NSND Lê Hùng: Thời hậu về hưu

ANTĐ - Đã lâu không gặp đạo diễn Lê Hùng, nhất là sau “sự kiện về hưu” khá ồn ào trên báo chí. Mới đây gặp ông khi đang tập vở “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch nói CAND. Lê Hùng vẫn vậy. Trông vẫn xù xì, mũ lưỡi trai sùm sụp, quần ga túi hộp rộng thùng thình, khăn áo tuềnh toàng. Đặc biệt vẫn cái cách nói oang oang sang sảng, lúc lại phầm phập lao thẳng lên sân khấu thị phạm cho diễn viên từng động tác nhỏ, lúc lại lại nhào xuống hàng ghế khán giả hò hét chỉ đạo cứ ầm ầm, hẳn là lão đạo diễn này có đến cả đời không khác được. 

Lão vẫn khóc cười với sân khấu bằng cái sự cao ngạo nghênh ngang của một kẻ có tài.  Cái sự cao ngạo của lão khối kẻ có nghển cổ, kiễng chân cũng không tới được, có bắt chước cũng không giống được. Khối kẻ cũng vỗ ngực vênh vang ra vẻ ta đây nhưng rỗng tuếch chả ai công nhận. Thậm chí có kẻ còn giả vờ khiêm tốn nhưng khổ nỗi người ta lại cứ nhìn thấy sự giả dối  nấp thập thò đằng sau sự giả vờ khiêm tốn đó. Còn Lê Hùng hình như thì cái tài của lão “át vía” được người khác nên lão nói là diễn viên cứ răm rắp. Lão chả cần khiêm tốn, chả cần giả vờ. Lão tự công nhận mình có tài ở mức đỉnh cao của nghệ thuật, mà nhiều người cũng phải công nhận điều đó. Cái tên của lão giờ đã mang “bán” ra tiền. Đơn đặt hàng mời lão về dựng vở cho các nhà hát vẫn cứ xếp hàng chờ lão. Lão bảo thế mới là đạo diễn chứ, đạo diễn mà chẳng ai mời là đạo diễn vứt đi.

Người ta vẫn gọi lão là “con sói già”  của sân khấu, nhưng tôi nghĩ phải gọi lão là “con sói già cao ngạo” mới đúng. Nhiều lần chứng kiến lão thị phạm diễn viên thì mới thấy sự tinh quái đến “cáo già” của lão trong nghệ thuật. Chỉ đạo diễn viên diễn cảnh dùng tiền  để kê chân ghế leo lên những nấc thang danh vọng, lão leo lên sân khấu khom người xuống hít hít từng bậc cầu thang, rồi bảo diễn viên đưa ngón tay miết từng bậc cầu thang ấy rồi hít, rồi ngửi, rồi nếm. Xem cảnh ấy thì ai cũng phải nhận ra cái sự thèm khát quyền lực nó bần tiện và hèn đến mức nào.  

Sự tinh tế và tinh quái của Lê Hùng khiến cho lão khác với những người khác, khiến cho cái tên của lão trở nên đắt giá. Bỗng dưng lão hỏi tôi. Theo cô thì cái gì đựng được nước? Là xô chậu, xoong nồi, chum vò, cốc vại… chứ gì? Nhưng lão lại bảo cái hốc mắt của con người cũng là cái đựng nước, là cốc đựng sự đau khổ, thậm chí với lão, cái ao cũng là nơi đựng nước, nhưng mà là nước đái của trời. Lão là như thế, lão nhìn cuộc đời, con người theo cái cách riêng của lão!!!

- Chào đạo diễn Lê Hùng, lâu rồi không gặp ông, từ ngày về hưu đến giờ, có gì đổi khác với ông không?

- Nghệ sĩ thì làm gì có tuổi hưu. Tôi chỉ không làm giám đốc nữa thôi chứ các đơn đặt hàng của tôi thì vẫn ầm ầm. Từ nay đến Tết làm 7 vở. Tôi còn đang phối hợp với Nhật Bản làm một vở rất hay đó là cùng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dựng vở Opera từ một câu chuyện dân gian của Nhật. 

- Ông không có cảm giác hẫng hụt sao. Có những người khi về hưu vẫn cho cơm cặp lồng và đi đến cơ quan, hoặc vẫn đi xe theo con đường mà mấy chục năm qua ông ta đã đi hàng ngày? Có lúc nào rơi vào cảm giác đó không?

- À không? Tôi làm gì có thì giờ để hẫng hụt. Các đoàn giành giật tôi từng giờ từng phút một. Mà làm giám đốc của một Nhà hát thì khổ lắm. Với tôi không còn làm giám đốc nữa thật là: may quá! Nói thật là từ ngày tôi về hưu đến giờ tôi đã đến hai cái nhà hát ấy đâu. Tôi chưa hề rẽ vào đó một ngày nào, một lúc nào.

- Sao lại thế, sao ông không rẽ vào?

- Tôi không có thời gian. Hết đoàn này đến khác xếp hàng chờ tôi. 

- Trong những năm làm Giám đốc Nhà hát có điều gì làm ông tiếc nuối?

- Có đấy, tôi tiếc  vì không làm được việc lớn! Đáng lẽ tôi sẽ thành lập được trung tâm kịch nghệ quốc gia  và trung tâm ấy sẽ tập trung sức mạnh của 2 nhà hát để dựng những vở lớn, những vở kinh điển, tạo ra hạt nhân để sân khấu kịch phát triển. Nhưng rất tiếc là các nghệ sĩ họ lại không muốn điều đó. Nhưng tôi sẽ làm theo kiểu khác. Tôi sẽ làm!

- Ông đang có dự định gì với sân khấu chăng?

- Có thể tôi sẽ thành lập nhà hát  tư nhân. Nhiều nghệ sĩ đang mong mỏi điều đó. Họ nói nếu tôi làm họ sẽ về với tôi. Vì như vậy họ sẽ được làm nghề, được thể hiện, được thể nghiệm.

- Phải nói là “sự kiện” về hưu của NSND Lê Hùng cũng khá ồn ào trên báo chí, nhưng tôi thấy ông vẫn chọn cách im lặng. Ông nói rằng rồi sẽ có lúc ông nói về điều đó. Bây giờ đã là lúc để ông nói chưa?

- Không tôi chả nói. Nói làm gì. Kệ người ta sẽ tự hiểu. Tự họ sẽ ngẫm ra. Chưa kể cả những chuyện bịa đặt nữa. Tôi cũng chẳng cần thanh minh. Người nghệ sĩ đôi khi không cần phải nói gì thì người khác cũng hiểu. Đã là người nghệ sĩ thì trước khi nói có khi còn phải nghĩ nhiều lắm. Chứ nếu mình chỉ nói cho thích mồm thì sau này có khi lại phải hối hận, lại phải day dứt cả cuộc đời. Thế nên tôi im lặng. Sự thật thì vẫn là sự thật.

- Ông hình dung hai nhà hát sau thời của Lê Hùng sẽ như thế nào?

- Đã là một nhà hát phải có tác phẩm hay và khán giả phải đến chứ không phải dựng vở xong  chỉ bán được mươi vé thì mấy mà chết. Có một điều phải hiểu rất rõ nhưng hiện nay rất nhiều người không hiểu. Đó là nhà hát tồn tại bằng tác phẩm chứ không phải tồn tại bằng các cuộc họp. 

- Nếu sân khấu mà vắng bóng Lê Hùng thì sao?

- Thì sẽ mất đi tiếng cười có nước mắt.

- Xem kịch của ông thì thấy trong hài có bi, mà trong bi có hài. Dù khóc dù cười, thì vẫn thấy cái đau con người đằng sau những màn kịch bi hài đó?

- Hài kịch và bi kịch là hai anh em ruột, nếu hài quá lên một tý thì thành bi, mà bi quá lên một tý thì thành hài. Cũng như cái anh khóc đám ma ấy. Anh ấy khóc hờ khóc toáng lên khóc thành như cười thì lại thành hài.

Trong bi có hài, trong hài có bi. Nếu mà biết làm thì hay lắm. Và khán giả cần cái đó. Chứ khán giả không thích cười nhạt. Còn sự nhân văn – điều đó quan trọng lắm – đó cũng là  khát vọng của tôi. Tôi luôn mong muốn mọi người sống với nhau tốt đẹp hơn, tử tế hơn. Mọi người phải thương yêu nhau thật. Cho dù điều đó là không tưởng?

Sao ông lại nói là không tưởng? Ông nói vậy có nghĩa là cuộc sống đang tồn tại sự thương yêu giả dối?

- Vẫn có sự thương yêu thật nhưng mà mình phải đấu tranh. Đấu tranh dài. Nhiều sự giả dối lắm. Đầy rẫy sự giả dối. Nhưng khát vọng của tôi là con người hãy thương yêu nhau thật. 

- Đã mấy chục năm gắn bó với sân khấu, sống chết, khóc cười với sân khấu,  đã bao giờ ông thất bại chưa?

- Có những vở diễn thành công thì nhiều. Vở chưa thành công cũng rất nhiều. Nhưng thất bại thì chưa? Tôi vẫn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của mình mà không phải đạo diễn nào cũng theo tôi được. Làm sao có đạo diễn nào mà từ nay đến Tết làm tới 7 cái hợp đồng. Không có đâu. Nhiều đạo diễn có mơ ước cả đời cũng không được. Có nhiều đạo diễn mỗi năm chỉ dựng được một vở là may. Các đoàn nó có mời đâu. Thậm chí có đạo diễn đến đặt vấn đề với Nhà hát rằng tôi làm mà không lấy tiền tác phẩm mà người ta cũng không mời. Có nhiều người nghệ sĩ cứ vỗ ngực bảo mình là tài năng thế này thế kia nhưng chẳng ai mời. Họ phải ngẫm ra điều đó mà phải xấu hổ chứ nhỉ. Thế nhưng mà tôi lại thấy họ không xấu hổ mới lạ chứ. Hình như bây giờ nhiều người không biết xấu hổ đâu.

- Nếu muốn nói một câu với các đạo diễn trẻ, ông sẽ nói gì?

- Hãy làm nhiều và nói ít thôi!

- Ông nghĩ mình được mời vì  thương hiệu Lê Hùng, hay vì lý do nào khác?

- Vì tôi biết làm đạo diễn. Tôi có học hành tử tế. Ông thầy người Nga có nói với tôi rằng: Thằng Lê Hùng nó đứng thứ nhất lớp vì trên vai nó gánh một gánh nặng đau khổ của cả cuộc đời nó cũng như nỗi đau khổ của cả dân tộc. Nó đã bươn trải trong cuộc sống nên nó thành công.  

- Cái tên của ông khi không còn làm Giám đốc Nhà hát  vẫn đắt giá đấy nhỉ?

- Người ta biết đến tôi là NSND, đạo diễn Lê Hùng, chứ mấy ai biết đến tôi là Giám đốc Nhà hát đâu. Tôi hạnh phúc khi các nhà hát vẫn đợi mình. Mọi thứ khác, chức tước, danh vọng chỉ là phù phiếm. Tôi đang có đơn đặt hàng của mấy công ty tổ chức sự kiện sẽ đầu tư cho tôi để làm chương trình: Lê Hùng đến với khán giả. Họ tự bỏ tiền ra làm và sẽ bán vé rất cao để khán giả đến nghe Lê Hùng nói chuyện  và biểu diễn các tiết mục của tôi. Nhưng tôi cũng bận chưa nhận lời.

- Ông có dự định dựng một vở về cuộc đời của Lê Hùng, kiểu như một cuốn hồi ký ấy?

- Có thể, có thể. Nhưng cũng phải lâu lắm. Có lẽ đến lúc sắp phải từ giã sân khấu. Hiện nay tôi còn đang hàng loạt dự án phối hợp với nước ngoài còn ở trước mặt.

- Vở diễn đó sẽ như thế nào nhỉ? Nhiều tiếng cười hay là nước mắt?

- Sẽ đầy ắp nước mắt và rộn rã tiếng cười.

- Bây giờ sau bao nhiêu năm làm nghề, vinh danh ông cũng đã có đủ rồi, mà đau khổ ông cũng có cả “gánh” rồi. Gần đi hết cả cuộc đời với sân khấu, ngoảnh đầu lại, ông thấy tiếc điều gì nhất?

- Đó là thời gian.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!