Nụ cười - “vũ khí” bí mật của ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nụ cười dường như là một phần không thể thiếu trong chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Sự hài hước của bà đang trở thành một vũ khí hữu ích khiến đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump nhiều khi phải ghen tị.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris có nụ cười làm xiêu lòng người

Ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris có nụ cười làm xiêu lòng người

“Bạn đã bao giờ nhìn thấy bà ấy cười chưa? Người ta có thể biết được nhiều điều qua tiếng cười. Không, bà ấy điên rồi!” - ông Donald Trump đã phải lên tiếng tại một cuộc vận động tranh cử gần đây ở Michigan. Đối thủ của bà Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần này không ít lần công kích, chế giễu vì bà là một phụ nữ da màu. Nhưng hết lần này đến lần khác, bà Kamala Harris đã chống trả bằng cách đảo ngược tình thế, luôn cho thấy một Kamala Harris vui vẻ, có thể cười thoải mái để đẩy lui những chiến dịch chống lại mình.

Theo nhà nghiên cứu hành vi Eva Ullmann, nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ có thể ghi điểm bằng chiến thuật này cùng với người bạn đồng hành hài hước không kém là Tim Walz. “Bộ đôi Harris - Walz có đường lối chính trị rõ ràng, họ có thể khẳng định mình và có địa vị cao. Họ không phải là nghệ sĩ hài, nhưng sự hài hước của họ có điều gì đó rất chân thành và thực tế, tạo nên sức hấp dẫn riêng” - bà Ullman nhận xét. Cũng theo bà Eva Ullmann, lợi thế lớn mà 2 người này so với ông Donald Trump là hài hước nhưng không hề thiếu tôn trọng người khác. Bởi lẽ nhiều người không còn cảm thấy hứng thú với những lời nói đùa nhưng cố tình hạ thấp, thậm chí làm nhục người khác. Nhà nghiên cứu Ullmann tin rằng, văn hóa hài hước và tiếng cười đang thay đổi. “Trong một thời gian rất dài, sự hài hước ở những người có quyền lực được gắn liền với một hình thức hung hăng, ông Trump là một điển hình. Nhưng dần dần người ta nhận thấy rằng, hài hước là cần thiết, nhưng không nên làm người khác xấu hổ hay biến người khác thành trò hề” - bà phân tích.

Các nhà khoa học hành vi tin rằng, tiếng cười đã có từ khi con người bắt đầu biết giao tiếp. Và ngay cả trong thời cổ đại, tiếng cười đã bị chính trị hóa. Ví dụ, triết gia Hy Lạp Plato cho rằng, tiếng cười là mối đe dọa đối với nhà lãnh đạo, những người thích cười không còn khả năng suy nghĩ hợp lý và sẽ mất quyền lực. Chưa kể, những người có chức quyền luôn có một nỗi sợ hãi mơ hồ về việc bị cười nhạo. Một nghiên cứu tại 73 quốc gia do Đại học Zurich thực hiện vào năm 2009 đã phát hiện ra ở một số nền văn hóa (chẳng hạn như ở Trung Đông hoặc châu Á, nơi coi trọng danh dự và thể diện), tiếng cười có thể hiểu ở góc độ rất khác nhau. “Bị chế giễu hoặc cười nhạo có thể dẫn đến những phản ứng khó tin, thậm chí có thể gây ra chiến tranh” - nhà tâm lý học Michael Titze nói.

Chuyên gia Titze phân tích, với trường hợp bà Kamala Harris, nụ cười có nhiều công dụng: “Bà ấy bị chỉ trích rồi bắt đầu cười sảng khoái chính là một hình thức thách thức, làm suy yếu đối thủ của mình. Bên cạnh đó, khi một người như bà Harris cười lớn, não của người xem sẽ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh, tạo cảm giác dễ chịu. Không phải vô cớ mà người ta có câu nói: “Tiếng cười là liều thuốc tốt nhất”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Titze lưu ý rằng, tiếng cười là do di truyền: “Bạn không thể học được sự hài hước, vì nếu ép buộc sẽ có sự khiên cưỡng ngay. Tiềm năng phát triển sự hài hước của mỗi cá nhân là bẩm sinh”.