Nữ họa sĩ xứ Huế say chuyện làng Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Triển lãm tranh sơn mài “Nghe kể chuyện làng mình” của nữ hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ được khai mạc lúc 10h ngày 6/9, kéo dài đến 15/9/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM Đây là triển lãm cá nhân thứ 4 của Hồ Thị Xuân Thu kể từ năm 2004.

Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa Đông năm 1985, chị lên Pleiku nhận nhiệm vụ. Gần 40 năm qua, miền đất đó từ từ chạm, thấm vào trái tim chị một cách chân thực, tự nhiên, để rồi việc chị vẽ con người Tây Nguyên cũng tự nhiên như vậy, vì chị yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp nơi, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt... Vì vậy mà, đến triển lãm này, chị gọi tên là "Nghe kể chuyện làng mình", vì đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế.

Hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Sau gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, Hồ Thị Xuân Thu đã thực sự đủ chín để sáng tác về Tây Nguyên như cách nghĩ của người Tây Nguyên. Chị theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải theo kỹ thuật, ý chí của mình.

Thế nhưng, sau chừng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài này, chị vẫn thấy chưa thỏa mãn, nên tạm gác lại việc sáng tác và tạm xa gia đình nhỏ một thời gian để về Huế học sơn mài một cách bài bản, hàn lâm. Từ cuối thế kỷ 20, Hồ Thị Xuân Thu đã thấy sơn mài mới đúng là vật liệu và chất liệu mà bản thân đang tìm kiếm. Có lẽ tổ nghề sơn mài đã ưu ái chị, nên đã mở cho một lối đi vừa ý về một chân trời mới. Nơi đó, chị kể chuyện làng mình được thong dong hơn, sinh động hơn, sâu lắng hơn.

Thật khó diễn tả nên lời, nhưng với chị, người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ trong tự thân của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần thực sự của vùng đất này. Sau nhiều năm tháng gắn bó, điều này biến thành nét vẽ của Hồ Thị Xuân Thu. Nên chị dùng nó một cách tự nhiên, ngọt lịm, mà không cần phải quá chú tâm, cố gắng. Vì vậy, nếu tranh của chị có sự mộc mạc, tự do và mạnh mẽ, thì đó cũng chính là giá trị chân thực từ đời sống Tây Nguyên mà chị cảm nhận được, vì chị đã là một phần của hồn cốt Tây Nguyên.

Màu sắc trong tranh của chị là tự thân khi vẽ nó tìm đến, lúc ấy cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài là son, vàng, then… từ truyền thống, nhưng có thể khi vẽ, chị đã chạm vào chính trái tim mình, thể hiện điều cảm nhận được là đủ. Không phải câu nệ sự đúng sai của màu sắc, bố cục, vì sự ấm áp trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính câu chuyện làng mình. Chị vẽ miễn sao thấy thuận mắt và chạm vào trái tim là đủ.

Có lẽ với Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Ngay lúc ấy, tranh đã có cái hồn của nó. Khi cảm nhận được sự ấm nồng từ tranh thì nó đã xong, còn khi nó chưa giúp mình chạm được sự ấm nồng thì chị còn vẽ tiếp. Sự rực rỡ, bóng lộn trong tranh của chị là ở tình cảm, chứ không phải ở bảng màu hoặc bề mặt tác phẩm.

Cái hồn trong tranh chị có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau… Vì vậy, sự tỏa sáng trong tranh của chị chính là sự rực rỡ về tình cảm giao hòa, là các câu chuyện giữa người với người Tây Nguyên, là chuyện làng mình.

Trong những năm tới đây, Hồ Thị Xuân Thu dự định sẽ mang tranh sơn mài về quê nhà ở Huế để làm một triển lãm cá nhân, trước đó sẽ là một triển lãm cá nhân tại quê hương thứ hai Pleiku, tỉnh Gia Lai.