Nữ phạm nhân được Tổng thống Pháp ký lệnh ân xá đặc biệt

ANTĐ - Ngày cuối cùng của năm 2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ký lệnh ân xá cho một phụ nữ bị kết án 10 năm tù vì tội giết chồng sau khi bị chồng ngược đãi mấy chục năm trời. Đáng nói, đây mới là lần thứ hai Tổng thống Pháp sử dụng “quyền lực đặc biệt”, sau lần đầu tiên vào năm 2014, ông ký lệnh tha tù cho Philippe El Shennawy - người đã ngồi tù 38 năm vì tội cướp ngân hàng.

Nữ phạm nhân được Tổng thống Pháp ký lệnh ân xá đặc biệt ảnh 1Bà Jacqueline Sauvage trong vòng tay của người thân sau khi bị tòa bác kháng cáo

Chấm dứt quãng đời khốn khổ 47 năm

Trong một thông cáo ngày 31-1-2015, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết: “Trước một tình huống đặc biệt, Tổng thống muốn bà Jacqueline Sauvage có thể trở về với gia đình càng sớm càng tốt”. Như vậy, bà Sauvages, năm nay 68 tuổi sẽ được giảm án để có thể được tự do vào khoảng giữa tháng 4 tới. Khi đó, bà này đã thi hành án được hơn 3 năm.

Quyết định ân xá của Tổng thống F. Hollande được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông gặp mặt 3 người con gái của nữ phạm nhân Sauvages cùng luật sư của bà này. Vụ việc của bà Sauvage trở thành tâm điểm dư luận nước Pháp với hơn 400.000 người cùng ký vào bản kiến nghị để phạm nhân này sớm được phóng thích. Các chính trị gia cũng gia tăng áp lực kêu gọi đẩy mạnh nữ quyền khi vào thăm bà Sauvage trong tù, sau đó gửi Tổng thống Pháp François 

Hollande văn bản kiến nghị ông sử dụng “quyền lực đặc biệt” để ban hành lệnh khoan hồng.

Bà Sauvage đã trải qua cuộc hôn nhân 47 năm với Norbert Marot, một người chồng vũ phu và nghiện rượu. Không chỉ thường xuyên ngược đãi vợ, ông này còn đánh đập và lạm dụng 4 đứa con của mình. Hôm 10-9-2012, một ngày sau khi con trai treo cổ tự vẫn, bà Sauvage đã bắn chồng 3 phát vào lưng bằng một khẩu súng trường. Bà bị buộc tội giết người và kết án 10 năm tù vào tháng 10-2014.

Hành vi giết người của bà Sauvage là sự dồn nén bao năm trước nạn bạo lực và tội loạn luân của chồng mình. Chính con gái bà Sauvage từng bị cưỡng bức ở tuổi 16 đã gọi cái chết của cha mình là sự “cứu trợ”. Luật sư của Sauvage, Nathalie Tomasini kháng cáo lên tòa án nhằm “áp dụng giới hạn của hành động tự vệ cho cả các tình huống bạo lực trong hôn nhân”.

Tại phiên xét xử phúc thẩm vào tháng 12-2015, tòa án đã bác bỏ kháng cáo của bị cáo. Thẩm phán đặt câu hỏi: Tại sao trong cuộc hôn nhân khốn khổ 47 năm,  bà đã chịu đựng lâu đến thế rồi mới quyết định hành động chống lại người đàn ông đã lạm dụng bà và các con? “Lẽ ra bị cáo nên có phản ứng tương xứng với hành động bạo lực của chồng. Ba viên đạn bắn vào lưng là không thể chấp nhận được” - thẩm phán kết luận.

Làn sóng bảo vệ phụ nữ bị ngược đãi

Vụ việc xảy ra với Sauvage được dư luận đặc biệt quan tâm vì đó là một tình huống pháp lý phức tạp và gây tranh cãi được gọi là “hội chứng phụ nữ bị đánh đập”. Trong luật của Pháp, một hành động được coi là tự vệ phải tương xứng và phản ứng trực tiếp trước một hành động gây hấn.

Tuy nhiên, hành vi giết chồng để trả thù cho nạn bạo lực tái diễn nhiều thập kỷ như trong trường hợp của Sauvage không phù hợp với quy định về tự vệ. Các nhóm bảo vệ nữ quyền kêu gọi định nghĩa của hành động tự vệ phải được mở rộng đối với những “phụ nữ là nạn nhân của bạo lực”. Thực tế, Alexandra Lange, một phụ nữ Pháp giết gã chồng vũ phu của mình bằng cách đâm vào cổ họng ông này khi bị ông ta bóp cổ đã được tuyên trắng án trong năm 2012. Thẩm phán cho rằng phản ứng tự vệ của bà này “tỷ lệ thuận” với hành động gây hấn.

“Đây chỉ là hành động trả thù sau 47 năm sống trong sợ hãi. Điều họ mong muốn là gì? Liệu có phải Sauvage sẽ trở thành một trong 118 phụ nữ chết mỗi năm dưới bàn tay bạo lực của chồng?” - Đài phát thanh Bleu Nord bình luận. Sự việc cũng khiến báo chí Pháp dấy lên làn sóng ủng hộ rộng rãi việc thay đổi luật nhằm bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của nạn ngược đãi, lạm dụng.