Nữ “kiện tướng an toàn” 20 năm gác tàu dưới đèo Hải Vân

ANTĐ - 28 năm làm trong ngành đường sắt, bà đã có 21 năm gác chắn tàu dưới chân đèo Hải Vân. Và cũng 21 năm ấy, bất kể mưa nắng, hiểm nguy rình rập nơi heo hút, bà vẫn kiên trì giúp những chuyến tàu lưu thông an toàn.

Người nữ nhân viên gác chắn ấy tên là Ngô Thị Lụa, sinh năm 1964.

Năm 1983, bà Lụa viết đơn xin vào ngành đường sắt với nguyện vọng được gác ghi trong nhà ga. Tuy nhiên, cấp trên thấy bà là một phụ nữ “chân yếu tay mềm”, không phù hợp với công việc gác ghi đòi hỏi nhiều sức khỏe nên bà được đưa đi học về gác chắn.

Kéo chắn chuẩn bị cho một đoàn tàu đi qua

Trong thời gian học gác chắn, bà tham gia công tác cấp dưỡng trên đỉnh đèo Hải Vân rồi làm công việc đi tuần đường sắt đoạn qua đèo. Đến năm 1990, sau khi học xong khóa đào tạo gác chắn, bà được tổ chức phân công lên trạm chắn tàu Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân cho đến bây giờ.

Gác chắn nơi bà Lụa công tác là một gác chắn độc lập, hàng ngày có rất nhiều xe chuyên dụng qua lại để lấy xăng dầu từ kho xăng 182 – Bộ Quốc phòng. Địa thế của gác chắn khá hóc hiểm vì cách QL1A chừng 50m nhưng là dốc dựng đứng gần 45 độ và bị che khuất tầm nhìn dòng xe Bắc - Nam. Phía bên kia gác chắn là con đường cong gấp khúc. Chính cái địa thế khó khăn của đường chắn này mà không ai khác ngoài bà, một người kỹ tính, luôn hết lòng vì công việc, được giao nhiệm vụ canh gác suốt 21 năm qua.

“Làm cái nghề nhân viên gác chắn này đòi hỏi phải tập trung tinh thần cao độ. Nếu không chỉ cần một phút sơ sẩy là không biết hậu họa như thế nào đâu. Đặc biệt, với những gác chắn độc lập như ở đây thì yêu cầu tinh thần tập trung cảnh giác là quan trọng hàng đầu”, bà Lụa chia sẻ.

Yêu cầu tập trung cảnh giác ở mỗi nhân viên gác chắn luôn được đề cao. Với nhân viên gác chắn thì không được ỷ lại vào điện thoại trực ban nhà ga. Mắt người làm gác chắn phải luôn nhìn về hai hướng và tai chú ý từng tiếng động của đoàn tàu để tránh bị động khi mưa bão hay điện thoại trực ban gặp sự cố. Theo bà Lụa: “Cũng chính yêu cầu công việc đòi hỏi phải luôn tập trung mà những nhân viên gác chắn như tôi cứ 10 người thì hết 9 là có nguy cơ đau tim rồi. Không chỉ vậy, thị lực cũng giảm sút rất nhanh”.

Gác chắn nơi bà Lụa đảm nhận nằm dưới chân đèo Hải Vân, dân cư thưa thớt. Một thân một mình nơi heo hút này nhiều khi bà Lụa phải đối mặt với những khó khăn và thử thách. “Nhiều khi đau ốm không biết làm sao cả, phải cố gắng chịu đựng hoặc quá lắm phải điện trực ban nhờ người lên gác thế chứ ở đây một thân một mình biết làm sao được. Chưa kể nơi đây do dân cư thưa thớt nên cũng hay gặp phải những đối tượng xấu đến xin đểu lắm”, bà Lụa cho biết.

Bà Lụa liên tục nhận được những tin báo trực ban trong suốt cuộc trò chuyện với PV

Trong 21 năm làm việc tại gác chắn, bà Lụa gặp không ít lần bị các đối tượng xấu đến dọa dẫm, cướp của. Và một trong những lần đó được bà kể lại: “Lúc đó đã khuya rồi, tầm 1-2 giờ sáng có một người đàn ông mang theo túi xách đi từ đỉnh đèo Hải Vân xuống ghé vào trạm gác. Do tôi để cửa canh đoàn tàu nên anh ta vụt vào phòng, ép tôi sát vào tường. Tôi sợ lắm nhưng không thể kêu cứu giữa nơi vắng vẻ mà khuya khoắt lúc đó nên tôi “cứng” giọng hỏi anh làm chi vậy? Người đàn ông bất ngờ hỏi tôi có phòng trọ gần đây không. Khi tôi bảo không có thì anh ta xin ngủ nhờ lại ngoài hiên cũng được. Tôi quả quyết không cho và dọa nếu anh không đi, tôi sẽ nhấc máy gọi trực ban lên…”. Bằng bản lĩnh và sự bình tĩnh của người đã mấy chục năm làm quen với sự vắng vẻ, bà Lụa cũng đuổi được người đàn ông lạ đi.

Đóng gác chắn rồi nhưng vẫn có người ào ra giữa đường ray làm ký hiệu dừng tàu khẩn cấp; nhiều người tự hạ gác chắn xuống... Những tình huống này bà Lụa gặp đã nhiều lần. “Nhiều khi người ta đùa ác lắm, tôi phải la khảng giọng để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu. Với tôi, khi nào bỏ lá cờ hiệu xuống thì mới nhẹ nhõm được”, bà Lụa chia sẻ.

Nếu không có lòng yêu nghề thì không thể làm nhân viên gác chắn được. Quy định của ngành với nhân viên gác chắn khá khắt khe. Trong ca trực phải tỉnh táo 24/24h, không được bỏ trạm gác và phải luôn quan sát; phải mang dép theo quy định để khi đoàn tàu có sự cố thì phản ứng cứu kịp thời…

Tất cả vì an toàn cho mỗi chuyến tàu

Bản thân bà Lụa đã không ít lần chứng kiến mưa bão đánh sập la-phông trạm gác, cuốn tôn bay tứ tung, điện thoại bị đứt. Dù vậy, bà vẫn không bỏ trạm. Vượt qua những âm thanh mưa bão, bà vẫn chăm chú dõi theo âm thanh đi và đến của những chuyến tàu.

Trong lúc ngồi tâm sự với chúng tôi, bà Lụa liên tục nhận các cuộc điện thoại trực ban báo thông tin về các đoàn tàu. Bà bảo: “Bận trao đổi vậy chứ mắt, tai và tay của tôi luôn hoạt động để ghi nhận đầy đủ thông tin mới nhất về những chuyến tàu sắp đi qua”.

Với những thành tích của mình trong việc đảm bảo an toàn các chuyến tàu trong suốt những năm qua, năm 2010, bà Lụa đã vinh dự được ngành đường sắt trao tặng danh hiệu “Kiện tướng an toàn”.