NSND Lê Khanh: Luôn biết thi vị hóa cuộc sống

ANTĐ - Trên sân khấu,  NSND Lê Khanh làm vua, vị vua cuối cùng của triều Lý (Lý Chiêu Hoàng) trong vở kịch “Rừng trúc”, nhưng về nhà, chị  vẫn là người vợ, người mẹ tất tả với công việc gia đình như bao người phụ nữ khác.

NSND Lê Khanh: Luôn biết thi vị hóa cuộc sống ảnh 1

“Mình sướng hơn tiên”

Lê Khanh bận, chị quay cuồng trong công việc ở cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, tham gia diễn kịch, đóng phim, giảng dạy, hướng dẫn các nghệ sỹ nước ngoài đến làm việc với nhà hát… Về nhà, Lê Khanh tất tả công việc cơm nước, nội trợ. Xà phòng, dầu mỡ, nhựa rau làm đôi bàn tay chị mỗi ngày thêm thô ráp. Quay trước, quay sau, đứng lên ngồi xuống, 30 phút sau, một mâm cơm thịnh soạn đã hoàn thành. Vừa lúc con chị đi học về, kêu đói rối rít. Nhìn chồng con ngon miệng, chị mở cờ trong bụng: “Mình sướng hơn tiên”. 

Cuối cùng đến lượt chị, Lê Khanh tự thưởng cho mình một cốc cà phê mang theo khi lái xe. Lê Khanh là vậy, chị luôn biết cách làm thi vị hóa cuộc sống bận bịu của mình và không kêu ca. Những chuyến đi diễn ở các tỉnh, chị chuẩn bị cho chồng con đầy đủ. Trên sân khấu, chị hóa thân thành vị vua cuối cùng của triều Lý, Lý Chiêu Hoàng, thành bà già điên - hài đấy nhưng không nhố nhăng, thành nữ anh hùng Janda… Ở nhà, chị vẫn là người vợ, người mẹ bình thường như bao người phụ nữ khác. 

Chăm chút cho từng vai diễn

Nói về nghề, có diễn viên cả đời chỉ mơ ước có được một vai cổ điển, còn Lê Khanh có cả chùm. Từ Juliet, Janda đến “Tất cả là con tôi”, “Nhà búp bê”… Có diễn viên chỉ chăm chăm chọn vai có nhiều “đất diễn”, còn Lê Khanh chấp nhận vai phụ dù tầm của chị chẳng khó khăn để đảm nhận vai chính. Nhưng chị thích thế, chị nhìn thấy ở các vai  phụ điều thú vị, hay ho. Chị chăm chút cho vai diễn của mình để khi xuất hiện, dù chỉ vài giây, vài phút nhưng khán giả vẫn thấy sáng lòa phẩm chất tuyệt vời của diễn viên hạng “sao”. Đặc biệt, ở vở “Vòng phấn Kafka”, Lê Khanh còn đảm nhận 3 vai phụ. Sự lùi lại của chị có ý nghĩa cho sự tiếp bước của thế hệ diễn viên trẻ. Nếu như vai chính nào, Lê Khanh cũng diễn “tròn” thì sân khấu lấy đâu ra “đất” cho những gương mặt trẻ được dịp thể hiện tài năng. 

Ở một góc khác, Lê Khanh còn là người thầy của các diễn viên trẻ.  Nhà hát cách trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đến 15km. Vậy mà, 8 năm, chị đi lại như con thoi, chị miệt mài dạy các em ngơ ngác chẳng biết diễn là gì, để rồi sau 4 năm đã le lói ánh hào quang. Các em hỏi: "Chúng con dở hơi và lười biếng như thế sao mẹ không bỏ chúng con". Chị trả lời nửa đùa nửa thật: "Mẹ không có tiền. 1 buổi dạy 5 tiết được 200.000 đồng, xăng xe đi về mỗi ngày 30km, tiền ăn, uống nước chẳng còn gì. Mẹ chỉ cố gắng cho các con một cái nghề".

Diễn viên hạng Ba

Lê Khanh tự bỏ tiền học cao học mong có thêm kiến thức sâu hơn, rộng hơn để dạy học và hy vọng sáng tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn. Đề tài bảo vệ Cao học của chị nghe rất trừu tượng “Diễn viên xử lý khoảng trống và sự ngưng lặp thích hợp trong diễn xuất”. Lê Khanh cho biết, chị có điên mới chọn đề tài hóc búa như vậy bởi những khái niệm như ngưng, đầy, trống, lặng có nói ra rả cả ngày cũng không hiểu hết, thế mà chị lại dám đưa vào nghiên cứu, rõ là điên nặng. Nhưng không, bằng mấy chục năm kinh nghiệm, chị đã nhìn ra chiều sâu đến tận cùng cảm xúc, nơi mà không một ngôn từ nào với tới được. Lặng mà không lặng, ngưng mà không ngưng. 

Là NSND, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Lê Khanh vẫn là diễn viên hạng Ba. Sự vô lý này làm cho cô nhân viên cấp lương hàng tháng cũng phải thảng thốt nhưng luật quy định vậy, cấm cãi. Bỏ lại đằng sau chuyện cơm áo, gạo tiền, chị lại hóa thân thành hoàng hậu, thành vua hay một vai diễn nào đó sẽ tiếp tục để đời trên sân khấu.