NSND Trọng Khôi ra đi: Còn một ước mong dang dở

ANTĐ - Thứ bảy vừa qua, chúng tôi đến thăm NSND Trọng Khôi khi anh đang điều trị ở Viện Tim mạch - bệnh viện Bạch Mai, chị Bình vợ anh lạc quan về những chuyển biến tích cực trong phác đồ điều trị của bác sĩ và tin tưởng anh Khôi sẽ chóng bình phục. Chị hẹn chúng tôi lại đến thăm anh vài ngày tới. Không ngờ, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào 8h sáng 14-3-2012, thọ 69 tuổi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và đông đảo công chúng hâm mộ.

Vai diễn cuối cùng trong cuộc đời NSND Nguyễn Trọng Khôi là vai Lê Thái Như trong “Huyền sử Thiên Đô” bộ phim truyền hình dài 70 tập, với nội dung xoay quanh con người và sự nghiệp vua Lý Công Uẩn - người khai sinh ra kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý.  

Con đường đưa Trọng Khôi trở thành nghệ sĩ kịch bắt đầu từ thời anh học tiểu học. Ông giáo dạy Khôi rất thích dàn dựng những vở diễn để minh họa cho bài giảng, nên mới 7 tuổi Khôi đã được thầy chọn đóng nhiều vai. Lớn lên, như có duyên với sân khấu, anh tham gia vào các đội kịch của trường, của khu phố... Rồi như một lẽ tự nhiên, học hết cấp 3 anh thi vào trường Sân khấu điện ảnh, sau đó được cử đi học ở Liên Xô. Nhưng chuyến du học bị hoãn, Trọng Khôi trở lại tiếp tục học trong nước.

Ở trong nước, anh được học nghề sân khấu bởi những người thầy nổi tiếng như: Đình Quang, Dương Ngọc Đức… mà đặc biệt là sự truyền dạy “đúp” của hai cha con đạo diễn “khổng lồ” Thế Lữ và Nguyễn Đình Nghi. Điều đặc biệt là, anh và NSND Trần Tiến được học Văn trước khi bước vào học nghề Sân khấu, hiếm nghệ sĩ nào chăm đọc sách kinh điển mà lại có riêng một kho sách khổng lồ về Văn học và nghệ thuật như Trọng Khôi. Đây cũng là những người thầy đã góp phần làm nên tài năng và nhân cách nghệ sĩ của Trọng Khôi. Với những vai diễn để đời: Việt trong vở “Đôi mắt”, Đialốp trong “Khúc thứ ba bi tráng”, Êrôstrat trong “Vụ án người đốt đền”, vai đạo diễn trong vở “Đời nghệ sĩ” và đặc biệt khán giả yêu sân khấu không thể quên hình ảnh Trương Ba trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” do Nguyễn Đình Nghi đạo diễn…

Ngoài ra, NSND Nguyễn Trọng Khôi còn đi biểu diễn giao lưu quốc tế ở các nước: Philippines, Nga, Mỹ và được trao tặng bằng khen “Nghệ sĩ xuất sắc nhất Liên hoan Sân khấu Quốc tế Moskba năm 1990”. Không chỉ hoạt động tích cực ở lĩnh vực sân khấu, NSND Nguyễn Trọng Khôi còn đóng góp nhiều vai diễn hay cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà, trong đó, một số vai diễn rất thành công như: Thiếu tá Khanh trong phim “Trừng phạt”, Trung tá Thi trong “Huyền thoại về người mẹ”; Bảy Tú trong “Săn bắt cướp”; Ba Đức trong “Đứng trước biển”, đặc biệt là vai Nghị Hách trong phim “Giông tố”... Anh cũng tham gia dàn dựng nhiều vở diễn cho các nhà hát và các đoàn nghệ thuật khác, đồng thời tham gia giảng dạy, đào tạo các diễn viên trẻ tại các trường Cao đẳng, Đại học Sân khấu điện ảnh. 

NSND Nguyễn Trọng Khôi sống hiền từ, đôn hậu nhuộm chút hoài cổ và tâm linh. Có thể nói anh là một nghệ sĩ “công thành, danh toại”, nhưng đối với anh thỏa nguyện nhất có lẽ là việc vợ chồng anh cùng với họ tộc xây dựng được ngôi từ đường họ Nguyễn trên phần hương hỏa của tổ tiên để lại tại quê hương Kim Đồng, nơi “chôn nhau cắt rốn” của anh. Nhà thờ tổ Nguyễn tọa lạc ở thế đất đẹp nhất làng. Trên hai cột cổng lớn của từ đường, đắp nổi đôi câu đối do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng soạn tặng; Tôi được anh Trọng Khôi mời thiết kế mẫu chữ Quốc ngữ kiểu “Triện” nổi cho đôi câu đối này. Cùng với những bức tranh chân dung tôi vẽ tặng anh là những kỷ niệm thân thiết của tình bạn giữa chúng tôi từ thuở cấp 3 là học trò thầy Nguyễn Vinh Phúc - nhà nghiên cứu uyên thâm về Hà Nội. 

Với NSND Trọng Khôi có một ước mong chưa thực hiện được, đó là dự án biểu diễn xuyên Việt gồm các trích đoạn, những vai diễn xuất sắc của Trọng Khôi. Đề cương và kịch bản do nhà thơ Phạm Tiến Duật (em rể NSND Trọng Khôi) viết và trực tiếp dẫn chương trình. Công việc đang trong giai đoạn chuẩn bị thì nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm trọng bệnh và qua đời. Sau đó, sức khỏe của Trọng Khôi cũng không cho phép anh thực hiện một chương trình biểu diễn lớn, trên suốt chiều dài đất nước. Tuy vậy, NSND Nguyễn Trọng Khôi vẫn hoàn toàn có quyền tự hào về cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật thành công của một nghệ sĩ kịch chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 - quê xã Kim Đồng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thời Pháp thuộc, họ Nguyễn ở Kim Đồng nhiều gia đình rất giàu sang. Có người bỏ tiền để xây Sân vận động Hàng Đẫy. Trong khi đó, ông nội của Trọng Khôi tuy là trưởng họ, nhưng gia cảnh lại bần hàn. Cha Trọng Khôi chỉ là một công chức nhỏ, nhà đông miệng ăn, nên mới 15 tuổi Khôi đã phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm sống và phụ giúp gia đình.