Nữ CSKV và chuyện ở "siêu" tổ dân phố

ANTĐ - Thật không quá khi nhiều người vẫn gọi địa bàn Trung tá Lê Thị Kim Thu - CSKV phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) phụ trách là “siêu” tổ dân phố khi có đến hơn 1.700 hộ dân. Thế nhưng bằng nhiều cách làm sáng tạo, nữ CSKV Lê Thị Kim Thu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu.

Trung tá Lê Thị Kim Thu cùng lực lượng cơ sở tuyên truyền phòng chống trộm đột nhập

Theo chị xuống địa bàn, tôi thật sự ngợp trước khối lượng công việc mà người CSKV phụ trách cư dân khu đô thị Xa La phải đảm nhiệm. Ngoài quản lý 3 tòa nhà chung cư với trên 1.000 hộ dân, Trung tá Thu còn phụ trách cư dân hàng trăm căn biệt thự và nhà liền kề. “Đây là địa bàn đông dân nhất quận, với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, internet và ngân hàng” – nữ CSKV thông tin. Trước đây, Trung tá Thu còn phụ trách thêm 2 tổ dân phố 10 và 11. Ở đây, do người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên sau khi ruộng đất được quy hoạch, phần lớn người dân rơi vào cảnh thiếu việc làm. Điều này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về ANTT và đối lập hoàn toàn với khu đô thị Xa La - nơi tập trung toàn cán bộ công chức ngoại tỉnh đến cư trú.

Nói về công việc hiện tại, Trung tá Lê Thị Kim Thu cho biết “nhờ có cán bộ cơ sở nhiệt tình và được người dân giúp đỡ, nếu không khó có thể bao quát được cả địa bàn”. Nghĩ cũng phải, bởi ở các khu đô thị, chỉ buổi tối là thời gian duy nhất CSKV có thể gặp gỡ, tiếp xúc với người dân. Nhưng trong vài giờ ngắn ngủi ấy, cán bộ chỉ có thể đến 5-7 gia đình. Nên như vừa rồi, khi thực hiện Thông tư số 12 của Bộ Công an, bên cạnh việc kiên trì gõ cửa từng hộ, Trung tá Thu đã kết hợp việc tuyên truyền, giải thích trong các cuộc họp tập thể. Ngoài góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì đó cũng là cách làm phù hợp với đặc thù ở “siêu” tổ dân phố. 

Nhớ lại những ngày khu đô thị mới đi vào hoạt động, tình trạng trộm cắp xảy ra khá nhiều. Lúc này, các hộ dân chưa quen biết nhau. Ngay cả cán bộ BQL tòa nhà cũng chưa rõ mặt từng người đến cư trú. Nhằm giải quyết tình hình, Trung tá Thu đã tham mưu, tổ chức các buổi họp lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phương thức thủ đoạn phạm tội, và qua đó chọn ra người đứng đầu từng tòa, từng tầng chung cư. Nhờ các hoạt động sinh hoạt tập thể, người dân đã gần gũi, tự bảo nhau gia cố cửa, lắp đặt thiết bị giám sát và báo cáo trực tiếp cho CSKV khi phát sinh sự việc. Giờ đây, đã thành nếp, các gia đình mới đến đều tự giác đăng ký lưu trú. Nhiều tầng, nhiều tòa chung cư còn đoàn kết, gắn bó, thực hiện theo khẩu hiệu “đi gửi, về báo”.

Sự mềm mại trong cách làm việc, ứng xử cùng tài vận động của nữ CSKV cũng được vận dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh. Cách đây chưa lâu, nhiều hộ dân sống trong các tòa chung cư, biệt thự và khách đến chơi thường có thói quen đỗ xe ô tô ngoài đường. Nhiều vụ va chạm dẫn đến tranh cãi và trộm cắp phụ tùng đã xảy ra. Những ngày sau đó, Trung tá Thu phối hợp lực lượng Cảnh sát trật tự và BQL khu đô thị đã kiên trì tuyên truyền nhắc nhở, tổ chức dán tờ rơi tại các địa điểm dễ quan sát như cầu thang, thang máy, trong đó ghi rõ những địa điểm được đỗ xe và chế tài áp dụng để xử lý vi phạm. “Lúc đầu không phải ai cũng biết các quy định và có thái độ hợp tác với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi được giải thích cặn kẽ về mục đích của chủ trương là để nhằm bảo vệ tài sản của chủ phương tiện, đảm bảo an ninh trong khu vực thì người dân đã tự giác gửi xe vào bãi trông giữ xe và tầng hầm các tòa nhà” – Trung tá Lê Thị Kim Thu nhớ lại…

Mấy ngày gần đây, hay tin chị sắp nghỉ hưu, nhiều người dân đều tiếc vì sẽ không còn thường xuyên gặp lại nữ cảnh sát đã bao năm gắn bó. Xúc động như thể sắp chia tay, Trung tá Thu cầm tay bà chủ quán tạp hóa, nói: “Nghỉ hưu nhưng “máu” nghề nghiệp vẫn còn. Biết đâu mai nay, chị lại gặp tôi trong cương vị khác như trưởng - phó tổ dân cư chẳng hạn”. “Ừ nhỉ, có thể lắm chứ” - người phụ nữ liền gật đầu, cười vui vẻ.