Nữ giáo viên tiếng Anh chiếm đoạt bộn tiền chỉ dựa vào "ba tấc lưỡi"

ANTD.VN - Chân ướt chân ráo vào một trường dạy ngoại ngữ, song Oanh vẫn liên tục khuếch trương các mối quan hệ “ảo” của bản thân. Ngỡ tưởng nữ giáo viên tiếng Anh này tài giỏi thật nên không ít người nhanh chóng “sập bẫy” lừa đảo… 

Tại phiên tòa ngày 9-9, mặc dù bị cáo không thành khẩn nhận tội, song căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng tố cáo của hàng loạt bị hại, TAND TP Hà Nội vẫn có đủ cơ sở xác định Phan Thị Oanh (SN 1979, trú ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã phạm vào tội danh như nội dung cáo trạng truy tố.

Trên cơ sở đó, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt cựu giáo viên dạy môn tiếng Anh này 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Ngoài ra, tòa án còn buộc bị cáo Oanh tiếp tục phải bồi thường, khắc phục hậu quả hơn 7,6 tỷ đồng đối với gần chục người bị hại.

Bị cáo Phan Thị Oanh tại phiên tòa

Quá trình xét xử sơ thẩm cho thấy, năm 2013, Phan Thị Oanh được nhận vào dạy học diện hợp đồng bộ môn tiếng Anh, tại một trường liên thông THCS và THPT, trên địa bàn phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Được đứng trên bục giảng ở một trường học khá danh tiếng, Oanh bắt đầu thêu dệt ra các mối quan hệ của bản thân. Cụ thể, mỗi khi có cơ hội gặp gỡ những người cả tin, nữ giáo viên tiếng Anh nhắc đến tên tuổi một số người trong các ngành Quân đội, Công an và cả ngành Y tế bằng giọng điệu rất thân thiết với họ.

Khi bắt được “sóng” của người nghe, Oanh dần đưa họ vào “ma trận” xin học hoặc xin đi làm. Lầm tưởng là nữ giáo viên tiếng Anh có nhiều mối quan hệ tốt thật và có khả năng “chạy” học, “chạy” việc làm nên 9 cá nhân ở nhiều địa phương khác nhau đã nhờ Oanh lo lót giúp.

Theo đó, mỗi hồ sơ xin đi học hay xin việc làm, Oanh yêu cầu bị hại phải bỏ ra từ 80 triệu đồng đến 300 triệu đồng, tùy từng trường học hoặc việc làm cụ thể. Sa vào “bẫy” lừa đảo mà nữ giáo viên tiếng Anh giăng ra, một số bị hại còn cùng lúc giao tiền và hồ sơ của nhiều người thân quen cho Oanh.

Vậy nhưng tất cả các trường hợp nhận tiền cùng hồ sơ xin học hoặc xin đi làm, Oanh đều không giúp được cho bất kỳ ai. Hòng thoát khỏi sự truy xét của pháp luật nên khi nhận tiền xin việc hoặc xin học của các bị hại, đối tượng thường “lách luật” bằng việc lập các giấy tờ về vay mượn tiền nong.

Bằng thủ đoạn này, từ năm 2013 đến tháng 6-2014, Oanh chiếm đoạt được tổng cộng gần 8,7 tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lở, nữ giáo viên tiếng Anh mới khắc phục một phần hậu quả và hiện còn chiếm đoạt hơn 7,6 tỷ đồng.