NSND Trần Ngọc Giàu: Không khó để thi tài cùng đạo diễn Hà Nội

ANTĐ - NSND Trần Ngọc Giàu là đạo diễn duy nhất của miền Nam liên tiếp nhận được các lời mời dựng vở cho sân khấu phía Bắc. Khi ông dựng kịch ma, lúc lại dựng chính kịch, vở nào cũng chơi chơi, cười cười, đậm tính giải trí. Trần Ngọc Giàu có ý định sẽ “Sài Gòn hóa”các vở kịch miền Bắc.

NSND Trần Ngọc Giàu: Không khó để thi tài cùng đạo diễn Hà Nội ảnh 1NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo diễn viên diễn xuất trên phim trường

“Tôi không tài giỏi”

- PV: Chắc Trần Ngọc Giàu dựng kịch lạ lắm nên các nhà hát thích mời ông ra Bắc dựng vở?

- NSND Trần Ngọc Giàu: Các nhà hát mời tôi ra Bắc dựng vở để đa dạng hơn phong cách dựng, chứ không phải vì tôi tài giỏi. Lại cũng còn bởi, đội ngũ đạo diễn phía Bắc đang gặp khủng hoảng. Anh Doãn Hoàng Giang thì sức khỏe yếu, anh Lê Hùng cũng đã có tuổi, anh Xuân Huyền thì không làm. Còn Tuấn Hải, Triệu Trung Kiên, Anh Tú cũng không đủ sức bao hết sân.  

- Dựng kịch cho khán giả Thủ đô, ông có chiều theo thị hiếu của khán giả?

- Ban đầu, tôi chiều theo thị hiếu khán giả. Nhưng sau tôi nhận ra, kịch miền Bắc bài bản và kỹ thuật, thiếu đi sự tự nhiên, đời thường. Nên sau vài vở, tôi đã đề nghị các diễn viên, các lãnh đạo cho tôi được “Sài Gòn hóa” một chút trong tác phẩm.

Đúng hơn, hôm trước thì tôi theo các bạn, còn hôm nay, các bạn cho tôi được điều chỉnh lại. Tôi thích những vở kịch đời hơn, diễn viên diễn trên sân khấu như đang nói chuyện với nhau mà không cần phải “lên gân”. 

- Phá vỡ một thói quen không dễ, động lực nào để ông tiếp tục với định hướng này trong dựng vở cho sân khấu miền Bắc? 

- Tôi quan niệm, kịch là phải đến được với khán giả. Không ai bắt chính kịch không có hài hoặc hài kịch không thể nói những vấn đề nghiêm túc. Các vở chính kịch miền Bắc lâu nay nặng về chủ đề, mỗi vở đều đưa ra một thông điệp, tuyên ngôn trong khi hình thức lại chưa nhuần nhuyễn.

Cùng một nội dung ấy, có đạo diễn chọn lối thể hiện vui vui, nhưng có đạo diễn lại thích nói nghiêm túc. Hơn nữa, bản chất của sân khấu mang tính giải trí nên tôi lệch sang hướng chơi chơi nhiều hơn.  

- Các vở kịch “Sài Gòn hóa” một chút như ông nói có được khán giả đón nhận? 

- 8, 9 năm nay, tôi vẫn bay ra bay vào Hà Nội-Sài Gòn để dựng vở. Khoảng thời gian ấy cũng đủ nói lên, kịch của tôi có được đón nhận hay không. Tôi đã pha yếu tố trêu ghẹo, đùa vui của sân khấu miền Nam và yếu tố bài bản, kỹ thuật của sân khấu miền Bắc trong cùng một tác phẩm với mong muốn tạo nên vở diễn mềm mại hơn. 

NSND Trần Ngọc Giàu: Không khó để thi tài cùng đạo diễn Hà Nội ảnh 2

Vở kịch kinh dị “Quỷ ám” do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng tại sân khấu phía Bắc

- Một đạo diễn từ Sài Gòn ra Thủ đô dựng chính kịch, có vấp phải những rào cản không, thưa ông?

- Tôi đến từ TP.HCM nên mang cái nhìn và nhận định của đạo diễn sân khấu giải trí. Trong khi ấy, sân khấu miền Bắc vốn mạnh và nổi tiếng ở dòng chính kịch. Nhưng rất may, ngoài làm đạo diễn tôi còn đi dạy nên cũng có sự chỉn chu nhất định. Chưa hoàn toàn theo giải trí nên tôi không quá khó khăn để thi tài cùng các đạo diễn Hà Nội. 

Không ai bỏ sân khấu

- Dạo này, ông còn bận chạy “sô” trong Nam, ngoài Bắc?

- Mấy năm nay, tôi cũng ít làm kịch. Giờ có tuổi, tôi không còn đủ sức khỏe để theo diễn viên tập vở bắt đầu từ 11h đêm. Chỉ vài buổi như vậy là tôi đuối sức. Tôi chuyển sang làm phim, thu nhập tốt hơn và cũng phù hợp với tuổi tác. Năm nào, tôi cũng có phim chiếu rạp.

- Người nổi tiếng như Trần Ngọc Giàu cũng đang dần rời xa sân khấu để chuyển sang điện ảnh. Đây có thể coi là tín hiệu không mấy tốt đẹp của làng kịch? 

- Không chỉ tôi mà các diễn viên kịch của miền Nam cũng đang dần chuyển sang lĩnh vực giải trí. Không ai bỏ sân khấu cả, chỉ nên đánh giá chúng tôi là những người ham việc. Sân khấu vẫn đang chuyển mình. Dù là sân khấu trong Nam hay ngoài Bắc thì cũng đang đi tìm một hình thức thể hiện mới.

Vì thế, thời gian vừa qua, liên tiếp các vở kịch ma, kịch đồng tính ra đời cũng chỉ để đi tìm lời giải cho việc kéo khán giả đến với rạp hát. 

- Ông thử lý giải hiện trạng xuống cấp hiện nay của sân khấu?

- Tôi nhớ, ngày còn học trong trường, tôi luôn mơ ước sau này mình sẽ dựng được vở diễn hay như chú Đình Nghi. Nhưng ngày nay, các em đang học trong trường không có điểm sáng để nhìn vào. Những diễn viên sân khấu nổi tiếng như Thành Lộc hay Lê Khanh mấy năm nay không có vai diễn nào nổi trội. Vậy thì, các em học sinh sẽ không có hình mẫu, thần tượng để nhìn vào.

Có em đang học năm thứ nhất được mời đi đóng phim rồi cũng gây dựng được tiếng tăm đã dẫn đến tâm lý không cần học cũng thành ngôi sao. Sân khấu vốn đã yếu, nay lại ít thần tượng càng trở nên khó khăn hơn. 

- Bệ phóng của lĩnh vực giải trí quá hấp dẫn với người trẻ và ngay cả với ông?

- Thu nhập từ sân khấu so với lĩnh vực giải trí đúng là một trời một vực. Với sân khấu, diễn viên hàng ngôi sao thì được một triệu đồng một suất diễn, còn với các diễn viên thì chỉ vài ba trăm nghìn đồng.

Một tuần, họ diễn được vài suất nên cũng không đủ cho cuộc sống mưu sinh. Bản thân tôi cũng phải ngược xuôi các tỉnh để dựng phim, làm các chương trình giải trí. Ngoài sân khấu, chúng tôi còn lấn sân sang các lĩnh vực khác, cũng tốt. Tôi muốn tận dụng thời gian và có thêm thu nhập. 

- Xin cảm ơn NSND Trần Ngọc Giàu!