NSND Đặng Thái Sơn: 30 năm cho cuộc marathon Beethoven

ANTĐ - Sau 30 năm trải nghiệm nghệ sỹ độc tấu piano, lần đầu tiên NSND Đặng Thái Sơn sẽ làm một cuộc marathon với 5 bản concerto viết cho piano của L.V.Beethoven trong 2 đêm 15 và 18-1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc marathon với những tác phẩm kinh điển của người nhạc sỹ thiên tài người Đức cho thấy một Đặng Thái Sơn đã đến độ chín muồi nghệ thuật cùng những chiêm nghiệm và từng trải hơn…

- PV: Với nghệ sỹ độc tấu, bình thường trong một chương trình chỉ chơi một bản concerto, nhưng ông sẽ chơi 3 bản concerto trong đêm đầu tiên, rồi 2 bản trong đêm thứ 2. Ông có thể cho biết đã chuẩn bị cuộc marathon này như thế nào?

- NSND Đặng Thái Sơn: 30 năm là nghệ sỹ biểu diễn piano, nhiều năm chơi concerto nhưng thú thực với cuộc marathon này, tôi cũng cảm thấy rất hoang mang. Trước khi ra mắt tại Việt Nam, tôi đã thử đem chương trình biểu diễn tại Brazil vào tháng 9, Tokyo vào tháng 11 và nhận được sự tán thưởng của khán giả. Đến giờ, tôi hoàn toàn “yên lòng” khi biểu diễn lần thứ 3 tại Việt Nam. Việc trình tấu trọn bộ 5 bản concerto viết cho piano của Beethoven, tôi gọi đó là cuộc marathon chuyên nghiệp và được chuẩn bị kỹ càng trong 30 năm. 

- Để có thể tham gia marathon, VĐV cần có sức khỏe sung sức và được rèn luyện bền bỉ nhưng đây lại là marathon nhạc cổ điển.

- Sức khỏe về cơ bắp thì đã đành nhưng quan trọng hơn là sức khỏe về tinh thần, trí lực. Để chơi được 5 bản concerto của Beethoven không chỉ người nghe mà ngay với nghệ sỹ biểu diễn cũng rất căng thẳng. Đặng Thái Sơn bây giờ không còn là chàng thanh niên của năm 20 hay 30 tuổi mà đã là một nghệ sỹ bước vào độ tuổi 50. Sức khỏe đã kém đi nhiều, mắt không còn tinh như trước, các khớp tay không còn linh hoạt và mềm dẻo như thời trai trẻ nhưng lại có ưu thế là sự trải nghiệm cuộc sống dày dạn. Còn sự rèn luyện bền bỉ thì như bạn thấy, tôi đã chuẩn bị cho chương trình này trong 30 năm. Hơn thế, để hiểu và chơi được nhạc của Beethoven còn cần cả vốn sống nhất định. 

- Là “Người được Chopin chọn” với giải nhất cuộc thi piano quốc tế F. Chopin tại Ba Lan năm 1980, thế nhưng trong chương trình biểu diễn lớn nhất của mình trong suốt 30 năm qua ông lại chọn L.V.Beethoven?

- “Đóng đinh” với phong cách lãng mạn trong nhạc cổ điển bằng việc trình tấu các tác phẩm của Chopin nhưng ở vào độ tuổi này, tôi muốn mình tiếp tục với những thử thách mới chứ không đi mãi trên một con đường đã quen thuộc. Âm nhạc của Beethoven không dễ hiểu và luôn là thách thức với nghệ sĩ biểu diễn. Thử thách đồng nghĩa với rủi ro nhưng tôi sẽ trưởng thành hơn trong âm nhạc. Tôi sẽ biến những nốt nhạc nằm trên giấy của Beethoven, giải mã, tìm chìa khóa thành những giai điệu mang tâm trạng con người của ông. 

- Người ta vẫn nói: ai chơi được nhạc của Beethoven, người đó cần phải nếm trải vị đời đắng cay. Ông cũng thế chứ? 

- Nói gì xa xôi, trong âm nhạc, tôi không ít lần bất lực trước một bản nhạc. Với người nghệ sỹ biểu diễn, đây thực sự là sự cay đắng, đặc biệt với một nghệ sỹ biểu diễn nổi tiếng. Sự bất lực ở đây đến từ kỹ thuật trình tấu của piano quá ghê gớm, mình cảm thấy bé nhỏ và chưa đến tầm. Bất lực còn ở sự cảm thụ âm nhạc của mình chưa chín, sống sượng. Mình sẽ truyền thụ đến khán giả điều gì khi chính người biểu diễn còn không hiểu hết ý tưởng của nhà soạn nhạc. Càng nhiều tuổi, người ta càng thích nhạc của Beethoven hơn. 

- Khi càng nhiều tuổi, việc lựa chọn chinh phục “các đỉnh núi” trong nền âm nhạc cổ điển thế giới của nghệ sỹ sẽ tăng theo cấp độ nào, thưa ông? 

- Có lẽ, bằng sự trải nghiệm! Khi còn trẻ, tính lãng mạn còn cao, tôi chơi nhạc của Chopin, của Lizst. Già thêm chút nữa, trải nghiệm bắt đầu tăng dần, tôi chơi nhạc ấn tượng của Pháp rồi đến Beethoven. Còn đến khi già hẳn, tôi sẽ chơi nhạc của J.S.Bach, ông tổ của âm nhạc cổ điển. Ngày còn bé, các học sinh trường nhạc thường rất sợ chơi nhạc của Bach vì nó khô khan. Nhưng thực ra, ông là người lãng mạn nhất trần đời, cái gì ông cũng có hết. 

- Vài hôm nữa, khán giả Việt Nam sẽ được chứng kiến cuộc marathon đến với Beethoven của ông…

- Tôi là người luôn gợi sự tò mò với mọi người. Đợi vài hôm nữa, công chúng sẽ biết “người Chopin” chơi nhạc Beethoven thôi!

- Xin cảm ơn NSDN Đặng Thái Sơn!