Nữ cán bộ ngân hàng "rởm" và màn kịch phát mãi tài sản

ANTĐ - Không chồng và không nghề nghiệp nhưng Huyền lại mạo nhận là cán bộ ngân hàng. Trong một lần nghe lỏm được câu chuyện “vỉa hè”, đối tượng nhanh chóng dựng “màn kịch” ngân hàng ưu tiên phát mãi tài sản cho nhân viên.

Nữ cán bộ ngân hàng "rởm" và màn kịch phát mãi tài sản ảnh 1

Bị cáo Lê Thị Ngọc Huyền tại phiên tòa

Cú lừa ngoạn mục

Không bằng chứng, không tài liệu chứng minh, song trước tòa Lê Thị Ngọc Huyền (SN 1982, trú ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn luôn miệng trình bày rằng bản thân cũng chỉ là nạn nhân. Theo Huyền, kẻ lừa đảo thực sự trong vụ án có tên là Trần Thị Bình, nhưng hiện người này ở đâu và làm gì thì bị cáo hoàn toàn không hay biết. Chỉ đến khi bị HĐXX căn vặn “không biết người tên là Bình kia ở đâu, sao bị cáo vẫn giao cho người ta gần tỷ đồng mà không hề làm giấy tờ gì” thì bị cáo này mới chịu dứt lời chối cãi.

Tại phiên tòa cuối năm 2015 xét xử Lê Thị Ngọc Huyền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho thấy, dù không có nghề nghiệp nhưng đối tượng vẫn “ba hoa” với anh Nguyễn Đăng Định (ở phường La Khê, Hà Đông) và vợ chồng chị Trần Thị Thanh Huyền (ở quận Thanh Xuân) rằng bản thân làm việc tại một ngân hàng lớn. Trong một lần nói chuyện, Ngọc Huyền còn ra vẻ bí ẩn khi nói cho anh Định biết thông tin cơ quan đối tượng đang có chủ trương bán phát mãi ngôi nhà 2 tầng gắn với mảnh đất hơn 100m2 tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân chỉ với giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Cái giá này thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường và ngân hàng ưu tiên cho cán bộ, nhân viên mua trước. Biết vợ chồng chị Thanh Huyền đang có nhu cầu mua nhà đất, anh Định lập tức chia sẻ thông tin, đồng thời rủ vợ chồng người bạn góp tiền mua chung tài sản phát mãi. Mong muốn có được mảnh đất ưng ý, vợ chồng chị Thanh Huyền và anh Định tìm gặp Ngọc Huyền hỏi kỹ. Tại cuộc gặp ấy, Ngọc Huyền yêu cầu phải đưa trước cho đối tượng 300 triệu đồng để đăng ký đứng tên mua nhà, đất với ngân hàng. Sau đó, khi nào bên mua giao đủ tiền thì đối tượng sẽ làm thủ tục “sang tên đổi chủ”. 

Để kiểm chứng thông tin, vợ chồng chị Thanh Huyền còn tìm đến mảnh đất bán phát mãi và thấy hoàn toàn phù hợp với những gì mà Ngọc Huyền mô tả. Với việc giao kèo nêu trên, ngày 10-3-2013, tại nhà hàng Thủy Tạ (quận Hoàn Kiếm), vợ chồng chị Thanh Huyền giao cho Ngọc Huyền 300 triệu đồng. Tiếp đến, từ ngày 18-3 đến 25-10-2013, vợ chồng chị Thanh Huyền còn nhiều lần giao thêm cho Ngọc Huyền tổng số 660 triệu đồng nữa.

Cũng vào thời điểm này, do không xoay được tiền để mua chung tài sản phát mãi nên anh Định rút lui. Mặc dù đã giao tổng cộng 960 triệu đồng cho nữ cán bộ ngân hàng rởm, nhưng bên mua chờ mãi vẫn không nhận được nhà đất như thỏa thuận. Sau đó, vợ chồng chị Thanh Huyền đòi lại tiền từ Ngọc Huyền nhưng không có kết quả.

Giao gần tỷ đồng cho người không quen biết?

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã nhanh chóng chứng minh, Lê Thị Ngọc Huyền không hề có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên của ngân hàng lớn như Huyền từng mạo nhận. Hơn 100m2 đất gắn với ngôi nhà 2 tầng ở phố Vương Thừa Vũ chưa bao giờ được thế chấp hay cầm cố cho ngân hàng. Ngay cả chủ nhân của ngôi nhà cũng tỏ ra rất bất ngờ trước việc bất động sản của mình bị giao bán phát mãi... Trước tòa, Ngọc Huyền chỉ thừa nhận việc mạo nhận là cán bộ ngân hàng với anh Định.

Còn anh Định nói về bị cáo như thế nào với vợ chồng chị Thanh Huyền thì đối tượng không biết. Giải thích vì sao lại có thông tin về mảnh đất và ngôi nhà nêu trên, bị cáo trình bày là do người phụ nữ có tên Bình nêu trên cung cấp. Cũng theo lời khai tại tòa, trong tổng số tiền chiếm đoạt của vợ chồng chị Thanh Huyền, bị cáo chỉ giữ lại 30 triệu đồng, số còn lại đã giao hết cho người phụ nữ không hề biết lai lịch, nhân thân. 

Sau cùng, xét thấy lời khai của bị cáo là không có cơ sở và hành vi gây ra đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Lê Thị Ngọc Huyền 14 năm tù giam. Tòa án cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt cho vợ chồng chị Trần Thị Thanh Huyền.