Nữ giám đốc "mượn tay" cán bộ trường nghề làm bậy…

ANTD.VN - Từng làm nhân viên doanh nghiệp xuất khẩu, Phương nắm rõ được quy trình, hồ sơ. Đánh bạo làm ăn lớn nhưng nữ giám đốc này không có đủ năng lực…

Sau lần phải trì hoãn cách đây không lâu, ngày 19-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa Lương Thị Lan Phương (SN 1978, trú ở phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS năm 1999.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Phát) có trụ sở làm việc chính tại TP Hải Phòng. Doanh nghiệp này được phép tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, trong đó có Nhật Bản.

Do yêu cầu mở rộng địa bàn kinh doanh, năm 2015, Công ty Hoàng Phát mở thêm chi nhánh tại Hà Nội. Sau đó, chi nhánh Hà Nội này mở thêm văn phòng Tư vấn du học và giao Lương Thị Lan Phương làm trưởng cơ sở.

Lương Thị Lan Phương bị đưa ra tòa xét xử.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Phương thành lập Công ty TNHH Phát triển quốc tế Sao Ánh Dương (gọi tắt là Công ty Sao Ánh Dương) với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Tháng 11-2015, Công ty Sao Ánh Dương được cấp phép hoạt động tư vấn du học thông qua một trung tâm.

Trước đó, từ năm 2006, Phương từng làm việc cho một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động nên đối tượng cũng tạo dựng được một số quan hệ xã hội. Trong số ấy, có một đối tác người Hàn Quốc tên Lee Soo Hyun nhưng Phương không rõ lai lịch.

Năm 2014, Phương và Lee Soo Hyun thỏa thuận, người đàn bà này sẽ cung ứng nguồn lao động phổ thông sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, mối làm ăn với Lee Soo Hyun của Phương sau đó “đổ bề”, khiến chị ta lâm vào cảnh nợ tiền nhiều người muốn xuất khẩu lao động.

Đầu năm 2015, Lee Soo Hyun bất ngờ nối lại quan hệ với Phương và “vắt” ý tưởng đưa người sang Nhật Bản lao động, đồng thời hứa hẹn sẽ đối trừ toàn bộ số tiền hai bên còn vướng mắc. Kèm theo những lời hứa ấy, người đàn ông Hàn Quốc còn đưa cho Phương xem một số tài liệu thể hiện ông ta “lo” được người sang Nhật Bản làm việc.

Khi ấy, dù nhận thấy tài liệu mà Lee Soo Hyun cung cấp có khá nhiều điểm bất thường nhưng vì muốn “gỡ gạc” lại số tiền đã mất và áp lực chi phí hàng ngày của Công ty Sao ánh Dương nên Phương vẫn quyết định làm liều bằng việc thu tiền cùng hồ sơ của những người muốn sang Nhật Bản làm việc.

Và để làm được việc đó, Phương tìm gặp một số cán bộ của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên (đơn vị có chức năng cung ứng lao động trong và ngoài nước) đặt vấn đề liên doanh, liên kết với Công ty Hoàng Phát. Đối tượng cũng báo cáo với lãnh Công ty Hoàng Phát về mong muốn phối hợp đưa người sang Nhật Bản của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên.

Tuy nhiên, Phương nói với Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên một đằng và báo cáo lãnh đạo Công ty Hoàng Phát một nẻo. Và rồi một văn bản thỏa thuận liên kết giữa hai đơn vị xuất khẩu lao động này vẫn được ký kết, dưới sự “đạo diễn” của Phương.

Có được văn bản cần thiết, Phương tiếp tục làm giả thông báo với nội dung chi nhánh Hà Nội của Công ty Hoàng Phát có đơn hàng đưa người sang Nhật Bàn lao động, thời hạn 3 năm, lương 2.500 USD/tháng và dự kiến thời gian xuất cảnh sau vài ba tháng.

Với thông báo trên, một số cán bộ của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên lập tức đứng ra thu tiền cùng hồ sơ của 36 người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Sau đó, toàn bộ số tiền hơn 1,5 tỷ đồng (chi phí xuất ngoại) đều được những cán bộ trường nghề chuyển cho Phương.

Cũng với thủ đoạn tương tự, nữ Giám đốc Công ty Sao Ánh Dương còn thu tiền cùng hồ sơ xuất khẩu lao động của 2 đầu mối khác, trong đó có cả giám đốc một doanh nghiệp với số tiền rất lớn. Ngoài ra, dù doanh nghiệp do mình làm giám đốc không có chức năng xuất khẩu lao động san Hàn Quốc nhưng Phương vẫn thu tiền và chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của 27 người bị hại.

Theo kết luận của tài liệu truy tố, từ năm 2015 đến 2016, Lương Thị Lan Phương đã tạo ra thông tin gian dối, không có thật về xuất khẩu lao động để chiếm đoạt hơn 6 tỷ 748 triệu đồng của 88 người bị hại. Quá trình điều tra, bị cáo mới trả lại được hơn 2,3 tỷ đồng.

Mở tòa sơ thẩm xem xét tội trạng của nữ giám đốc doanh nghiệp, TAND TP Hà Nội xác định hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội vì đã chiếm đoạt số tiền rất lớn của hàng chục người. Hành vi của bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trên cơ sở ấy, HĐXX sơ thẩm đi đến quyết định tuyên phạt Lương Thị Lan Phương 14 năm tù. Về dân sự, tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc nữ giám đốc làm ăn liều lĩnh phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt cho các bị hại.