NSND Trà Giang kể về vai diễn trong bộ phim "Chị Tư Hậu"

ANTD.VN - Năm đó NSND Trà Giang mới 20 tuổi nhưng hóa thân vào vai chị Tư Hậu ở tuổi gần 40.

Đó là tiết lộ thú vị của NSND Trà Giang trong chương trình “Quán thanh xuân” phát sóng vào 20h40 Chủ nhật, ngày 7-7 tới trên kênh VTV1. Trong vai trò khách mời của chương trình, NSND Trà Giang chia sẻ, khi nhận lời đạo diễn Phạm Kỳ Nam đóng vai chính trong bộ phim “Chị Tư Hậu”, chị khá lo lắng vì mình mới suýt soát 20 tuổi - bằng một nửa tuổi của nhân vật trên phim. Chưa kể, nhân vật chị Tư Hậu mang vẻ đằm thắm, chững chạc mà một cô gái đang độ tuổi đôi mươi rất khó thể hiện. Chính bởi vậy, vai diễn này với chị là một thử thách không hề nhỏ.

NSND Trà Giang kể, vốn liếng mà chị mang vào bộ phim này lại chính là ký ức về chiến tranh mà tuổi thơ chị từng trải qua và chứng kiến. Đó là những trận càn quét của kẻ thù, những quả bom nổ tung trời và cảnh các gia đình phải ly tán khỏi quê nhà. Cũng theo NSND Trà Giang, khi ấy kẻ thù không bắt được người cha của chị đang hoạt động Cách mạng ở Phan Thiết, nên đã bắt đi mẹ chị. Lúc bấy giờ, em trai của chị còn đang ở tuổi ẵm ngửa, còn chị và anh trai nhỏ xíu, chỉ biết sợ hãi òa lên khóc nức nở khi chiếc xe của kẻ thù chở mẹ mình dần lao vút đi rồi khuất bóng. Sau đó, ba đứa trẻ chỉ biết ôm nhau nheo nhóc ngồi trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường với hy vọng người ta sẽ trả mẹ mình về. Mang theo cảm xúc đó vào “Chị Tư Hậu”, NSND Trà Giang đã thể hiện chân thực và xúc động hình tượng của một nữ chiến sĩ Cách mạng kiên trung và đầy quả cảm.

  NSND Trà Giang trong vai "Chị Tư Hậu"

Những trích đoạn phim đen trắng xúc động của bộ phim “Chị Tư Hậu” cùng chia sẻ của NSND Trà Giang đã đưa người xem của chương trình “Quán thanh xuân” trở lại với niềm vui rất đỗi bình dị của rạp chiếu bóng thời kỳ được xem như niềm vui to lớn của những ngày cuộc sống khó khăn và thiếu thốn. Thời đó, những rạp chiếu bóng lưu động chở niềm vui đến với khắp mọi miền Tổ quốc.

Cũng trong chương trình, khán giả sẽ có dịp lội ngược thời gian, trở về quá khứ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi người ta gọi việc đi xem phim ngoài rạp bằng nhiều tên gọi khác nhau. Ví như, xem “chớp bóng” là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân chân lấm tay bùn về một thế giới điện ảnh mang dáng vẻ kỳ ảo và quyến rũ; hay “xi-nê-ma” (cinema) lại là cách gọi về rạp phim được “tây” hóa …

Thời đó, ra rạp xem phim được xem là một trong những thú vui sang trọng nhất. Người dân ở đâu cũng vậy, rộn ràng ngóng chờ tiếng loa phát thanh thông báo sắp có phim chiếu bóng hay háo hức khi trông thấy mấy tấm áp phích viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường thông báo lịch chiếu phim. Mỗi lần như thế, nhà nào cũng quýnh quáng giục nhau ăn cơm sớm, tắm rửa giặt giũ nhanh còn vác ghế, soi đèn pin ra giữ chỗ xem phim. Rồi khi phim đang chiếu, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng loạch xoạch khi người ở hậu đài rút phim cũ ra để thay phim mới.

Những năm ấy cũng chưa phổ biến kỹ thuật thuyết minh, lồng tiếng, nên phim nước ngoài phải có người thật ngồi sau màn chiếu để dịch trực tiếp lời của từng nhân vật. Chẳng hiếm trường hợp, “thuyết minh viên” vì không quen nghề, không rành ngoại ngữ mà hình ảnh trên phim một đằng, lời dịch một kiểu, thế mà ai nấy vẫn hả hê, vui vẻ.

Biên tập viên Diễm Quỳnh và MC Anh Tuấn dẫn dắt chương trình "Quán thanh xuân"

Trong gần nửa thế kỷ, kể từ cuối thập niên 1950, Hà Nội lần lượt có tới gần 20 rạp chiếu thuộc quản lý của nhà nước. Những cái tên như Đại Đồng, Đại Nam, Dân Chủ, Majestic (Tháng Tám), Kim Đồng, Ngọc Khánh, Sinh Viên… được ví như thiên đường của những người yêu phim. Thời kỳ đầu, các phim được chiếu chủ yếu là phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Ngày lễ Thánh… hay những bộ phim của Liên Xô, Tiệp Khắc cũ… Dần dần, các rạp chiếu bóng không chỉ là nơi kinh doanh mà còn có những hoạt động cộng đồng bổ ích để đưa nghệ thuật thứ bBy đến gần với khán giả thông qua những câu lạc bộ điện ảnh.

Vào năm 1994, một rạp chiếu phim nhỏ mang tên Fansland đã ra đời ở con phố Lý Thường Kiệt. Nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa khi trình chiếu các bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới, các phim nghệ thuật châu Âu. Khán giả xem phim xong còn được các các nhà chuyên môn phân tích về ý nghĩa, thông điệp, phong cách tác giả…

Trong TP.HCM, con số thống kê cho thấy có khoảng 60 rạp với những cái tên như Catinat,  Đại Đồng, Đại  Nam, Eden, Khải Hoàn… Rạp chiếu phim ở Sài thành có một truyền thống phải nói là độc đáo với các tờ chương trình phát cho khán giả khi đến mua vé xem phim. Trên tờ rơi này, khán giả có thể đọc để biết đại khái nội dung phim và tên các tài tử trong phim. Dân “nghiền” phim vẫn có thú vui sưu tầm tờ này về làm kỷ niệm.

Tham gia ôn lại kỷ niệm của rạp chiếu phim thời kỳ xa xưa trong chương trình “Quán thanh xuân” lần này còn có NSƯT đạo diễn Quốc Trọng, vợ chồng NSND đạo diễn Nhuệ Giang – Thanh Vân. Các vị khách mời cũng sẽ chia sẻ câu chuyện của những người làm phim thời kì đầu cho đến thời trầm lắng của điện ảnh trong nước, khi các tác phẩm điện ảnh Việt dần ít đi, người ta được chọn mang rạp chiếu bóng về nhà, với những bộ phim đa dạng đủ thể loại của các nước...