Nữ Thủ tướng Anh nhận sứ mệnh khó khăn

ANTĐ - Bà Theresa May, nữ Thủ tướng Anh đầu tiên trong 25 năm qua sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, không hề có “tuần trăng mật” mà phải đối mặt ngay với sứ mệnh khó khăn đưa nước Anh rời khỏi EU một cách “ít đau đớn” nhất.

Tân “thuyền trưởng” May sẽ phải đưa Anh rời khỏi EU một cách ít thiệt hại nhất

Thay thế người tiền nhiệm là ông David Cameron đã từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại trong nỗ lực giữ Xứ sở sương mù ở lại Liên minh châu Âu (EU), sứ mệnh quan trọng nhất của bà Theresa May sau khi tiếp quản ngôi nhà số 10 phố Downing là tiến hành đàm phán để nước Anh rời EU một cách êm thấm nhất có thể cho cả hai phía. 

Với sứ mệnh như vậy, không ngạc nhiên khi trong nội các mà tân Thủ tướng May công bố thấy sự hiện diện của nhiều bộ trưởng từng ủng hộ Brexit. Trong đó nổi bật là ông David Davis, 67 tuổi, được chỉ định làm “Bộ trưởng Brexit” -  phụ trách đàm phán rời EU. Ông Davis là một người ủng hộ Brexit và từng thất bại trước cựu Thủ tướng David Cameron trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi năm 2005.

Động thái được đánh giá gây ngạc nhiên nhất của nữ Thủ tướng May là việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson làm Ngoại trưởng. Chính trị gia 52 tuổi này là thủ lĩnh hàng đầu trong suốt quá trình vận động nước Anh rời khỏi EU, song lại chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ. 

Một nhân vật khác tích cực ủng hộ Brexit là ông Liam Fox, 54 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại thương. Vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao này sẽ có nhiệm vụ đàm phán những thỏa thuận thương mại mới trong quá trình nước Anh rời khỏi EU. 

Cho dù trong chính phủ mới của Anh có một số thành viên từng ủng hộ nước Anh ở lại EU như nữ Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd… song Nội các Anh dưới bàn tay chèo lái của tân “thuyền trưởng” May sẽ cùng phải chung một ý chí và hành động là đưa Xứ sở sương mù rời khỏi liên minh một cách ít thiệt hại nhất. Tuy nhiên, việc “kích hoạt” Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để thực hiện “cuộc chia tay” giữa Anh với EU là một nhiệm vụ đầy khó khăn và nặng nề. 

Dù rời EU, song người dân Anh vẫn muốn được tiếp cận thị trường chung phi thuế quan của EU. Nhưng để làm được điều đó, người Anh có thể bị buộc phải chấp nhận điều khoản cho phép người lao động được tự do đi lại và đây có thể là trở ngại lớn bởi chính mong muốn ngăn dòng người di cư từ các nước EU khác tràn vào Anh là một trong những lý lẽ chủ yếu được đưa ra cho cuộc vận động Brexit. Vì thế, rất khó khăn để chính phủ mới của Anh vừa muốn có được một thỏa thuận thương mại có lợi, lại vừa thực thi chính sách nhập cư cứng rắn làm hài lòng những người ủng hộ Brexit.

Một ưu tiên hàng đầu khác của tân chính phủ Anh là giữ cho nền kinh tế Anh không bị tụt dốc hoặc rơi vào suy thoái khi mà các thị trường tại Anh và đồng Bảng đã chịu tổn thất nặng nề hậu Brexit giữa lúc nợ công của Anh đã vượt 1.000 tỷ bảng (1.300 tỷ USD). Bên cạnh đó, chính quyền Thủ tướng May phải ngăn chặn hiệu ứng domino hậu Brexit để nước Anh không bị “tan đàn xẻ nghé” với “ngòi nổ” đáng lo nhất lúc này là việc Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Anh.

Khi bà May - người nổi tiếng cứng rắn trong 6 năm đảm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ - trở thành tân Thủ tướng, dư luận Anh đã ví bà là “Bà đầm thép” thứ hai của nước Anh sau nữ cựu Thủ tướng Margaret Thatcher với kỳ vọng có thể đưa nước Anh vượt qua “cơn giông bão” thời “hậu” Brexit.