NSƯT Quốc Hưng: Không mưu cầu nổi tiếng

ANTĐ - Nếu NSƯT Quốc Hưng không kể, ít ai ngờ giọng ca bass số một Việt Nam lại xuất thân từ sân khấu chèo. Rời xa chiếu chèo đã hơn 20 năm song đến giờ nhắc lại, Quốc Hưng bảo anh vẫn luyến lưu và nặng tình với bộ môn nghệ thuật truyền thống này lắm!

Khăn gói rẽ ngang

Ngày ấy, sau 3 năm theo học, Quốc Hưng được gọi về đoàn Chèo Hà Nội làm việc giữa lúc đoàn đang cần gương mặt có thể đảm vai chính. Thời bấy giờ “kép” chính mà có cả chất giọng đẹp lẫn ngoại hình không chê vào đâu được như Quốc Hưng quả là hiếm. Nhưng cũng là điều không may cho Quốc Hưng, đó cũng là lúc sân khấu chèo rơi vào cảnh đìu hiu ế ẩm. Có đêm chỉ có hai khách nước ngoài mua vé xem nhưng cả đoàn vẫn phải diễn, nhà hát vẫn phải sáng đèn. Cứ thế vật lộn mưu sinh, nhiều đêm diễn xong chỉ còn biết thở dài. Rồi một ngày, tình cờ sau buổi diễn, anh cùng một người bạn đi bộ lang thang qua Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, thấy có tiếng hát nên ngó vào xem. Sau này anh mới biết đó là lớp dạy thanh nhạc của NSND Quý Dương.

Quốc Hưng bảo khi ấy không hiểu ý nghĩ gì thôi thúc anh vào xin học hát và khi thầy Quý Dương đề nghị anh hát thử một bài thì anh còn “hăng” đến độ hát hẳn liền tù tì 2 bài. Nghe anh hát xong, NSND Quý Dương gật gù: “Giọng cháu rất đặc biệt, không học thanh nhạc thì hơi phí”, rồi khuyên anh nên thi vào Nhạc viện Hà Nội mặc dù ngày hôm sau trường tổ chức thi. Để chắc Quốc Hưng không bị lỡ kỳ thi, ông còn cẩn thận viết một bức thư tay bảo anh tìm gửi đúng cô giáo tên Diệu Thúy. Bức thư ngay hôm sau được anh trao đúng người và anh được hội đồng tuyển chọn đặc cách cho thi vào cuối buổi. Lần thi này, anh chọn hát lại đúng 2 ca khúc đã hát cho NSND Quý Dương nghe. Ít lâu sau nhận được giấy báo trúng tuyển, anh quyết định từ giã nghiệp chèo để khăn gói đi học nhạc. Nhiều đồng nghiệp của anh ở nhà hát Chèo tiếc, anh cũng tiếc, nhưng vẫn quyết rẽ ngang. 

Ngậm ngùi gói lại ước mơ

Quốc Hưng bảo anh không thấy chạnh lòng chút nào khi không thành “sao” và cũng chưa bao giờ tìm mọi cách để trở nên nổi tiếng. Bởi với anh điều mà anh tâm huyết nhất là làm “người lái đò” chở âm nhạc đến với học trò. Những kịch mục, chương trình cần đến giọng bass trầm nhất  Việt Nam, người ta vẫn phải tìm đến anh nhờ thể hiện, vậy nên anh vẫn có đất diễn riêng của mình. Điều anh tiếc nhất là nhiều năm nay anh ấp ủ làm một album riêng về dòng nhạc sở trường thính phòng cổ điển nhưng vẫn chưa làm được vì quá khó. Ngay cả Nhạc viện bây giờ đã có phòng thu tối tân hiện đại nhưng để thu cả dàn nhạc giao hưởng vẫn là điều không tưởng. Thế nên anh đành ngậm ngùi gói lại ước mơ ấy.

Gặp NSƯT Quốc Hưng gần đây, nghe anh khoe vừa làm xong đĩa nhạc mà anh âm thầm chuẩn bị trong suốt 2 năm qua. Anh chia sẻ album “Những bản tình ca đỏ” là món quà mà anh muốn gửi tặng người cha quá cố - một người lính bộ đội Cụ Hồ đã đi qua chiến tranh cùng những đồng đội của ông. Đó còn là tấm lòng tri ân mà anh muốn gửi đến người mẹ đã bao năm vất vả làm lụng, gánh vác việc nhà để cha anh yên tâm dành trọn cuộc đời cho đất nước. Nhiều lần anh đã khóc trong phòng thu vì cảm động mỗi khi nghĩ đến điều đó. 

Những ngày vừa rồi, anh cũng vừa hoàn tất những cảnh quay cuối cùng cho đĩa DVD này. Và điều đặc biệt ít ai biết, hàng chục diễn viên tham gia diễn xuất trong DVD cũng chính là học trò của anh tại trường Nhạc, và bối cảnh chủ đạo lại được tìm ra nhờ… một đám cháy. Đó là khi chiếc xe ôtô chở êkip trên đường đến địa điểm quay tại rừng Quốc gia Ba Vì thì bỗng dưng bốc cháy dữ dội. Sau khi đám cháy được dập tắt, mọi người mới vô tình phát hiện ra gần đó có bìa rừng rất đẹp và quyết định đổi điểm quay. Cũng bởi vậy mà Quốc Hưng nói vui: “Trong cái rủi lại có cái may”. DVD trình làng vào đầu tháng 1-2014 cũng là món quà xuân mà anh muốn gửi đến những người yêu nhạc.