Nữ họa sĩ “bắt” tội phạm bằng... chì

ANTĐ - Lois Gibson đã trải qua một biến cố khủng khiếp trong cuộc đời năm cô 21 tuổi. Vào một đêm, nghe tiếng gõ cửa, cô gái trẻ từ Kansas vừa mở cửa thì một gã đàn ông bất ngờ xuất hiện, hắn đánh đập cô đến bất tỉnh và cưỡng hiếp. Sau đó, khi nhìn thấy kẻ tấn công mình bị cảnh sát bắt giữ, cô gái trẻ thấy công lý đã được thực thi, và không ngừng suy nghĩ phải làm điều gì đó để giúp những nạn nhân như cô.

Nữ họa sĩ phác thảo Lois Gibson

Lần bị tấn công cách đây 42 năm đó là “điểm khởi đầu” trong hành trình đầy những biến cố ngẫu nhiên đưa họa sĩ Lois Gibson đến với Sở Cảnh sát   Houston. May mắn sống sót, giờ đây cô là một người vợ, người mẹ, một giáo viên, và hơn cả là họa sĩ tài năng với niềm đam mê không ngừng nghỉ là mong muốn mang lại công lý cho các nạn nhân thông qua những bức phác thảo chân dung tội phạm.

Lois Gibson đã được Kỷ lục guinness xác nhận, nhờ những bức phác thảo của cô cảnh sát đã xác định và bắt giữ số lượng tội phạm nhiều hơn bất kỳ họa sĩ nào. Trong quá trình công tác của mình, cô đã vẽ khoảng 4.500 bức phác thảo và giúp điều tra thành công hơn 1.289 trường hợp.

Trên thế giới hiện chỉ có khoảng 40 người làm họa sĩ phác thảo pháp y. Chính vì sự  “khan hiếm” này mà Gibson thường xuyên bị các sở cảnh sát khác “mượn”. Tuy nhiên, ngược trở lại 31 năm về trước, khi Lois Gibson vào nghề, mọi chuyện không hề dễ dàng. Phải mất 7 năm, cô mới thuyết phục được các ông chủ của Cảnh sát Houston thuê mình vẽ phác thảo chân dung tội phạm. Cô đã phải thử nghiệm khả năng phác thảo của mình qua các bài tập tự do, và vì không có ngân sách cấp cho họa sĩ, nên chi phí chi trả cho cô được cấp từ tiền cà phê của sở cảnh sát. 

“Đó chính là hắn ta”

Nạn nhân trẻ em luôn là những “cộng sự” khó khăn nhất đối với Gibson. Là mẹ của hai cô con gái, Gibson luôn thận trọng với những bức phác thảo thực hiện cùng với trẻ em. Cô đã làm việc với một bé gái 9 tuổi chứng kiến mẹ mình bị cưỡng hiếp, tra tấn bằng những điếu thuốc đang cháy và cuối cùng bị giết hại. Chính cô bé sau đó cũng bị thủ phạm hãm hiếp. 

Gibson ban đầu phải cố gắng để cho cô bé đang bị tổn thương nghiêm trọng cảm giác tin tưởng và hợp tác. Và đứa trẻ đã nói về thời điểm khủng khiếp nhất trong cuộc đời mình. Thủ phạm đã bị bắt giữ nhờ bức phác thảo do    Gibson vẽ từ những mô tả của nạn nhân. Một nhân viên bảo vệ gần căn hộ của cô bé đã nhận ra hắn ta từ bản phác thảo. 

Một nhân chứng trẻ em khác mà cô đã hỏi chuyện là một cậu bé ở Ulysses, Kansas. Cậu bé đã nhìn thấy bố mẹ mình bị chém đến chết. Gibson đã phải chạy đua với thời gian để làm việc với cậu bé, hoàn thành bức phác thảo khi vụ án xảy ra đã 4 ngày. Gibson vừa hỏi han, vừa khuyến khích động viên cậu bé và nhờ đó, cô đã “bật” ra được bức phác thảo về một người đàn ông mà sau này so sánh, nó giống gần như chính xác với ảnh thật và hung thủ chính là hàng xóm của gia đình nạn nhân.

Mới đây, Gibson làm việc với một cô gái đã trốn thoát sau khi bị bắt cóc trong lúc trên đường tới trường. Vốn là một cô gái nhút nhát và vẫn còn sợ hãi sau vụ việc, nhưng với sự dỗ dành, động viên của Gibson, cô gái đã dũng cảm trả lời các câu hỏi của Gibson về đặc điểm của tên bắt cóc như lông mày, tai, áo sơ mi. Sau khi Gibson cho cô bé xem bức hình khuôn mặt cô vẽ xong, cô gái thở gấp và sau đó òa khóc, nói với mẹ: “Mẹ, đó chính là hắn ta”.

Gibson cũng làm nên những điều kỳ diệu giúp giải nỗi oan khuất cho những nạn nhân vô tội. Cô dựng lại khuôn mặt từ những phần còn lại của những thi thể không xác định được danh tính trong các vụ án mạng. Cô đã thể hiện một khả năng đáng kinh ngạc khi tái tạo lại bức chân dung của một người từ phần đã bị phân hủy hay từ hộp sọ.

Một trong những trường hợp nổi bật là trường hợp “Baby Grace”. Gibson được gọi tới  Galveston để nhìn những gì còn sót lại của một đứa trẻ không được xác định danh tính trong một hộp đựng đồ. Thi thể đứa bé đã bị nhét vào chiếc hộp kín và giấu trong kho trong suốt mùa hè nóng nực ở Houston. Thi thể đã bị phân hủy mạnh, Gibson nhớ lại nó trông giống như “một con búp bê bằng cao su nhăn nheo” với mái tóc vẫn còn đính rải ruy băng màu hồng. 

Nhưng thật đáng kinh ngạc, Gibson đã tái tạo lại một khuôn mặt bé gái tươi cười rạng rỡ. Bản phác thảo chân dung nạn nhân được phát sóng trên chương trình truyền hình tin tức quốc gia và bà ngoại của cô bé, sống ở Ohio đã nhận ra đó là cháu gái mình, cô bé Riley Ann Sawyer, liền lập tức gọi điện báo cảnh sát. Sau đó, mẹ và cha dượng của Riley - thủ phạm gây ra cái chết của Riley và phi tang đã bị kết án và hiện vẫn đang phải trả giá sau song sắt nhà tù.

Giải mã “Nụ hôn chàng lính thủy”

Nữ họa sĩ “bắt” tội phạm bằng... chì ảnh 2
Lois Gibson đã giúp xác định “chàng lính thủy” thật sự trong bức ảnh nổi tiếng

Tuy nhiên, một điều may mắn là, không phải tất cả các trường hợp Gibson phác thảo đều khủng khiếp. Cô đã là người xác định được nhân vật trong “nụ hôn của chàng lính thủy” - bức ảnh nổi tiếng chụp ở Quảng trường Thời đại vào cuối Thế chiến thứ II. 

Trong nhiều năm, hơn 20 người đàn ông đã được khẳng định là người thủy thủ trong bức ảnh nổi tiếng đó, nhưng Gibson, thông qua một tiến trình phân tích tỉ mỉ về tuổi tác đã có thể chứng minh được rằng cựu chiến binh hải quân Glenn McDuffie mới là “chàng Romeo thực sự”. 

Mặc dù công việc luôn phải tiếp xúc với thế giới tội phạm tối tăm và đầy rẫy xấu xa, nhưng   Gibson luôn là một người vui vẻ, lạc quan và hài hước. Gibson luôn tin rằng cô có công việc tốt nhất thế giới bởi vì đã góp phần mang lại công lý cho nạn nhân và bắt những kẻ xấu xa phải trả giá cho tội lỗi của mình. Lois Gibson được xem như một chiến binh thời hiện đại với thanh kiếm được làm từ bút chì và màu vẽ. Cô nói rằng cô sẽ không có kế hoạch nghỉ hưu và sẽ tiếp tục làm việc cho đến lúc nào còn đặt được tay lên tờ giấy vẽ.