NSND Trịnh Thịnh: Từ nhân viên ngân hàng đến "ông già quê" của điện ảnh Việt

ANTĐ - Sinh năm 1926, tuy không được đào tạo bài bản về diễn xuất, nhưng với vốn sống phong phú, năng khiếu và sự khổ luyện, NSND Trịnh Thịnh là một trong những cái tên kỳ cựu nhất của nền điện ảnh Việt Nam. 
Trịnh Thịnh sinh vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân, lớn lên tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông theo học "trường Tây" do Pháp mở. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy nhiên, các hoạt động điện ảnh của Việt Nam khi đó còn rất hạn chế, bó hẹp trong vài buổi chiếu phim công cộng ở các rạp Hàng Da, Hàng Quạt, những nơi Trịnh Thịnh thường lui tới khi còn là một cậu bé. 

NSND Trịnh Thịnh nổi tiếng với vai ông Củng trong phim "Vợ chồng anh Lực", cái tên đã thành biệt hiệu mỗi khi nhắc đến ông

"Mọi người cũng đừng nghĩ diễn viên chỉ cần chút năng khiếu là đủ, điều quan trọng là phải biết học hỏi, chịu khó quan sát, nghiêm khắc với chính bản thân. Tôi không biết nghiêm khắc với chính mình có phải là điều tốt với tất cả mọi người hay không, nhưng riêng với tôi, điều đó vô cùng quan trọng".

(Trích lời NSND Trịnh Thịnh)

Trước năm 1954, Trịnh Thịnh làm việc ở Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine). Sau 1954, Ngân hàng Đông Dương ngừng hoạt động, ông làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống cho tới khi trúng tuyển cuộc thi tuyển diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô vào năm 1956 và bắt đầu tham gia vào hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp với tư cách diễn viên lồng tiếng. 
Thế nhưng, vai diễn đầu tiên của ông lại đến từ sân khấu kịch Hà Nội năm 1945 với vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng Topaze của văn hào Pháp Marcel Pagnol. Các diễn viên có "máu mặt" của đoàn kịch nói Trung ương thời bấy giờ đến xem vở Thầy Tú hôm đó đều lấy làm bất ngờ trước sự thành công của ông trong một vai bi hài rất khó diễn xuất. 

NSND Trịnh Thịnh: Từ nhân viên ngân hàng đến "ông già quê" của điện ảnh Việt ảnh 2
NSND Trịnh Thịnh trong phim "Vợ chồng A Phủ"


"Dường như tướng mạo của tôi thích hợp những vai diễn dân quê, nên một số đạo diễn thường nghĩ ngay đến tôi khi cần đến cụ già nhà quê nào đó trong bộ phim của họ. Tôi mừng vì điều đó, như vậy là mình đã tạo được nét đặc trưng riêng, phong cách riêng, điều mà bất cứ người diễn viên nào cũng mong có được".

(Trích lời NSND Trịnh Thịnh)

Cũng trong năm 1956, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia. Không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, Trịnh Thịnh đã vào vai khá thành công. 
Trịnh Thịnh có vốn sống rất phong phú, và đó là lý do ông đã thành công trong nhiều vai diễn có số phận hoàn toàn trái ngược, hạnh phúc lẫn khổ đau, bi thương và sung sướng. Khi là một lão thuyền chài cả đời u uất trong Lời nguyền một dòng sông, có lúc ông lại là một ông phó chủ tịch huyện háo danh trong Thị trấn yên tĩnh, là ông nội Bờm trong Thằng Bờm diễn mà như không diễn. Đặc biệt, vai diễn ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực đã trở thành “biệt hiệu” riêng của nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh trong lòng công chúng. Ngoài ra, ông có hàng loạt một vai diễn ấn tượng khác trong các bộ phim kinh điển như Vợ chồng A Phủ, Chị Dậu, Lá ngọc cành vàng, Đêm hội Long trì, Giông tố...

NSND Trịnh Thịnh: Từ nhân viên ngân hàng đến "ông già quê" của điện ảnh Việt ảnh 3
NSND Trịnh Thịnh trong phim "Thị trấn yên tĩnh"


"Khi diễn, tôi diễn sao cho giống như mình đang sống cuộc đời của nhân vật, chứ không phải cuộc sống của mình nữa".

(Trích lời NSND Trịnh Thịnh)

Trịnh Thịnh còn được mời góp mặt trong tác phẩm Xích lô của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng và bộ phim nổi tiếng Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier. Trong đó, tác phẩm Xích lô đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia vào năm 1995 và có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ. Còn Đông Dương, danh giá hơn, là bộ phim đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1992.
Tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 diễn ra năm 1988, ông được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất, với vai diễn ông phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng BờmNghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu năm 1989. Với những cống hiến của mình cho nền điện ảnh nước nhà, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997. 

NSND Trịnh Thịnh: Từ nhân viên ngân hàng đến "ông già quê" của điện ảnh Việt ảnh 4
NSND Trịnh Thịnh trong phim "Lá ngọc cành vàng"


Phim cuối cùng ông vào vai chính là Tết này ai đến xông nhà do Trần Lực đạo diễn, ra rạp năm 2002. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và vắng bóng khỏi màn bạc. 

Hơn 10 năm qua, kể từ khi vắng bóng khỏi màn bạc, ông chống chọi với rất nhiều căn bệnh của tuổi già. Ông từng cắt bỏ túi mật (2007), bị ngã gãy xương đùi (2011), nhồi máu cơ tim (2012), thậm chí có hai lần ốm thập tử nhất sinh... Ông cũng 4 lần phải nhập viện cấp cứu và tưởng chừng không thể qua khỏi.

Ông trút hơi thở cuối cùng vào 9h20 sáng 12-4 tại bệnh viện Bạch Mai. Lễ tang của NSND Trịnh Thịnh sẽ diễn ra vào 14h45 ngày 15-4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).