyển hai loại thuốc dùng cho việc thúc đẩy tăng trưởng cây trồng và ép chín  trái cây từ Trung Quốc về tiêu thụ nội địa. Xác định đấu tranh với mặt hàng này cực kỳ khó khăn vì chúng được chứa trong những tuýp nhựa rất nhỏ và được cất giấu lẫn trong rất nhiều tấn đỗ xanh. Khoảng 2h sáng, tổ công tác phát hiện 4 chiếc xe nghi vấn.

Dù trọng tải chỉ có 20 tấn nhưng các xe đều chở gấp 2-3 trọng tải và trong các xe đều là đỗ xanh. Để tìm được thì phải khám xe trong khi các lái xe đều chống đối, ngồi im trong cabin không hợp tác với lực lượng chức năng, luôn điện thoại thông tin cho nhau để né, chuyển hướng tuyến đường. Với thái độ vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, chị đã yêu cầu được lái xe xuống làm việc, đánh xe về trụ sở cơ quan quản lý thị trường. Trong đêm khuya và 2 ngày tiếp theo đó, các tổ công tác cật lực bốc gần 200 tấn hàng để tìm bằng được những tuýp thuốc tăng trưởng nhỏ giấu trong đống hàng đồ sộ ấy. 

Năm 2014, Thượng tá Trịnh Thị Hà được Bộ trưởng Bộ Công an cử công tác biệt phái sang Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tại đây, Thượng tá Trịnh Thị Hà đã “mở hàng” chiến công khi phá đường dây của “trùm” thuốc lá lậu Nguyễn Văn Tới vào năm 2015. Sau những tháng ngày “nằm vùng”,  chị và đồng đội đã bắt giữ Nguyễn Văn Tới, ông trùm buôn thuốc lá lậu ở biên giới Tây Nam. Kết thúc chuyên án này, lực lượng chức năng đã thu được số tang vật “khủng” gồm 52.000 bao thuốc lá, 22 xe máy cùng 2 ghe máy.