NSƯT Văn Chương: Hát văn để... trừ mê tín dị đoan

ANTĐ - Bước vào nghề và trưởng thành từ sân khấu chèo, nhưng công chúng  lại biết đến NSƯT Văn Chương ở thể loại hát văn  nhiều hơn. Giữa lúc kinh tế đang khó khăn, lại nhan nhản các sản phẩm âm nhạc mới chẳng ai nghĩ Văn Chương lại tung ra thị trường  album… hát văn. 

- Chào NSƯT Văn Chương! Ra một album hát văn vào thời điểm này anh có thấy mình mạo hiểm không?

- Tôi có đối tượng khán giả riêng, và tôi chắc chắn với bạn rằng họ sẵn sàng bỏ ra 190.000 đồng để trả cho 1 album bao gồm 5CD. Có thể bạn nghĩ rằng hát văn ít khán giả, nhưng đó là số ít vô cùng trung thành. Không chỉ người trong giới, lên đồng hay hầu mẫu họ mới nghe hát văn mà nhiều người yêu thích âm nhạc dân gian thôi họ cũng nghe, hát văn có ca từ đẹp, rất gần gũi với nhân dân lao động, cung bậc âm nhạc phong phú, giàu cảm xúc, giúp con người ta có niềm tin, lạc quan, yêu đời. Tôi đã từng  phát hành bộ 4 đĩa CD vào năm 2006 và đến nay vẫn đang bán rất chạy. Không những thế nhiều người còn hỏi tôi có làm album nữa không? 

- Vậy anh làm đĩa có “lãi” nhiều không?

- Nếu về khía cạnh kinh tế thì không lỗ. Nhưng tôi không đưa yếu tố kinh tế lên hàng đầu, đó chỉ là một thước đo đánh giá sự thành công thôi. Với người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ dân gian thì sự thành công, được ghi nhận ấy phải có cả một quá trình trau dồi, khổ luyện và phải có tình cảm thật bền chặt với nghề, tuổi nghề nó phải lớn lên cùng tuổi đời chứ không đốt cháy giai đoạn như các dòng nhạc khác. Vì vậy, việc được công chúng yêu mến mới là cái “lãi” lớn.

- Anh có thể minh chứng cho việc “tuổi nghề lớn lên cùng tuổi đời” của mình?

- Tôi yêu âm nhạc dân gian từ nhỏ tí. Hồi ấy, tôi thuộc lịch các chương trình dân ca, chèo… trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nhà nghèo không có đài nên mỗi lần đài phát tôi lại ra đứng gốc cây, cột điện, chỗ treo loa để nghe cho đã tai. Sau này mới vào nghề, gặp nghệ sĩ nào là tôi nhớ hết từng tác phẩm họ đã từng biểu diễn. Tôi có hơn 30 năm học tập, rèn luyện để được công nhận. Nghệ sĩ dân gian chả ai mua danh được. Tôi chưa bao giờ hát một thể loại nhạc gì khác ngoài nhạc dân gian. 

- Hát văn có trong nghi lễ lên đồng, hầu mẫu… anh thấy ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan như thế nào?

- Nói thật là tôi rất khát khao những sinh hoạt lên đồng, hầu mẫu được đưa vào quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế các mặt tiêu cực. Có vẻ hơi giáo điều nhưng từ chính cái tâm của tôi, việc thu thanh và phát hành album hát văn cũng có một mục đích hướng những người tham gia nghi lễ này đến cái đẹp, cái hay hơn, đẩy lùi cái tiêu cực đi. Hát văn, từ ca từ, bố cục câu hát, khúc triết âm nhạc, cách hát, buông câu nhả chữ, cách gửi gắm tình cảm, cảm xúc… nó rất xa rời sự dị đoan, mê tín. Nó không những là một tác phẩm âm nhạc mà còn là một tác phẩm văn học nữa. Bạn sẽ không tìm được ở đó những ca từ mang tính thực dụng.

- Nhưng người hát văn bây giờ hơi hiếm, anh có  sợ rằng sau anh sẽ chẳng có ai hát văn?

- Không biết tôi có bi quan quá không nhưng tôi thực sự lo ngại. Đài Tiếng nói Việt Nam nơi tôi công tác cũng đang có một câu lạc bộ đàn hát dân ca nhưng cũng không có nhiều người trẻ. Cũng có một số bạn trẻ yêu thích âm nhạc dân gian nói chung và hát văn nói riêng nhưng nó hời hợt. Các bạn trẻ có thể đến với nó, nhưng đa phần học như học một cái nghề, chứ yêu để dâng hiến, yêu để sống chết thì ít lắm. Hát văn rất khó vì vậy phải có tình yêu và tự học là chính. 

- Vâng, xin cảm ơn anh!