NSND Lê Khanh: Đã yêu thì không nghe thấy gì...

ANTD.VN - Nhắc đến NSND Lê Khanh, khán giả luôn nhớ chị là một người đàn bà đẹp, hội tụ đầy đủ yếu tố “thanh, sắc và tài năng”. Lê Khanh thừa nhận, chị có được ngày hôm nay chính là nhờ luôn nhìn đời lạc quan. 

Bí quyết níu chân học trò

- PV: Lê Khanh từng chia sẻ chị là người may mắn, vậy trên con đường thành công đó, đã bao giờ chị gặp phải “đắng cay”?

- NSND Lê Khanh: Nghệ sĩ cũng là con người mà! Ước mơ thì nhiều nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Khi không làm được mất ăn, mất ngủ, day dứt, lao tâm khổ tứ. Càng khó càng muốn vượt qua, nhưng nhiều lúc tôi cũng tủi lắm. Khán giả chỉ thấy hào quang trên sân khấu, trên truyền hình nhưng không biết đằng sau ánh hào quang đó chúng tôi đã trải qua những điều gì. Chúng tôi giống người vượt núi, leo đá mà không có bảo hiểm. Trong khi đó, chế độ lương bổng khiêm tốn không đủ để chăm sóc nhan sắc. Chúng tôi biết tự tôi luyện và khi thời cơ đến thì chúng tôi bộc lộ những điều chúng tôi có.

- Chị luôn tự nhận mình là “người điên yêu mãi không tỉnh” - một tình yêu lớn dành cho sân khấu, vậy đã bao giờ chị cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng giữa tình yêu này? 

- Tôi nổi tiếng là người lạc quan. Tôi luôn nhìn cuộc sống tươi vui, nhìn đâu cũng thấy đẹp. Cho đến 2 năm trở lại đây, tôi đối diện với sự thật. Ngày nay, tôi thấy thế hệ trẻ dễ dàng từ làm gameshow và phim truyền hình nên vô hình trung họ không còn sự tập trung cần và đủ để theo đuổi nghề chuyên nghiệp. Có thể thấy, thế hệ trẻ không giữ được hình ảnh của mình lâu trong lòng công chúng, nếu như một năm các bạn không xuất hiện thì tên tuổi sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Ngược lại, NSND Lan Hương đóng vai “Em bé Hà Nội” mà có thể thành công vang dội đến ngày hôm nay, hay NSND Minh Châu với “Cô gái trên sông”, NSND Trà Giang… - tất cả những nghệ sĩ thế hệ trước dù lâu không đóng phim nhưng tên tuổi vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Tôi được biết, có nhiều em đóng phim truyền hình mà không đọc kịch bản, chỉ cần đọc đúng phân đoạn mình quay. Điều này dẫn đến việc không tư duy cho vai diễn và khiến vai nào cũng giống vai nào, đây là điều tôi cảm thấy rất tiếc. 

- Có phải vì lý do này nên khiến chị rất kén chọn trong việc lựa chọn tham gia phim ảnh? 

- Đó là nguyên tắc làm nghề của tôi. Tôi không thể làm nhiều việc song song cùng một lúc. Nếu dạy học, tôi sẽ toàn tâm dạy xong khóa học đó để cho ra đời thế hệ nghệ sĩ trẻ đáp ứng được mọi nhu cầu nghệ thuật. Nếu đóng phim, tôi sẽ dành thời gian riêng cho đóng phim. Tuy nhiên, thời gian làm quản lý nhà hát, tôi muốn chú tâm vào công việc nhà hát.

- Sân khấu đã trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay chị và NSƯT Chí Trung đã làm gì để thay đổi “đời sống thực vật” của sân khấu?

- Rất may là NSƯT Chí Trung là người học cùng tôi, chúng tôi đã cùng lát viên gạch đầu tiên tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Sân khấu hiện nay đang “bị chết lâm sàng”. Chúng ta phải có một văn hóa nhận trách nhiệm về mình và nhìn thẳng vào sự thật. Nếu nhà hát nghèo chưa đủ trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ như các nước tân tiến thì chúng ta chỉ có thứ duy nhất, đó là nghệ sĩ. 

Ngày xưa, nền sân khấu ra đời là sân đất nện, làm gì có thủ pháp. Vậy níu chân khán giả và hô hào khán giả đến xem kịch nhưng vở diễn lại không có sự đổi mới thì không được. Khi chưa có cơ sở vật chất thì chúng ta phải trau dồi tài năng nghệ sĩ. Một nghệ sĩ có tâm huyết, có khát vọng thì sẽ không bao giờ bị lãng quên, khi đến sân khấu, khán giả nhìn thấy vậy thì họ không thể quay lưng.

- Học trò của chị - nghệ sĩ trẻ Đỗ Duy Nam hay nhiều bạn khác đều gọi chị là mẹ, dành cho chị rất nhiều lời sự ngợi ca. Nam từng nói: “Dù có làm gì, đi bất cứ đâu sẽ lại về với Nhà hát Tuổi trẻ, về với mẹ Khanh”. Chị có bí quyết gì để níu giữ học trò bên mình?

- Tôi không có bí quyết, học sinh của tôi nhìn thấy tình yêu tôi dành cho các em. Tôi luôn nói với các em những khó khăn. Tôi không nói với các em hào quang hay ánh sáng. Tôi chỉ nói chông gai và vượt qua. Tôi đồng hành cùng các em, tôi chia sẻ từ việc bếp núc, tình yêu và khích lệ các em. 

Chịu đau đớn để có thước phim lay động lòng người

- Chị đã lấy nước mắt của rất nhiều người trong bộ phim “Dòng sông hoa trắng”, vậy chị có kỷ niệm gì với bộ phim này?

- Đây là một trong những bộ phim về hình tượng về nữ anh hùng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Chính bộ phim này đã giúp tôi và NSƯT Phạm Việt Thanh nên duyên vợ chồng. Tôi nhớ mãi, có cảnh quay Mỹ xử tử 4 cô gái biệt động, cảnh quay này đã chinh phục được giám khảo tại “Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương”.

Ngày xưa, việc làm phim rất gian truân, cảnh tôi bị xử bắn với 3 cô gái biệt động khác, khi đạo diễn hô bắn thì kíp nổ thay vì nổ ra ngoài lại nổ vào trong. Vì thế đã khiến chúng tôi bị bỏng. Để có được thước phim lay động lòng người đó mà nghệ sĩ chúng tôi đã phải bị bỏng rát rất đau đớn. 

- Khi chị đến với đạo diễn Phạm Việt Thanh, chị đã hứng chịu rất nhiều tin đồn. Vợ chồng chị đã vượt qua dư luận thế nào? 

- Đã yêu thì không nghe thấy gì. Nếu tôi lấy một người đàn ông khác, chắc gì đã có Lê Khanh của ngày hôm nay. Đã yêu thì phải yêu cho hết, phải yêu từ con người đến lý tưởng sống. Nếu chúng ta gặp nhiều thử thách, nhiều chông gai thì sẽ làm tăng giá trị và ý nghĩa những điều tốt đẹp mà chúng ta có.

Chúng tôi cùng nhau cống hiến và đã để lại trong lòng khán giả những tác phẩm nghệ thuật. Trong cuộc sống, chúng tôi luôn công bằng, bình đẳng, tôn trọng và tạo cơ hội để cùng nhau gánh vác, từ việc gia đình đến sự nghiệp.

- Chân thành cảm ơn và chúc chị thành công, hạnh phúc! 

“Đã yêu thì không nghe thấy gì. Nếu tôi lấy một người đàn ông khác, chắc gì đã có Lê Khanh của ngày hôm nay. Đã yêu thì phải yêu cho hết, phải yêu từ con người đến lý tưởng sống.  Nếu chúng ta gặp nhiều thử thách, nhiều chông gai thì sẽ làm tăng giá trị và ý nghĩa những điều tốt đẹp mà chúng ta có”. 

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh