NSUT Chí Trung nhận cát-xê "khủng" cho 15 phút diễn

ANTĐ - "15 phút diễn trên sân khấu, tôi nhận cát-xê 20 triệu đồng, mỗi tháng tôi chỉ cần kiếm 2 vở như thế là sống khỏe", NSƯT bật mí.

Sống tốt bằng nghề

- Được biết vở "Đàn ông cũng khóc" do anh dàn dựng để dự "Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012" được đánh giá khá tốt, nó mang lại nét tươi mới cho liên hoan, mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem. Nghĩ lại, anh có thấy mình liều không bởi liên hoan thường là nơi mà chỉ có những vở chính kịch và những hình tượng nghiêm túc tỏa sáng?

- Cảm ơn khán giả đã yêu mến tôi. Tôi nghĩ rằng tôi xứng đáng với niềm tin yêu của khán giả. Tôi không nghĩ rằng mình đã thành công tại Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp 2112 tại Huế. Mỗi người đặt một tiêu chí khác nhau khi tới dự liên hoan, tiêu chí ca ngợi những con người mới, những anh hùng này nọ nhưng riêng bản thân tôi, tôi chẳng ca ngợi anh hùng cũng chẳng ca ngợi con người mới nào cả.

Tôi cố tình mang vở hài kịch Đàn ông cũng khóc đi liên hoan để chứng minh một điều rằng, các anh nhầm rồi, sân khấu của các anh chỉ đem lại niềm vui cho chính các anh, khán giả họ đâu cần điều đó. Khán giả cần những gì thực tế hơn, tôi đang làm tất cả để đến gần khán giả hơn mặc dù vở Đàn ông cũng khóc chưa phải là vở xuất sắc. Khán giả bây giờ cần những thứ mang tính giải trí, những điều mang tính dự báo đúc kết trong cuộc sống hàng ngày nhưng sân khấu không làm được điều này nên sân khấu mới tụt dốc.

Danh hài Chí Trung tiết lộ cát-xê khủng
Danh hài Chí Trung
- Sân khấu tụt dốc theo anh do việc nở rộ các chương trình truyền hình thực tế như hiện hay do khâu kịch bản, đạo diễn, PR chưa tốt, hay còn nguyên nhân nào nữa, theo anh?

- Đó là xu thế tất yếu của các nước và Việt Nam cũng không ngoại lệ, chúng ta phải chấp nhận sự thật này. Thực ra, sản xuất những chương trình truyền hình thực tế cũng có niềm vui và nỗi buồn của nó. Sân khấu chiếm một phần rất (nhấn mạnh tới 5 lần chữ "rất" - PV) nhỏ trong nhu cầu khán giả hiện nay. Nhưng tôi tin, không vì thế mà sân khấu sẽ bị tiêu diệt, đến một lúc nào đó, khi khán giả có nhu cầu giao thoa, hưởng thụ, lan tỏa trong khán phòng thì chỉ đến sân khấu, nhu cầu đó mới được đáp ứng, điều này, truyền hình không thể có được. Và như thế, tự khán giả sẽ đến rạp hát.

Nguyên nhân khiến các sân khấu "tắt đèn" thì có nhiều, giống như cặp vợ chồng trục trặc, không hòa hợp trong quan hệ tình dục vậy. Có thể do phòng không có phòng riêng, con cái quấy, do điều kiện thổ cư, cơ quan bận, không được thăng chức... Không nên cứ tìm một nguyên nhân để đổ lỗi. Tôi nghĩ, sân khấu "tắt đèn" cũng là một tất yếu. Khi nào khán giả mong muốn có sự chia sẻ, sự giao thoa trong khán phòng, lúc đó, sân khấu sẽ "đỏ đèn".

- Sân khấu kịch đang tụt dốc thế, là một người tâm huyết với sân khấu kịch, nhất là hài kịch anh có sống được bằng nghề?

- Tôi vẫn sống rất tốt bằng nghề. Còn tốt thế nào tùy từng người. Tôi sống bằng chính những thành công trên sân khấu, bằng thành công của Nhà hát Tuổi trẻ. Ví dụ, một buổi diễn, tôi diễn 15 phút, tôi nhận được thù lao 20 triệu đồng. Một tháng tôi chỉ cần có 2 suất diễn là sống khỏe. Đó là mơ ước của nhiều cán bộ bây giờ, 20 triệu đồng của tôi kiếm được bằng họ làm trong mấy tháng. Nhưng tôi lại không lấy đó là niềm vui. Lẽ ra nghệ thuật phải tự thân nó, người nghệ sĩ phải sống bằng chính những vai diễn hàng đêm, những suất diễn mỗi ngày và những vở diễn mang tính thời đại, mang tính giáo dục, mang tính dự báo. Đó là điều đau đáu nhất hiện nay của tôi.

Danh hài Chí Trung tiết lộ cát-xê khủng
Kịch cho người lớn lẫn thiếu nhi đều ít đất diễn
Đừng kết tội sân khấu Hà Nội

- Kịch cho người lớn đìu hiu là thế, kịch dành cho thiếu nhi lại ngày càng èo uột hơn, mang tính mùa vụ. Sân khấu kịch Hà Nội đang "bất khả thi" trong việc xoá bỏ tính mùa vụ của kịch thiếu nhi?

- Chẳng riêng gì Hà Nội, sân khấu kịch thiếu nhi Sài Gòn hơn gì? Chỉ có mỗi sân khấu Idecaf là còn dựng vở để "kinh doanh thiếu nhi"? Hà Nội gọi là sân khấu thiếu nhi vì vẫn làm vở một cách tử tế, có bài bản, giá vé hợp lý chứ Sài Gòn gọi là "kinh doanh thiếu nhi" hợp hơn. Đừng kết tội mỗi sân khấu Hà Nội mùa vụ trong kịch thiếu nhi, mùa vụ nhưng sân khấu kịch dành cho thiếu nhi ở Hà Nội còn sôi động gấp nhiều lần Sài Gòn như các rạp Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Công nhân, Đại Nam...

- Vì có tính chất mùa vụ nên các chương trình được dàn dựng sát ngày, không được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản đến diễn viên. Một chương trình giải trí dành cho thiếu nhi muốn hay thì phụ thuộc vào những yếu tố nào?

- Mỗi chương trình chúng tôi làm cho thiếu nhi đều có kế hoạch đi trước đón đầu rất đàng hoàng, vở thường được dựng từ cách đó tới 2 tháng nên không thể gọi là mang tính thời vụ. Chỉ có tư nhân họ quan tâm tới lợi nhuận, tiết mục, gương mặt, thời điểm thì làm ăn kiểu đó mới gọi là thời vụ.

- Hiện nay, có quá ít chương trình dành cho thiếu nhi trong chính mùa vụ của nó (1/6, Rằm trung thu) hay, chính điều này là nguyên nhân khiến con đường tiếp cận, lôi kéo khán giả nhỏ tuổi đến với sân khấu kịch càng khó khăn hơn?

- Chúng tôi đã nhìn thấy điều này và bản thân nhà hát Tuổi trẻ đang làm điều này. Cứ 2 tuần một lần, vào sáng Chủ nhật, Nhà hát tuổi trẻ có chương trình dành cho các bạn trẻ. Sau mỗi buổi, các bạn trẻ có thể lên sân khấu chụp ảnh với nghệ sĩ, chụp ảnh những nhân vật yêu thích... để có gắng làm sao nuôi dưỡng niềm yêu của khán giả nhỏ tuổi. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, nếu không có khán giả kế cận sân khấu sẽ "chết".- Rằm trung thu sắp tới, anh có dựng vở nào cho thiếu nhi không?

Các đoàn ở nhà hát tuổi trẻ có dựng chương trình ca nhạc tạp kỹ Ông trăng ơi, xuống đây chơi 2012 , Cổ tích cười 2. Tôi tham gia chỉ đạo dựng Diêm Vương đại náo cung trăng.

- “Diêm Vương đại náo cung trăng” có gì khác so với những vở thiếu nhi những năm trước?

- Năm nay, tôi cũng nói đến chị Hằng nhưng thêm cả nhân vật.... Diêm Vương. Vở diễn là câu chuyện kể về cuộc hành trình lên cung trăng kết bạn với Hằng Nga của Diêm Vương và những đệ tử. Tại đây đã diễn ra những cuộc đấu trí hết sức vui nhộn và hấp dẫn giữa những nhân vật: Diêm Vương, Pháp sư, tiểu quỷ, chú Cuội, Thỏ Ngọc, chị Hằng Nga và Thiên Bồng nguyên soái…

- Có phải làm kịch cho thiếu nhi là lỗ không?

- Lỗ nặng là đằng khác.

- Lỗ sao anh còn làm?

- Đây là một câu hỏi rất khó trả lời nhưng rất hay bởi vì sao? Bạn thấy đấy, mỗi gia đình đều đặt niềm tin, đều trông mong vào một thế hệ trẻ, chúng tôi cũng vậy, chúng tôi đang đầu tư vào thế hệ trẻ, đầu tư vào lớp khán giả kế cận.