Nữ nhi kể chuyện lần đầu đi nhảy dù

ANTĐ - “… Nhớ lần đầu tiên “làm chuyện ấy” của mình, sợ đến chết đi được. Cái hẫng hụt cảm thấy rõ khi còn đang ở trên máy bay, đến khi rơi tự do được 3 giây ấy..."

Dưới đây là những chia sẻ của nữ VĐV nhảy dù nghiệp dư đầu tiên tại miền Bắc, Lê Nhung:

Mình học nhảy dù năm 2007, được gọi là khóa chính thức đầu tiên của CLB Hàng không phía Bắc. Thật tình cờ và thật bất ngờ mà đến với dù chứ không như hội viên khác đầy đam mê từ cái hồi nhỏ tí. Không như trên thế giới, ở Việt nam, mọi người nghĩ rằng nhảy dù được coi là môn thể thao mạo hiểm và hơi khó chơi… Suy nghĩ này chẳng qua là vì nó chưa được “public” đó thôi. Nếu bạn nhìn thấy “dân dù” bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ: cực kỳ mi nhon, nông dân, lành. Số ít có dáng dấp thể thao hay của dân chơi “pờ rồ”…

Nhưng phải công nhận rằng, nếu bạn không bản lĩnh, không dũng cảm thì đừng dại gì mà bước lên máy bay – à không, cái công nông bay ấy chứ - nó chòng chành, chả êm ru như của hàng không dân dụng đâu.

Khi cửa máy bay mở, ở độ cao gần 1000m ấy, đeo chiếc dù 12kg, đứng cho thật vững mà lao ra khỏi máy bay. Người trong máy bay thì hồi hộp, người dưới mặt đất thì thở không ra hơi cho đến khi bạn đáp đất an toàn thì thôi. Còn với người nhảy dù, cái cảm giác từ hồi hộp – lo sợ - đến sung sướng chỉ tính bằng giây – bằng phút. 
Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi lên máy bay (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi lên máy bay (Ảnh do nhân vật cung cấp)


 Hiện nay, việc nhảy dù ở Việt Nam hoàn toàn do Quân đội hỗ trợ, nên mỗi năm – thường chỉ tổ chức được 1 – 2 chương trình nhảy dù cho học viên, mỗi lượt nhảy số lần chuyến rất ít. Đến lính chuyên nghiệp thì ngày nhảy một phát thôi, chứ chưa nói gì đến học viên. Sự “thèm” ấy cũng là một sự đau khổ.

Nhớ lần đầu tiên “làm chuyện ấy” của mình, sợ đến chết đi được. Cái hẫng hụt cảm thấy rõ khi còn đang ở trên máy bay, đến khi rơi tự do được 3 giây ấy. Sợ! Sợ… Sợ chết thật! Nhưng khi dù bung ra, lơ lửng thì sướng không tả hết!

Lần đầu tiên, rồi lần thứ 2, thứ 3 cho đến ngày hôm qua lần thứ 8 (năm 2008 không nhảy phát nào – vì bị “cấm vận”)… Bây giờ mình chả còn sợ sệt gì cả, chỉ còn lại niềm đam mê và nghiên cứu cách lái dù, đối mặt với gió và cái tâm để đáp đất cho ngon lành.

Tổng kết lại cho 8 lần nhảy, chưa bị dính nguy hiểm tẹo nào, chưa hề trầy xước, chưa hề chật chân, bong gân hay rớt xuồng hồ, rừng cây… hay nóc nhà, vướng vào dây điện. Đã thế lại còn được thầy giáo tạo điều kiện cho một đứa có 39,5kg như mình đeo một cái dù 12kg nhảy cho 2 chuyến/buổi nhảy. Mọi thứ đều ổn cả dưng có lẽ với dù mình chốt ở con số 8 thôi.
Lê Nhung trong bài nhảy dù của mình năm 2007 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Lê Nhung trong bài nhảy dù của mình năm 2007 (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Ngày xưa, chả vướng bận gì cả, chả biết gì về dù, dậy từ 3h sáng chuẩn bị, 4h30 chạy xe một mình đến điểm tập trung. Con đường vắng, hàng cây xanh, không khí trong lành. Lên bãi nhảy (Sơn Tây) vào 6h sáng, 6h30 rơi trên bầu trời. Mỗi cú rơi chỉ trong 2- 3 phút, nhảy có 1 phát sau cả một khóa học. Rồi cuối năm, được chọn là nữ duy nhất ở miền Bắc để Nam tiến, nhảy ở Sân bay Biên Hòa – trên Mi171, được nhảy 4 phát.

Ngày nay, nghĩ nhiều đến lo lắng của bố mẹ, biết nhiều hơn về dù, dậy từ 1h sáng chuẩn bị vì lo thêm công tác hậu cần nữa, 4h30 chạy xe một mình đến điểm tập trung. Con đường vắng, hàng cây xanh nhưng không khí bụi mù, ô nhiễm. Lên bãi nhảy, nhảy ngay ở Top 1, xuống đất rồi lại leo lên máy bay chờ chuyến 3, lại nhảy Top 1, được nhảy 3 phát (các bạn khác thì chỉ được 2 phát thôi). 

Nhìn lại cũng đáng tự hào, ít nhiều mình đang là nữ nhảy dù có số lần nhiều nhất ở miền Bắc chứ bộ… Nhưng với dù, mình sẽ chốt ở con số 8 này thôi, con gái lớn rồi, 26 -27 tuổi rồi, rong chơi đến vậy cũng là đủ. Dù sao số 8 cũng là số lộc phát đấy chứ.

Mỗi lần nhảy đều cho mình cảm giác rất khác, rất mới... Với năm nay, quyết định nhảy lại là vì mình muốn rũ bỏ những gì còn vương vấn, muốn đo sự can đảm của mình và tìm lại mình. Nên có mỗi việc năm nào đi nhảy dù cũng toàn có một mình (cái này thấm nhất khi chạy xe buổi sáng sớm ấy), dưng cũng chả sao, đeo dù vào – leo lên máy bay – hiệu lệnh nhảy thì nhảy, đầu mình trống rỗng, nhưng có lẽ dừng ở đây thôi – Số 8 nhé. Cảm ơn dù...
Lê Nhung là một trong 5 VĐV nhảy dù nữ của khóa học đầu tiên về môn thể thao mạo hiểm này được Ban Giáo dục Quốc phòng - Quân chủng PK – KQ tổ chức 03/2007. Cuối năm đó, Nhung là nữ duy nhất ở miền Bắc được chọn để Nam tiến, nhảy ở Sân bay Biên Hòa – trên Mi171 năm 2007 dành cho VĐV nhảy dù nghiệp dư. 

Hiện tại, Lê Nhung đang công tác tại Trung tâm Anh Ngữ TVN, Công ty POLO TVN Education với chức danh PR manager.

Ngày 6/4/2004, Bộ trưởng BQP đã ra quyết định số 40/2004/QĐ-BQP thành lập CLBHK phía Bắc và CLBHK phía Nam thuộc Quân chủng PK-KQ.

CLB Hàng không miền Bắc từ năm 2006 đến nay, CLB đã đào tạo 5 khóa nhảy dù với số lượng lên đến gần 100 vận động viên.

CLB Hàng không miền Nam từ năm 2007 đến nay CLB đã đào tạo được 9 khoá nhảy dù, có trên 200 hội viên nhảy dù, 50 hội viên dù lượn, 10 hội viên dù bay. Mỗi khoá học kéo dài từ 2 tháng. Học phí là 4 triệu đồng/khoá.