Nữ doanh nhân lợi dụng chức tước "ẵm" hàng chục tỷ đồng

ANTD.VN - Sau một thời gian góp vốn, công ty do Mai đứng đầu rút khỏi dự án. Thế nhưng người đàn bà này vẫn “ỉm lẹm” thông tin để tiếp tục bán nhà “trên giấy” bằng chiêu thức góp vốn đầu tư, qua đó đã chiếm đoạt gần 31 tỷ đồng.

Bán nhà bằng… “giấy lộn”

Với đơn kháng cáo của bị cáo và cả bị đơn dân sự, trong 2 ngày 11 và 12-10, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Phương Mai (SN 1960, trú ở phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC) về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xem xét lại bản án sơ thẩm cũng như quá trình thẩm vấn công khai tại phiên xử cho thấy, UAC vốn là một trong các doanh nghiệp – đồng chủ đầu tư dự án Phát triển nhà ở N04, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thế nhưng do không trường vốn và thấy thị trường bất động sản đi xuống nên UAC nhanh chóng rút khỏi dự án nhà ở này.

Bị cáo Nguyễn Phương Mai tại phiên tòa phúc thẩm 

Biết rõ thực trạng của doanh nghiệp là vậy, song Nguyễn Phương Mai vẫn “ỉm kín” thông tin, đồng thời tiếp tục kêu gọi các cá nhân góp tiền cho doanh nghiệp để được sở hữu căn hộ tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

Theo đó, ngày 28-10-2011, ông Lê Phú Cường (ở quận Hoàn Kiếm) ký liền lúc 2 thỏa thuận cho UAC vay tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng với hy vọng sẽ được mua 2 căn hộ tại dự án. Cùng ngày, Mai cũng phát hành 2 phiếu thu đối với ông Cường thể hiện UAC nhận tiền của khách hàng đăng ký mua nhà.

Cũng trong ngày 28-10-2011, Mai lấy tư cách người đại diện theo pháp luật của UAC ký một thỏa thuận vay vốn khác với ông Nguyễn Quang Hải (trú quận Đống Đa) và đến ngày 1-8-2012 thì xuất phiếu thu thể hiện nhận của khách hàng gần 1 tỉ đồng.

Trước đấy, vào năm 2008, Mai vay của bà Phạm Đặng Diệp Linh (quận Đống Đa) 5 tỷ đồng để đưa vào dự án khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng. Đến hẹn thanh toán không có tiền trả nên nữ doanh nhân đề nghị bà Linh chuyển món nợ thành tiền đăng ký mua căn hộ mà công ty đối tượng là một trong các chủ đầu tư.

Sau đó, ngày 30-6 và 28-10-2011, Mai lần lượt giao cho bà Linh 4 phiếu thu thể hiện UAC nhận tổng cộng hơn 5,5 tỷ đồng đăng ký mua căn hộ… Cũng với lý do cần vốn hoàn thành dự án, từ năm 2011 đến 2012, Mai còn ký hàng loạt thỏa thuận vay vốn, góp vốn, thỏa thuận hợp tác với nhiều cá nhân khác và thu của mỗi người từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Tổng cộng, cựu Chủ tịch HĐQT UAC đã thu, đồng thời giao phiếu thu tiền cho 13 người với tổng số hơn 29,3 tỷ đồng. Thế nhưng toàn bộ số tiền ấy đều không được Mai đưa vào sổ sách công ty và các chứng từ giao cho khách hàng đều không phải do UAC phát hành. Về chữ ký của kế toán, thủ quỹ thể hiện trên các phiếu thu cũng đều là giả mạo.                     

Và lừa đảo “chạy” giấy phép

 Cũng trong quá trình xét xử phúc thẩm, hành vi tội phạm thứ hai của cựu Chủ tịch HĐQT UAC cũng một lần nữa được làm rõ, ngày còn giữ chức lãnh đạo cao nhất, kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Mai còn rêu rao với nhiều người rằng đối tượng có quan hệ  tốt với một lãnh đạo thành phố nên có thể giải quyết được rất nhiều việc mà người khác phải “bó tay”.

Tin tưởng Mai, tháng 11-2011, bà Bùi Thị Mỹ H (trú ở quận Đống Đa) – Chủ tịch HĐQT một công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế đã nhờ Mai “chạy” cho tấm giấy phép xây dựng tòa nhà, tại phố Khâm Thiên.

Thời điểm đó, bà H đinh ninh rằng Mai sẽ đi “cửa sau” và lo được tấm giấy phép xây dựng tòa nhà từ 7 tầng lên thành 9 tầng và còn có cả tầng hầm để xe. Đổi lại, bước đầu bà H phải đưa trước cho Mai 1 tỷ đồng “lót tay”.

Thế nhưng sau khi cầm tiền, cựu Mai không hề có bất kỳ động thái gì để biến tấm giấy phép xây dựng tòa nhà ở phố Khâm Thiên theo đúng mong muốn của chủ sở hữu. Hết thời hạn cam kết “chạy” giấy phép xây dựng, Mai tìm cách trốn tránh và mới trả lại được bà H 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Mai cam kết giúp  bà Trần Thị N (ở quận Hoàng Mai) có được quyết định thay đổi quy hoạch sử dụng đất xây dựng chung cư với chi phí 60.000 USD.

Dù vậy, sau khi nhận trước 1/2 số tiền theo một hợp đồng tư vấn, Mai nhanh chóng biến mất, còn bà N thì “xôi hỏng bỏng không”. Tổng cộng, cựu Chủ tịch HĐQT UAC đã chiếm đoạt của 15 người bị hại với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng.

Với các hành vi nêu trên, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3-2016, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Phương Mai tù chung thân về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành chung là tù chung thân.

Về dân sự, cấp tòa sơ thẩm cũng buộc Công ty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội phải bồi thường cho hàng chục khách hàng đã đóng tiền mua nhà thông qua bị cáo. Đồng thời cũng buộc bị cáo  phải bồi thường cho doanh nghiệp mà bà ta từng giữ cương vị cao nhất.

Dù vậy, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đi đến quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu với lý do không thể làm rõ một số vấn đề về nội dung vụ án ngay tại phiên tòa và có những thiếu sót trong tố tụng.