Nữ bác sĩ chống chọi với một "đại dịch" rất khác ở Nigeria

ANTD.VN - Bắt đầu ngày làm việc mới, bác sĩ Anita Kemi DaSilva-Ibru và nhóm của cô đeo găng tay, khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác để gặp bệnh nhân của họ. Họ không điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng họ đang ở tuyến đầu của đại dịch, làm việc tại Quỹ quốc tế hỗ trợ Phụ nữ rủi ro (WARIF), một trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị cưỡng bức ở Lagos, Nigeria.

Bác sĩ DaSilva-Ibru từng học về phụ khoa ở Mỹ, sau đó dành phần lớn sự nghiệp của mình để điều trị cho hàng trăm nạn nhân bạo lực tình dục, nhưng chính quy mô khủng hoảng ngày càng tăng ở Nigeria đã khiến cô thành lập WARIF vào năm 2016. Phòng khám của bác sĩ Ibru ở Yaba, ngoại ô thành phố Lagos có chức năng điều trị y tế, hỗ trợ pháp lý và không gian cho nạn nhân hiếp dâm và lạm dụng tình dục.

Nữ bác sĩ chống chọi với một "đại dịch" rất khác ở Nigeria ảnh 1Bác sĩ Anita Kemi DaSilva-Ibru tại trung tâm WARIF, Nigergia

Lời khẩn cầu giữa mùa dịch

“Hiếp dâm là một dịch bệnh ở đất nước này”, DaSilva-Ibru nói với CNN. Công việc của nữ bác sĩ này trở nên căng thẳng hơn trong đợt dịch bùng phát, khi những hạn chế nhằm ngăn chặn virus lây lan làm các cuộc gọi tăng thêm. Ban đầu, trung tâm đóng cửa khi chính quyền thành phố ra lệnh phong tỏa vào tháng 3, nhưng DaSilva-Ibru đã quyết định vẫn hoạt động khi tổ chức ngập trong tin nhắn cầu cứu từ nạn nhân. Nhân viên vận hành đường dây nóng 24/24h của trung tâm cũng báo cáo số cuộc gọi tăng 64% trong giai đoạn này.

Để trung tâm mở cửa trở lại, DaSilva-Ibru đã phải kêu gọi quyên góp trực tuyến để có tiền mua bộ đồ bảo hộ, khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác. Nhưng những thách thức mà bác sĩ Ibru phải đối mặt để duy trì hoạt động của trung tâm không thể so sánh với những gì nạn nhân bạo lực tình dục đã trải qua do hậu quả của đại dịch này. Ngày đầu tiên mở lại, một phụ nữ đã đi bộ một quãng đường dài để đến được trung tâm. “Cô ấy sợ rằng có thể bị nhiễm HIV và muốn được xét nghiệm”, bác sĩ Ibru cho biết. 

Người phụ nữ đó là một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi. Một chiều chủ nhật vào tháng 4-2020, một nam đồng nghiệp đã xuất hiện trước cửa căn hộ của cô mà không báo trước. “Anh ta là bạn, không phải là người xa lạ nên tôi đã mở cửa. Tôi hỏi có gì khẩn cấp mà anh ta phải rời khỏi nhà. Người đó nói rằng chỉ muốn kiểm tra xem tình hình của tôi thế nào. Sau khi nói chuyện được vài phút, anh ta bịt miệng và tấn công tôi. Hắn còn xin lỗi sau khi đã xong việc và vội vã chuồn thẳng”, nạn nhân kể lại.

Nữ nạn nhân cho biết, cô không báo cảnh sát vì lo ngại bị kỳ thị và có thể làm cho cha mẹ lo lắng. Được giới thiệu tới trung tâm WARIF, cô được xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV. Nữ nhân viên ngân hàng ấy mất 1 tháng ốm vì khủng hoảng tâm lý và dùng thuốc.

Cuộc khủng hoảng không thể chối bỏ

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở châu Phi tồi tệ hơn. Tình huống tương tự là trong vụ dịch Ebola 2014, trẻ vị thành niên mang thai ở Sierra Leone tăng vọt. Điều phối viên về bình đẳng giới của Liên hợp quốc khu vực châu Phi khẳng định, làn sóng thất nghiệp và đóng cửa trường học đã khiến nạn nhân rơi vào tình trạng dễ bị lạm dụng hơn. Hạn chế đi lại khiến các nữ sinh bị tấn công tại nhà hoặc các gia đình nghèo khó ép buộc con gái mình trao đổi tình dục để lấy tiền ăn. 

Theo ước tính của Liên hợp quốc, ¼ số phụ nữ ở Nigeria là nạn nhân của bạo lực tình dục. Trong những tuần gần đây, 2 vụ bạo lực đã khiến dư luận phải thay đổi cách nhìn về vấn đề này. Uwaila Vera Omozuwa, nữ sinh viên 22 tuổi đã được phát hiện trong một vũng máu tại một nhà thờ địa phương khi đại dịch Covid-19 khiến các trường đại học trên khắp đất nước đóng cửa. Gia đình cho biết, những kẻ tội phạm đã hãm hiếp cô gái và nạn nhân đã chết trong khi điều trị tại bệnh viện. Vài ngày sau, một sinh viên khác, Barakat Bello, đã bị cưỡng bức và sát hại trong một vụ cướp tại nhà. 

Tuần trước, các Thống đốc tham dự Diễn đàn Thống đốc Nigeria (NGF) đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tội hiếp dâm. Đây là lần đầu tiên chính quyền liên bang và tiểu bang phát ra tiếng nói thống nhất để lên án bạo lực về giới và xác nhận quy mô của vấn đề. “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hình thức phổ biến nhất về vi phạm nhân quyền và cần được tất cả các nước công nhận. Ở Nigeria, nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia cần được quan tâm khẩn cấp. Tôi hài lòng vì điều này đã được mọi người nhận ra và công nhận”, nữ bác sĩ DaSilva-Ibru chia sẻ.

“Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hình thức phổ biến nhất về vi phạm nhân quyền và cần được tất cả các nước công nhận. Ở Nigeria, nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia cần được quan tâm khẩn cấp. Tôi hài lòng vì điều này đã được mọi người nhận ra và công nhận”, nữ bác sĩ DaSilva-Ibru chia sẻ.

Bác sĩ Anita Kemi DaSilva-Ibru (Người sáng lập trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị cưỡng bức ở Lagos, Nigeria)