"Nữ chiến binh" dũng cảm chống lại hủ tục "giết người vì danh dự" ở Pakistan

ANTD.VN - Trong khu vực bộ lạc nơi Khalida Brohi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Balochistan, Pakistan, các cô gái thường không được đi học. Thay vào đó, một số bị buộc phải kết hôn khi còn rất nhỏ và bị trừng phạt đến chết nếu không tuân theo.

"Nữ chiến binh" dũng cảm chống lại hủ tục "giết người vì danh dự" ở Pakistan ảnh 1Khalida Brohi (giữa) đã giúp phụ nữ vùng nông thôn Balochistan tự tin và tạo dựng cuộc sống có ý nghĩa hơn

Bản thân Brohi cũng suýt bị hứa hôn từ nhỏ. Nhưng đáng nói, Brohi là cô gái đầu tiên trong làng được cắp sách đến trường. Sau quá trình tiếp xúc với sách vở, kiến thức cũng như chứng kiến sự đau khổ của phụ nữ trong làng, Brohi có tâm nguyện giúp phụ nữ được tiếp cận giáo dục. Cô đã vận động một số tổ chức phi lợi nhuận và lên tiếng chống lại cái gọi là “giết người vì danh dự” - trong đó phụ nữ bị các thành viên trong gia đình sát hại vì làm mất thanh danh của gia đình.

Tấm gương của người cha

Hồi học đại học, cha Brohi đã nhận ra những bất công do các hủ tục, đặc biệt là cuộc hôn nhân trao đổi với một cô gái ông chưa từng gặp... Lúc đó, mẹ Brohi 9 tuổi và ông 13 tuổi. Lúc khoảng 16 hay 17 tuổi, ông tuyên bố: “Tôi sẽ cưới người khác. Khi vào trường đại học, ông có cảm tình với một bạn học bởi cô gái rất thích đọc sách và thích nói về chính trị. Ông quyết định chọn người xứng đáng với mình và cưới cô gái đó. Nhưng khi chuẩn bị đến gia đình cô gái đó để cầu hôn, ông chợt nhớ đến đêm tân hôn của mình. Khi bước vào căn phòng tối, cô bé 9 tuổi trông như một búp bê với quần áo và trang sức lủng liểng, mặt trang điểm nhòe nhoẹt vì khóc, cô ấy sợ hãi, chỉ muốn về nhà với mẹ. “Đó không phải lỗi của cô ấy. Nếu mình dạy cô ấy và cô ấy được giáo dục, chắc chắn mình sẽ yêu cô ấy”. Và ông đã làm như vậy. Họ yêu nhau và đó là câu chuyện tình yêu đẹp nhất làng.

Khalida Brohi (27 tuổi), người Pakistan là phụ nữ nhưng có trái tim của một chiến binh. Là một nhà hoạt động xã hội có tiếng, cô đã kiên trì với việc tạo ra không gian mới cho đối thoại, đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ. Gần đây, cô gái trẻ đã được vinh danh là 1 trong 30 doanh nhân xã hội dưới 30 tuổi của Forbes ở châu Á và cũng được trao giải thưởng Buffett Institute cho các nhà lãnh đạo mới nổi trên thế giới. 

Trước khi Brohi được sinh ra, người bác của cô đã mất vợ và quyết định sẽ tái hôn. Ông ta đi hỏi vợ thì gia đình đó yêu cầu phải có người trao đổi. Bởi thế, ông ta nhờ cậy cha của Brohi, em trai út trong nhà để gả con gái Brohi cho nhà họ. “Đây là lần đầu tiên cha tôi nói không. Ông từ chối cha và anh trai mình, ông nói: Trước khi con tôi sinh ra, khi chưa được ôm nó vào lòng thì tôi không thể đưa ra quyết định như vậy được”, Brohi kể. Vì lý do đó, cha Brohi đã bị đuổi khỏi nhà và dẫn vợ con mình tới Hyderabad bắt đầu cuộc sống mới.

Tại nơi ở mới này, anh trai và Brohi được đi học. Thế giới như mở ra trước mắt Brohi bởi cô nhận ra thực tế rất khác giữa vùng nông thôn - nơi xuất thân của họ và thành phố, đó là trẻ con được đi học. Với quan niệm của người dân trong bộ lạc của Brohi, một cô gái có thể làm ô danh cho gia đình mình nếu họ đi chợ, đi học, không đeo khăn choàng hay cười to. Nhưng Brohi lại nghĩ khác, rằng nếu cô không học hành chăm chỉ, hoặc không đạt điểm cao, cha cô sẽ không hài lòng. 

Hành động để bảo vệ phụ nữ 

Cuộc sống tự do và nhẹ nhõm của Brohi chuyển sang bước ngoặt mới sau khi em họ của cô bị sát hại trong một vụ “giết người vì danh dự”. Nạn nhân đó là Khadija, 14 tuổi. Gia đình Khadija đã sắp đặt hôn nhân từ trước nhưng Khadija lại yêu một người khác và bỏ trốn. “Ba người đàn ông trong gia đình đưa cô ấy đến một nơi họ đã đào sẵn huyệt và chú tôi đã giết con gái mình ngay tại đó”. Khi Khadija bị sát hại, người nhà chàng trai người yêu của Khadijia đã cầu xin gia đình Khadija nhận tiền thay vì giết anh ta. Số tiền đó được dùng để mua thực phẩm cho cả nhà. Brohi kể, vài ngày sau, người mẹ của cô gái nói: “Tôi cảm thấy bệnh ung thư đang lớn dần vì tôi đã ăn thịt con gái mình”.

Chứng kiến người em họ bị sát hại, Brohi thấy cần phải có phản ứng mạnh mẽ. Kết quả là Quỹ Sughar ra đời, mục tiêu là không bao giờ để những điều tương tự xảy ra. Sughar (trong tiếng Urdu có nghĩa là người phụ nữ tự tin, có tay nghề) là một loại hình liên doanh xã hội, trong đó giúp phụ nữ có được nguồn thu nhập quý giá nhờ nghề thêu truyền thống, từ đó họ có được quyền lực về kinh tế và có thêm cơ hội được giáo dục cũng như thông tin về quyền của phụ nữ.

Brohi đã tạo ra thương hiệu Sughar với dòng sản phẩm là túi xách, váy, giày và gối thêu có tính thời trang, hợp thị hiếu và khó cưỡng lại được. Đến nay, Sughar là niềm mơ ước, là nơi đặt kỳ vọng của gần 1 triệu phụ nữ Pakistan trong khi liên tục tác động đến các nhà hoạch định chính sách của chính phủ để thay đổi luật và phong tục liên quan đến các vụ giết người vì danh dự.