NSND Thanh Hoa: Hãy cho nhau tình yêu, hãy thương nhau thật nhiều

ANTD.VN - “Đến tuổi này Thanh Hoa nghĩ mình đã có một cuộc sống viên mãn, là một người đàn bà hạnh phúc. Mọi thứ sẽ như cơn gió thoảng đi nhưng thứ tồn tại của con người là tình yêu”, NSND Thanh Hoa chia sẻ.

NSND Thanh Hoa: Hãy cho nhau tình yêu, hãy thương nhau thật nhiều ảnh 1NSND Thanh Hoa có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn ở tuổi 68

Quên đi khổ đau để sống cuộc đời thanh thản

- PV: Ở tuổi 68 nhưng Thanh Hoa vẫn được xem là người phụ nữ đẹp mặn mà và may mắn khi có cả sự nghiệp và tình yêu, chị có nghĩ mình là người hạnh phúc?

- NSND Thanh Hoa: Đến tuổi này tôi nghĩ mình đã có một cuộc sống viên mãn, là một người đàn bà hạnh phúc. Mọi thứ sẽ như cơn gió thoảng đi nhưng thứ tồn tại của con người là tình yêu. Tôi đã sống một cuộc đời ý nghĩa, có thể trong một tích tắc, một khoảnh khắc đã mang đến niềm hạnh phúc cho mọi người bằng chính tiếng hát của mình.

- Không có con đường thành công nào chỉ trải mình hoa hồng, vậy sự đắng cay chị gặp phải là gì?

- Chúng ta đang sống vào những ngày đầu năm mới, bên cạnh đó tôi đang chuẩn bị đón chào một chương trình ca ngợi những người phụ xinh đẹp, người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), vậy nên tôi không muốn nhắc đến. Tôi luôn có suy nghĩ, trong cuộc đời những được mất đời người ai cũng đều phải có. Vậy hãy cho nhau tình yêu, hãy thương nhau thật nhiều - đó là phương châm sống của mình. Đây chính là lời ca khúc “Đi qua vùng cỏ non” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Chỉ một câu nói thôi, cũng đủ cho nói lên hết ý nghĩa. 

Đối với con người, đặc biệt là người nghệ sĩ, hạnh phúc và bất hạnh luôn song hành cùng nhau, nhưng chúng ta hãy vượt qua tất cả, để nghĩ những điều tươi đẹp. Hãy quên đi mọi khổ đau để sống một cuộc đời thanh thản và mỉm cười với mình. 

- Chị từng nhận mình là người khôn ngoan và khô khan, nhưng tiếp xúc thì thấy chị đầy đàn bà và ngọt ngào đấy thôi?

- Ở một góc nhỏ nào đó trong con người mình, tôi rất đa sầu, đa cảm. Thế nhưng hiện nay, tôi đang là đại diện cho tất cả nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Tôi là nữ Chủ tịch đầu tiên của “Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam” (APPA). Do vậy, tôi phải tiết chế lại những xúc cảm, rung động của người nghệ sĩ thường có. Tôi luôn phải tự nhắc nhở bản thân phải khô khan và cứng rắn. Vì mình đang đại diện cho giới nghệ sĩ, nhưng cũng không biết có làm nổi không (cười).

Tôi cũng cần tiền nhưng không bao giờ đòi hỏi

- Đến tuổi nghỉ hưu nhưng chị vẫn luôn bận rộn, đặc biệt là vai trò Chủ tịch APPA. Là nữ giới nắm quyền lãnh đạo, chị có gặp nhiều khó khăn và áp lực?

- Khi nhận vai trò này, tôi bị áp lực rất lớn. Dường như trên thế giới, rất ít nước nào mà 50, 60 năm vẫn chưa có hội nghề nghiệp của nghệ sĩ âm nhạc. Việt Nam là một trong những nước mà APPA ra đời rất muộn, hiện tại mới hoạt động được 2 năm. Vậy nên các nghệ sĩ vẫn chưa hiểu vai trò, ý nghĩa, chỗ đứng của mình trong ngôi nhà chung này, hay APPA sẽ bảo vệ cho nghệ sĩ thế nào… Khi cầm thẻ APPA - thẻ của nghề nghiệp, nếu hiểu rõ được mọi ý nghĩa, tầm quan trọng thì chắc chắn người nghệ sĩ sẽ rất tự hào. Chính vì một số nghệ sĩ vẫn chưa hiểu rõ được nên người Chủ tịch hội, Ban chấp hành, hay những người yêu mến, ủng hộ APPA phát triển mạnh sẽ rất vất vả. 

Chỉ khi nào các bạn nghệ sĩ hiểu rõ APPA là ngôi nhà chung, tiếng nói chung. Và chỉ đến khi khán giả yêu thương, trân trọng những tác phẩm của văn nghệ sĩ một cách đúng mức để họ được hưởng quyền lợi, quyền liên quan mà nghệ sĩ được hưởng giống như bất kỳ một đất nước nào có sự công bằng về quyền biểu diễn, đến lúc đó gánh nặng mới nhẹ đi. 

- Ca sĩ Việt Hoàn từng tiết lộ, NSND Thanh Hoa là cây đa, cây đề của làng nhạc, luôn cống hiến bền bỉ cho nghệ thuật, nhưng chị lại không hay đòi hỏi giá cát-sê. Phải chăng chị không quá quan tâm chuyện tiền bạc?

- Nếu nói trong cuộc sống mà tôi không cần tiền là sai. Tôi cũng có một cuộc sống bình dị như mọi người, hàng tháng nhận 5 triệu đồng tiền lương, một mức không cao của người về hưu. Tôi cũng cần tiền. Nhưng với vị trí là một nguời nghệ sĩ đã có nhiều năm hoạt động nghệ thuật, cống hiến, với những nơi mình mời mình đến hát, nếu họ biết trân trọng, họ sẽ trả mình mức thù lao xứng đáng của người nghệ sĩ nhân dân được hưởng. 

Còn nếu như họ cảm nhận và cho rằng họ làm kinh doanh, họ làm tất cả để cho mình ít đi một chút, họ có lợi thêm, họ không đặt vai trò, đánh giá đúng giá trị thì mình không đòi hỏi. Người ta không đặt đúng giá trị, vị trí, tài năng và sức lực mình bỏ ra thì cũng vô ích, vậy nên tôi không bao giờ đòi hỏi.

- Chị nghĩ sao khi hiện nay có nhiều người không có tố chất, giọng hát nhưng vẫn mang danh ca sĩ, thậm chí là được tung hô và săn đón?

- Đây là vấn đề lớn. Thật ra nghề nào cũng cần sự chuyên môn nhất định. Ở nghệ thuật thì có sự khác biệt rõ ràng, nếu anh không học bài bản nhưng có tài năng, sự đam mê, sáng tạo và có chỗ đứng trong quần chúng thì vẫn là nghệ sĩ. Tuy nhiên, đã là người nổi tiếng thì nên hoàn thiện về mọi mặt để tự tin. Trên thế giới dường như rất ít nghệ sĩ nổi tiếng mà không hoàn thiện về kiến thức âm nhạc cho mình. Nếu mình không trang bị đầy đủ thì đi ra nước ngoài sẽ rất thiệt thòi. Không biết nhạc nếu hát với dàn nhạc sẽ rất khó… Tất cả sẽ là sự thiệt thòi.

Đã có nhiều người nghĩ hát được karaoke là làm được ca sĩ. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề khác cũng vậy, ngay như trồng lúa, trồng gạo thì sinh ra thì có thể làm được. Nhưng để cây lúa cho chất lượng tốt thì phải đi học kỹ thuật, phải có kỹ sư nông nghiệp; bác sĩ cũng có sự cấp bậc… Mọi việc đều có cấp bậc và nghệ thuật cũng không loại trừ. Thế nhưng có sự trớ trêu, chưa chắc những anh học bài bản có thể hát thu hút bằng những người không học bài bản. Nghệ thuật đòi hỏi sự năng khiếu và sự đam mê, tâm hồn. 

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc hát không hay nhưng được truyền thông tung hô, khán giả săn đón. Khi chúng ta chưa đánh giá sự đúng mức, thế nào là nghề, thế nào là giải trí. Nghệ thuật có hai điều, đó là sự thưởng thức và giải trí. Bạn có thể làm vui mà vui thì xã hội đang rất cần. Vậy nên chúng ta phải hiểu một cách chính xác, thế nào là tài năng, thế nào là nghề.

Tôi chỉ thích làm nũng và được chiều nhất nhà

- Giữ chức vụ Chủ tịch hội, vậy ở nhà chị có làm lãnh đạo cả gia đình?

- Ở nhà tôi chỉ thích làm nũng và được chiều nhất nhà. Mỗi một vị trí đều có vai trò khác nhau, khi mình là chủ tịch thì phải có cái nhìn cương quyết, chia sẻ yêu thương với đồng nghiệp. Khi là ca sĩ phải hát hết mình, để tỏa sáng trên sân khấu và hiểu được tâm hồn của mình trong tiếng hát. Nếu ở nhà thì phải là người mẹ hết mực yêu thương con, là người vợ bé nhỏ để được làm chỗ dựa, được bao bọc bởi người chồng. Tôi thích được ở nhà. 

- Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 sắp đến, chị có lời chúc nào muốn gửi đến những người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam?

- Tôi xin chúc các bà mẹ, người phụ nữ, thiếu nữ… chúng ta hãy yêu hết mình, sống hết mình. Vì một lý tưởng trong sáng, lý tưởng chia sẻ cộng đồng. Tình yêu chân thành sẽ không bao giờ phụ lại bất kỳ tuổi nào khi ta biết trân trọng nó.

- Cảm ơn NSND Thanh Hoa và chúc chị tràn đầy hạnh phúc!

Ở nhà tôi chỉ thích làm nũng và được chiều nhất nhà. Mỗi một vị trí đều có vai trò khác nhau, khi mình là chủ tịch thì phải có cái nhìn cương quyết, chia sẻ yêu thương với đồng nghiệp. Khi là ca sĩ phải hát hết mình, để tỏa sáng trên sân khấu và hiểu được tâm hồn của mình trong tiếng hát. Nếu ở nhà thì phải là người mẹ hết mực yêu thương con, là người vợ bé nhỏ để được làm chỗ dựa, được bao bọc bởi người chồng. Tôi thích được ở nhà.