NSND Lan Hương: Đôi lúc "giật mình" trước thời gian

Để lại màn ảnh những vai diễn để đời, “em bé Hà Nội” thuở nào giờ chuyên tâm diễn trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ. Tại đó chị thả sức bay bổng cùng những vở kịch hình thể, trong cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn.

NSND Lan Hương: Đôi lúc "giật mình" trước thời gian

Để lại màn ảnh những vai diễn để đời, “em bé Hà Nội” thuở nào giờ chuyên tâm diễn trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ. Tại đó chị thả sức bay bổng cùng những vở kịch hình thể, trong cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn.

Dường như thời gian chẳng có sức tác động nào đến chị, nó không làm chị già đi, cũng không làm chị chậm lại. Nhìn chị và những vai diễn, không ai nghĩ đó là một phụ nữ xấp xỉ tuổi 50...  

- Sau một thời gian làm đạo diễn kịch hình thể, chị cảm thấy vai trò nào thú vị hơn?

- Diễn viên hay đạo diễn? Với tôi thì vai trò đạo diễn thú vị hơn, tất nhiên làm diễn viên cũng rất hay. Hai công việc ấy hỗ trợ nhau. Việc học và tốt nghiệp khóa học đạo diễn giúp tôi cảm thấy tự tin trên sân khấu. Khi tôi được trang bị “con mắt” của một đạo diễn, tôi đóng vai tốt hơn, phối hợp với đạo diễn vở kịch nhuần nhuyễn hơn.

- Chị “bén duyên” kịch hình thể như thế nào?

- Từ bé tôi đã rất thích múa, nhưng bố mẹ tôi không muốn tôi theo nghiệp này, bởi nghề múa ở Việt Nam mình rất khó khăn (Mà ngày ấy tôi còn bị... hen). Từ đó khi diễn vở kịch nào cần múa là tôi xung phong ngay.

Tôi nhớ năm 1996, tôi sang Đức thăm con gái và có xem một số nhà hát kịch hình thể bên đó. Khi về, tôi nằm mơ thấy mình ở một nhà hát lạ đang biểu diễn một thể loại kịch rất kỳ quặc, không ra múa cũng không ra đóng kịch. Tôi tỉnh dậy và thấy băn khoăn tại sao lại có một giấc mơ rõ mồn một như vậy, như cố ép mình phải nghĩ đến nó. Và quả thật tôi luôn nhớ đến giấc mơ ấy.

Khi tôi than thở với anh Lê Hùng (khi đó là phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) về ước mơ một thể loại kịch “vừa múa vừa diễn”, anh ấy cũng rất thích thú nhưng anh cũng giải thích rằng Nhà hát phải coi khán giả là trên hết, tìm và thể nghiệm một thể loại mới mà không biết kết quả thế nào thì quả là mạo hiểm và khó được chấp nhận.

- Khó khăn và mạo hiểm nhưng cuối cùng chị đã làm được?

- Rồi thì cơ hội cũng đến. Tôi nhớ khoảng năm 2000, khi tôi đang ngồi lơ mơ ở một hàng nước thì anh Tú bên Đài Truyền hình Hà Nội đột nhiên hỏi: “Ơ này, sao Hương không làm độc diễn? thích múa thì làm béng một mình đi!”.

Anh Lê Hùng ngồi bên cũng hào hứng tham gia: “Ừ, Hương nghĩ nội dung đi, khi nào rỗi anh về làm cho!”. Thế là tôi quyết định độc diễn “Giấc mơ hạnh phúc”. Chương trình bao gồm 5 phần, gồm cả kịch hình thể, múa rối, thiếu nhi...

Dư luận chia làm hai “phe”, 50% ủng hộ nồng nhiệt. Nhiều đàn em xem xong kêu lên “Thích lắm, mê lắm chị ạ!”. 50% còn lại thì chê “không ra kiểu gì, dài không ra dài, ngắn không ra ngắn, kịch không ra kịch, múa không ra múa”. Diễn ở Nhà hát được 10 buổi thì đem “cất kho”.

Cho đến Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần 1 tổ chức tại Việt Nam, Nhà hát quyết định đem vở diễn của tôi tham gia, vì nghĩ “loại này chắc Tây nó thích đấy!”. Và đúng là như vậy, các đạo diễn nước ngoài rất thích tác phẩm này.

Năm 2004, tôi được mời sang tham dự Liên hoan kịch ngắn quốc tế tại Trung Quốc, biểu diễn và nhận được “đại giải” ở Liên hoan này. Tôi cảm thấy rất phấn khởi. Lúc về tôi xin Ban giám đốc cho lập Câu lạc bộ kịch hình thể.

Chú Thuật, khi đó là giám đốc Nhà hát, đồng ý ngay không thắc mắc. Riêng anh Lê Hùng thì đã rất ủng hộ. Mọi việc trôi chảy như đã vào guồng sẵn. Tất cả như là số phận, từ khi tôi mơ giấc mơ định mệnh ấy...

- Chắc hẳn ngày ấy có rất nhiều kỷ niệm?

- Đúng vậy, nhiều lắm!. Khi thành công với “Giấc mơ hạnh phúc”, tôi quyết định rủ thêm 3 - 4 người cùng làm tiếp vở “Nhật Nguyệt thực”. Lúc đó rạp ở đây đang sửa, mà đi thuê thì đắt. Tôi đành đi mượn một phòng tập múa ở trường Sân khấu Điện ảnh. Đó là một phòng cũ lợp tôn. Nhóm tôi tập buổi trưa, trời nóng, anh chị em mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Phía trên mái tôn nổ lốp bốp... Những ngày đầu khó khăn lắm, nhưng vui.

- Chị đã thuyết phục những người khác vào đội của mình như thế nào?

- Tôi chỉ hỏi: “Đi làm cùng chị không?”, và họ bảo: “Vâng, em đi”. Thế thôi, chẳng phải năn nỉ, thuyết phục gì cả. Tôi không quên những người đã quấn quýt bên mình từ những ngày đầu, mặc dù bây giờ chỉ còn Như Lan là theo tôi. Những người khác thì sau vở diễn, họ thấy quá vất vả nên không theo nữa: dù sao làm ở đoàn kịch nói vẫn ổn định và nhàn hơn. Đến giờ thì cả đoàn của tôi đã có gần 30 người.

Nhiều lúc nghĩ lại, tôi giật mình: sao mình liều đến thế?. Không biết tương lai thế nào, không biết khán giả có thích hay không, nhà hát có đồng ý hay không, cứ hì hục làm, lại còn lôi kéo được bao nhiêu người theo nữa.

Đến nỗi anh Lê Hùng sau khi xem xong vở “Nhật Nguyệt thực” liền bảo: “Đầu tiên không khen hay chê cái gì hết, chỉ thấy Lan Hương tài lôi kéo mọi người, làm một việc mà không biết phía trước thế nào, cái đích ra sao”. Thật ra tôi thực sự cảm thấy có một cái đích và có một niềm tin kỳ lạ rằng việc mình làm có triển vọng. Vì thế tôi mới dám làm đấy.

- Giữa kịch nói và kịch hình thể, có vẻ chị đã hoàn toàn “mê” con đường thứ hai?

- Mỗi thể loại lại có nét thú vị riêng, nhưng kịch hình thể hợp với khả năng của tôi hơn. Ngày xưa, diễn mà có hành động thì tôi rất tự tin. Ví dụ như vở Mácbét có vũ đạo rất nhiều, tôi diễn tung hoành, cảm giác như “lên đồng” ấy.

Từ khi theo con đường này tôi thấy có sự dẫn dắt của số phận, ngoài những khó khăn chung không đáng kể, còn lại thì rất “ngọt”. Kịch hình thể thực sự là bến đậu cuối cùng của tôi. Tôi thích nó “mê tơi”. “Để cân bằng tôi chọn cách... AQ!”

- Luôn được khen là “trẻ dai”, nhưng nói thật xem chị có sợ tuổi già không?

- Thỉnh thoảng cũng sợ, nhưng tôi quên mau lắm. Nhiều khi rất buồn cười nhé, tôi hỏi một cô bé bao nhiêu tuổi, nó bảo: “Cháu 17”, thấy bình thường. Một lúc sau hỏi lại: “Cháu sinh năm bao nhiêu?”, cô bé trả lời: “Cháu sinh năm 1990” thì tôi giật mình thực sự và phải thốt lên: “Ối giời ơi”. Mình sinh vào đầu những năm 60, còn cô bé sinh vào những năm 90. Khi đó mới cảm thấy mình già thế nào.

NSND Lan Hương và con gái
NSND Lan Hương và con gái

- Nhiều tuổi vậy nhưng trông chị luôn tươi tắn và trẻ trung, bí quyết gì vậy?

- Có lẽ vì tôi biết cân bằng trong cuộc sống. Không hiểu tôi có theo chủ nghĩa AQ hay không nhưng khi gặp khó khăn tôi luôn nghĩ trong cái rủi có cái may, cứ bình tĩnh mà tháo gỡ. Ngược lại, trong cái may thể nào cũng có cái rủi, đừng có vội vàng mà hớn hở, vênh váo khi anh mới đạt được cái này cái kia, bởi sẽ có những điều cân bằng lại.

Nhờ triết lý sống đó mà tôi chưa bao giờ bị stress một cách khủng khiếp. Tôi luôn bình tĩnh và suy xét mọi nhẽ trước thất bại, tìm một động lực nào đó để vượt qua những va vấp ấy.

- Một ngày bình thường của chị diễn ra như thế nào?

- Sáng tỉnh dậy, tập thể dục nửa tiếng, tắm rồi uống một cốc sữa. Đến cơ quan, tập tiếp. Buổi trưa, lại tập thể dục (tôi đang có chiến dịch giảm cân mà). Buổi chiều hoàn thành mọi việc ở cơ quan. Chiều tối ra về.

- Cảm ơn chị về cuộc nói chuyện!

Theo Thời đại