NSƯT Công Bẩy: Không muốn nói suông

ANTĐ - Là Trưởng đoàn mới của Đoàn Kịch nói CAND, anh đang có tham vọng đưa hình ảnh của Đoàn Kịch nói CAND đi xa hơn và rộng rãi hơn trong công chúng. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Công Bẩy về hướng đi tiếp theo của đoàn.
 

- PV: Trở thành Trưởng đoàn mới của Đoàn Kịch nói CAND với anh có bất ngờ?

- NSƯT Công Bẩy: Tuy việc làm trưởng đoàn đã nằm trong diện quy hoạch cán bộ dài hơi của Đoàn Kịch nói CAND nhưng khi chính thức nhận nhiệm vụ vẫn khiến tôi thấy hồi hộp và có phần lo lắng. Nhận quyết định Trưởng đoàn là đồng nghĩa với áp lực lớn, chèo lái một đoàn nghệ thuật đi đúng hướng và đảm bảo cuộc sống cho anh em nghệ sỹ trong tình hình sân khấu khó khăn như hiện nay.

- Vậy chắc sẽ có nhiều vở diễn được ra đời và nhiều hợp đồng biểu diễn được ký kết?

- Việc tăng thêm thu nhập cho nghệ sỹ chắc không thể trông mong vào tiền phụ cấp của Nhà nước. Nhưng việc tăng vở diễn cũng khó thực hiện khi lực lượng diễn viên của đoàn còn mỏng và không dàn dựng được những vở diễn quy mô. Một vở diễn cần tới 40-50 người đã khiến lãnh đạo đoàn chạy đôn chạy đáo tìm và thuê diễn viên ngoài. Vì thế, sẽ chỉ còn cách là tăng hợp đồng biểu diễn với các đơn vị trong và ngoài ngành để tăng thu nhập cho anh em nghệ sỹ.

- Sao Đoàn Kịch nói CAND không huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để dựng vở?

- Từ trước tới nay, mọi hoạt động của đoàn đều trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp từ Bộ Công an và chưa từng nhận được bất cứ nguồn xã hội hóa nào. Trong khi đó, việc dựng vở để nhận được nguồn thu xã hội hóa thường đi kèm với điều kiện như vở diễn mang hơi hướng của đơn vị tài trợ. Nên chúng tôi cũng đắn đo vì Đoàn Kịch nói CAND là đơn vị nghệ thuật phục vụ trong ngành công an sau đó mới là công chúng ngoài ngành. Trước mắt, chúng tôi vẫn liệu cơm gắp mắm để lo cho đời sống của anh em.

- Tuy đi biểu diễn nhiều nhưng các nghệ sỹ của Đoàn Kịch nói CAND vẫn được biết đến như những người chiến sỹ “lặng lẽ”. Anh có thấy như vậy không?

- Việc quảng bá hình ảnh về các chương trình biểu diễn của đoàn rất cần thiết. Nhưng thời điểm hiện tại chúng tôi chưa muốn bung ra. Chúng tôi đang bắt đầu từ việc gây dựng uy tín bằng các vở diễn có chất lượng và có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng.

Vở kịch nói “Hoa thép” đã từng gây tiếng vang trong công chúng khi khắc họa

hình ảnh người nữ chiến sỹ CAND

- Được biết, hiện nay các đoàn nghệ thuật trong toàn quốc đã thành lập nhà hát, trong khi Đoàn Kịch nói CAND vẫn chưa thấy… có tên?

- Ý tưởng xây dựng Nhà hát Kịch nói CAND là mục tiêu của nhiều năm trước, được anh Trần Nhượng đặt ra, nhưng thực lực của đoàn chưa kham nổi. Tôi sẽ tiếp nối ý tưởng này của anh Trần Nhượng. Việc đầu tiên cần làm là xây dựng đội ngũ con người của Nhà hát kịch, các chiến sỹ nghệ sỹ xứng tầm cấp độ nhà hát, bằng những vở diễn uy tín và mô hình tổ chức kiện toàn. Có được 3 điều này, việc xây dựng một Nhà hát Kịch nói CAND sẽ không gặp nhiều khó khăn.

- Theo anh, để các vở diễn về người chiến sỹ CAND tiếp cận gần hơn với công chúng cần có sự thay đổi như thế nào?

- Tôi nghĩ cần có sự đột phá mang tính logic. Tính logic ở đây được hiểu là việc căn cứ vào thực tại để đột phá chứ không thể nói suông với nhau. Với Đoàn Kịch nói CAND, việc đột phá sẽ bắt đầu từ khâu xây dựng con người, các nghệ sỹ và đặc biệt là các vở diễn. Một năm ít nhất đoàn cũng cần ra được vài vở diễn gây uy tín trong giới nghệ thuật cũng như với công chúng. Từ tiếng vang này sẽ như một thứ “Hữu xạ tự nhiên hương”, thu hút công chúng đến với các vở diễn của đoàn.

- Xin cảm ơn anh!