NSND Trung Hiếu nói về sự nghiệp và hỷ sự ở tuổi 46

ANTD.VN - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Hiếu không là cái tên quá xa lạ đối với khán giả truyền hình và sân khấu. Thời gian một năm trở lại đây, anh đã được bổ nhiệm chính thức vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Cũng trong đầu xuân năm mới, NSND Trung Hiếu còn có hỷ sự ở tuổi 46, lấy vợ kém 19 tuổi và anh cũng đã có những tâm sự về cuộc sống hôn nhân.

 Cực đoan và khắt khe với nghề

NSND Trung Hiếu nói về sự nghiệp và hỷ sự ở tuổi 46 ảnh 1

- PV: Nhìn lại thời gian hơn 1 năm được bổ nhiệm chính thức là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, anh có hài lòng với những gì mình đạt được?

- NSND Trung Hiếu: Năm 2018, Nhà hát dựng 4 vở, 2 vở chính kịch, 1 vở hài kịch và 1 vở thiếu nhi và đều đạt giải cao tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Rất nhiều Huy chương Vàng tập thể và Huy chương Vàng cá nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn làm thêm 3 chương trình lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị, tất cả đều thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, năm nay nhà hát cũng đã “lấn sân” sang cả mảng hài kịch và kịch thiếu nhi. Đây có thể xem là một thay đổi với chính bản thân tôi và cả anh em Nhà hát Kịch Hà Nội. 

Nói thật, trước đây tôi khá cực đoan và khắt khe với nghề. Ngày xưa mà bảo tôi làm gì khác ngoài sân khấu là tôi không bao giờ làm. Làm phim thì phải là phim truyện nhựa và kịch thì cũng phải kịch chính luận.

- Vậy lý do gì một người quyết tâm theo hướng chính kịch như anh lại quyết định lựa chọn thêm cả mảng hài kịch, mà vốn dĩ Nhà hát Kịch Hà Nội không mạnh về hài kịch?

- Tôi nhận ra một điều, cuộc sống không thể bó buộc mình trong một giới hạn. Nghệ sĩ phải đa dạng và phong phú với nhiều nét diễn. Và dù đóng phim hài hay kịch hài thì mình cũng đang làm nghề chứ không phải làm trái nghề. Bên cạnh đó, còn cuộc sống, còn mưu sinh và còn phải nuôi sống gia đình. Quan trọng nhất, đó chính là khán giả muốn được xem mình biểu diễn trong nhiều thể loại và nhiều sản phẩm nghệ thuật. Từ những điều đó mà tôi đã quyết định thay đổi cách thức hoạt động của Nhà hát Kịch Hà Nội. 

- Năm 2019, Nhà hát kịch Hà Nội sẽ có những đổi mới nào?

- Tôi mơ ước xây dựng nhà hát trở thành một nhà hát đa năng chứ không chỉ bó gọn trong chính kịch hoặc hài kịch. Chính vì vậy, trong năm 2019 này, tôi sẽ đa dạng các vở diễn ở nhà hát, có kịch mục cho thiếu nhi… Trong thời gian sắp tới, Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu, sẽ đơn giản thôi nhưng toát lên được sự sang trọng vốn có về kịch mục của nhà hát. Đặc biệt, nhà hát cũng sẽ cho sửa sân khấu thành sân khấu xoay.

- Lý do nào mà anh quyết định “mạo hiểm” thay đổi cả một sân khấu vốn đã lâu đời của nhà hát, khi sửa thành sân khấu xoay?

- Tôi có vào TP.HCM công tác và thấy nhà hát trường Đại học Sân khấu TP.HCM có sân khấu quay nhưng chỉ có một thớt xoay tròn thôi mà các cảnh đã rất sinh động, cuốn hút rồi. Điều này gây ấn tượng với tôi rất lớn và tôi bị lôi cuốn.  Khi quay trở lại Hà Nội, tôi vẫn ấp ủ có ngày mình được thực hiện điều đó ngay thánh đường nghệ thuật của nhà hát mình đang công tác. May mắn, khi tôi đưa ra đề án sửa nhà hát lên cấp trên đã được các cấp lãnh đạo chấp thuận. Tất nhiên còn nhiều hạng mục khác nhưng có hạng mục sửa sân khấu thành sân khấu xoay là tôi vui mừng rồi!

Mong năm mới sân khấu Việt sẽ có bước chuyển mình tích cực

NSND Trung Hiếu nói về sự nghiệp và hỷ sự ở tuổi 46 ảnh 2

- Anh đánh giá thế nào về sân khấu kịch thời gian gần đây?

- Không chỉ riêng kịch mà nhiều loại hình sân khấu khác cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là sân khấu đang thiếu cả đạo diễn giỏi lẫn những kịch bản hay. Ngoài ra, sân khấu kịch hiện nay đang đứng trước một nỗi lo về tài chính.

Bây giờ các đoàn hầu như không có đoàn kịch nói riêng nữa, mà trở thành tạp kỹ rồi, ca múa nhạc kịch đều phải ghép lại. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã có được những vở kịch rất hay, rất xuất sắc nhưng công chúng vẫn chưa đến thưởng thức do nhiều lý do. Nhiều vở diễn hay mà số lượng người biết tới vở diễn không nhiều. Có đêm diễn, người nghệ sĩ nhìn xuống sân khấu toàn thấy gia đình, người quen tới ủng hộ. Họ chờ đợi khán giả biết tới kịch nhiều hơn.

Với tình trạng đó, trong khi sắp tới, tất cả các nhà hát đều thực hiện xã hội hóa, phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, không biết sân khấu kịch sẽ đi đến đâu? Tuy nhiên,  với một người làm nghề, gắn bó với sân khấu tôi vẫn mong muốn năm mới sân khấu Việt sẽ có những bước chuyển mình tích cực.

- Với thực tế đó, sau hơn 2 năm đảm đương nhiệm vụ “chèo lái” Nhà hát Kịch Hà Nội có gây cho anh quá nhiều áp lực?

- Tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ đam mê với công việc. Mọi áp lực trong cuộc sống và công việc phải giải quyết một cách hài hòa, biến những thứ khó khăn thành mục tiêu phấn đấu. Với vị trí là người đứng đầu nhà hát, tôi trăn trở làm sao để nâng cao được đời sống vật chất lẫn tinh thần cho anh chị em nghệ sĩ, công nhân viên. Tiếp đến, phải tạo ra nhiều công ăn việc làm cho 120 con người của nhà hát. Thời gian tới, nếu bắt buộc phải tự chủ thì phải làm sao để không bị lệch hướng. Chúng tôi cũng đã đề ra rất nhiều phương án để vượt qua khó khăn vì không thể cùng một lúc mà tự chủ ngay được.

Nhà hát của tôi hiện có 3 đoàn và nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hoặc dựng vở kéo khán giả đến rạp thì quả thực rất khó khăn. Chúng tôi phải xoay xở rất nhiều phương án khác nhau để đảm bảo đời sống cho anh em. 

- Diễn viên sân khấu vì thu nhập thấp nên phải “chạy” show bên ngoài, điều này có gây cho anh khó khăn về quản  lý nhân sự?

- Tôi luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các diễn viên của nhà hát tham gia các hoạt động thuật khác như đóng phim, đóng hài… Đây cũng là một cách để quảng bá thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, vừa để tạo điều kiện cho anh chị em có thêm thu nhập. Mọi người đi làm bên ngoài nhưng khi nhà hát dựng vở thì kể cả anh chị em có nhận lịch bên ngoài vẫn phải đảm bảo công việc của mình tại nhà hát. Tôi luôn có suy nghĩ, anh chị em đóng phim cũng là làm nghề. Sự thành công của mỗi vai diễn dù gắn với hình ảnh cá nhân nhưng cũng là hình ảnh của nhà hát.

Chúng tôi rất tự hào là Nhà hát Kịch Hà Nội đang quy tụ rất nhiều diễn viên thành công trên phim ảnh như NSƯT Công Lý, NSƯT Thu Hà, Kiều Thanh, Thiện Tùng, Hồng Đăng, Chí Nhân… Mặc dù là những “ngôi sao màn ảnh” nhưng các anh chị em rất có ý thức trong công việc chung của nhà hát. Khi nhà hát có việc là tất cả mọi người sẵn sàng gác lại công việc ở ngoài để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

 Vợ tôi là người biết thông cảm!

- Mới đây, anh có hỷ sự, cưới vợ ở tuổi 46, anh có thể chia sẻ về tin vui này?

- Chúng tôi đã có 4 năm hẹn hò trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Vợ tôi quê Sơn La, kém tôi 19 tuổi và hiện giờ cô ấy đang làm ngân hàng. 

- Công việc của nhà hát chiếm khá nhiều thời gian của anh, điều này có khiến cô ấy phàn nàn?

- Vợ tôi là người biết thông cảm! Dù chúng tôi có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng trong suy nghĩ, quan điểm sống không có nhiều chuyện khác biệt. Công việc bận rộn, là nghệ sĩ càng những ngày lễ lại phải đi làm vắng nhà nhưng cô ấy cũng rất hiểu cho công việc của tôi.

- Cảm ơn NSND Trung Hiếu!

“Tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ đam mê với công việc. Mọi áp lực trong cuộc sống và công việc phải giải quyết một cách hài hòa, biến những  khó khăn thành mục tiêu phấn đấu”. 

Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu