- Bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên sàn giao dịch chứng khoán
- Hà Nội: Người phụ nữ 'bay' 9 tỷ đồng vì đầu tư sàn giao dịch tiền ảo
- Từ chuyên án bóc gỡ đường dây lừa đảo của 'Mr Pips' Phó Đức Nam: Thận trọng với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế!
![]() |
Số nhân viên tại công ty của Ngọc |
Bí ẩn cô gái trẻ đi xe sang
Trung tá Đào Mạnh Hà, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cho biết, thực hiện chức năng nhiệm vụ công tác của đơn vị, qua tiến hành rà soát các sàn ngoại hối đang hoạt động trên không gian mạng, đơn vị đã phát hiện một số người trẻ tuổi có vẻ thành đạt đáng ngờ, trong số này có Hồ Bích Ngọc (SN 1996, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). “Ngọc kinh doanh nhỏ như làm spa, bán quần áo, nhưng có nhiều tài sản giá trị và có một cuộc sống khá giàu sang. Rất có thể phía sau công việc đó là những thủ đoạn bí ẩn đã bị che giấu” - Trung tá Đào Mạnh Hà nhìn nhận.
Theo dõi Hồ Bích Ngọc, các trinh sát phát hiện người phụ nữ này đứng đầu Công ty TNHH Thương mại và tư vấn đầu tư Master Group với 3 văn phòng trên địa bàn các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Đặc biệt, công ty của Ngọc có dấu hiệu lừa đảo bởi không đăng ký hoạt động trên lĩnh vực tài chính - chứng khoán, nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán phái sinh. Trước các nhận định trên về Hồ Bích Ngọc, chỉ huy đơn vị đã báo cáo Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và tiến hành xác minh…
![]() |
Đối tượng Hồ Bích Ngọc và tang vật thu giữ trong vụ án |
![]() |
Tìm dấu vết trên không gian mạng
Đại úy Từ Văn Tấn - cán bộ Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhớ lại: “Khi tiếp nhận thông tin ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng chủ yếu sử dụng tin nhắn qua mạng xã hội như Zalo, Facebook ảo, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trên không gian mạng nên không biết đâu là thực, đâu là hư. Trong khi đó, các bị hại đôi khi không tin và không muốn tin họ đã bị lừa. Thậm chí khi trinh sát tiếp cận trao đổi, các nạn nhân vẫn cho rằng mình bị vận hạn, đầu tư khi chưa tìm hiểu kỹ nên mới dẫn đến bị “trắng tài khoản” chứ không phải do ai đó sử dụng thủ thuật lừa đảo”.
Các cuộc giao dịch trao đổi đều thông qua mạng xã hội, trong khi đó tính ẩn danh của mạng xã hội khá cao khiến các trinh sát rất vất vả trong việc truy nguyên đối tượng trực tiếp, khó khăn trong truy xuất, cá thể hóa đối tượng. Cùng với đó, dòng tiền nhà đầu tư nạp vào sàn giao dịch thường thông qua cổng thanh toán, luân chuyển qua nhiều công ty khác nhau rồi mới về đến tài khoản cá nhân đối tượng. Song với tinh thần kiên quyết đấu tranh, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh nhiều bị hại tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau 6 tháng, trinh sát đã từng bước làm rõ hành vi lừa đảo nhà đầu tư của Hồ Bích Ngọc.
Dưới vỏ bọc một nữ doanh nhân, Hồ Bích Ngọc sử dụng những hình ảnh hào nhoáng để đánh bóng tên tuổi nhằm dễ dàng “đăng đàn” dạy cách tiếp cận người giàu, cách đầu tư… Chị ta còn tự biên soạn giáo trình, tạp chí với tên gọi rất kêu như: “Học đơn giản, đầu tư bài bản”, “Khóa học đầu tư vỡ lòng”, “Tri ân người khai sáng”, “Cách nói chuyện với người giàu”, nhưng thực chất phía sau đó đều là những trò lừa đảo tinh vi. “Cứ 6 tháng/lần, Ngọc thay đổi văn phòng, đổi tên sàn ngoại hối để tránh sự nghi ngờ của các nhà đầu tư cũng như xóa dấu vết” - Đại úy Từ Văn Tấn cho hay.
Chiêu lừa mời nhà đầu tư giao dịch ngoại hối
Với đầy đủ chứng cứ đã thu thập được, tháng 12-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 33 đối tượng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, liên quan đến vụ việc do Hồ Bích Ngọc cầm đầu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệu tập 64 đối tượng liên quan và tạm giữ các tài sản, đồ vật, tài liệu gồm 4 xe ô tô hạng sang các loại, 85 điện thoại di động, 30 máy tính và gần 3,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định Hồ Bích Ngọc và đồng bọn đã chiếm đoạt 500 tỷ đồng của nhà đầu tư, trong đó có những bị hại bị mất tới 15 - 16 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, Hồ Bích Ngọc liên hệ với 1 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tên X để được cung cấp thông tin 3 sàn giao dịch ngoại hối được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối phổ biến trên thế giới.
Sau đó, Ngọc đăng ký thành lập 1 công ty “bình phong” là Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group và mở 3 văn phòng với khoảng 70 nhân viên hoạt động đặt trên địa bàn Hà Nội. Ngọc đã tổ chức phân cấp, đào tạo nhân viên thành các bộ phận như quản lý, kế toán - hỗ trợ trưởng nhóm (gọi là Leader) và các nhân viên (gọi là nhân viên Sale). Các nhân viên Sale đã chủ động tìm khách hàng có tiềm năng về tài chính, chủ yếu trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên các mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo… sau đó tiếp cận, lồng ghép các thông tin sai sự thật để giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh; giới thiệu với nhà đầu tư các “chuyên gia” về giao dịch, nhưng trên thực tế đều không có kiến thức về tài chính để hướng dẫn, tư vấn, thôi thúc ham muốn đầu tư, kiếm lợi nhuận của khách hàng. Từ đó, lôi kéo, dụ dỗ khách hàng đăng ký tài khoản tại các sàn giao dịch nêu trên, chuyển tiền vào các sàn để giao dịch ngoại hối. Các đối tượng đưa các nhận định về thị trường ngoại hối không có kiểm chứng, tư vấn khách hàng đặt nhiều lệnh với mức độ rủi ro cao.
Khi khách hàng thua lỗ, các đối tượng củng cố tinh thần, niềm tin cho khách hàng tiếp tục đầu tư tiền để gỡ vốn và kiếm lợi nhuận, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng đầu tư, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển. Hồ Bích Ngọc đã thỏa thuận với đối tượng X định kỳ hàng tháng chuyển cho Ngọc 60 - 70% số tiền đã chiếm đoạt bằng hình thức chuyển qua các cổng thanh toán điện tử.
Các đối tượng hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số tiền lừa đảo chiếm đoạt rất lớn, nạn nhân thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn ngoại hối, chứng khoán trái phép. Đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.