Nộp phạt 30 triệu để thu lợi 3 tỷ đồng từ vi phạm bản quyền truyền hình

ANTD.VN - Đại diện VTV cho biết thực tế doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt 30-60 triệu đồng để thu lợi 3-5 tỷ đồng mỗi năm, thông qua việc tiếp phát lậu các chương trình truyền hình của VTV.

Vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh công nghệ số, internet phát triển như hiện nay tại Việt Nam.

Thực trạng này đang diễn ra thế nào, làm gì để ngăn chặn, kinh nghiệm quốc tế ra sao... là những vấn đề đã được đưa ra tại Hội thảo về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số, do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Truyền hình số vệ tinh K+ và Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội, ngày 19-9.

Doanh nghiệp vi phạm chấp nhận nộp phạt 30 triệu để trục lợi 3 tỷ đồng

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Vân – Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cho rằng vi phạm bản quyền là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Nhiều website phát lậu các chương trình giải trí, phim truyền hình của VTV để kiếm lời từ quảng cáo (ảnh minh họa)

Nhiều trang web thu và phát lại các chương trình truyền hình, giải trí thuộc bản quyền VTV để kiếm tiền quảng cáo thông qua lượt người xem. Đại diện VTV đưa ra số liệu: tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đã có trên 400 trang Facebook và kênh Youtube vi phạm; hay tại World Cup 2018, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đã có 700 tài khoản vi phạm (hạ ngay lập tứ 300 tài khoản).

Ông Nguyễn Thanh Vân kể câu chuyện, năm 2017, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử lý một cá nhân vi phạm bản quyền liên quan tới 2 bộ phim truyền hình trên VTV với mức phạt 15 triệu đồng, còn với tổ chức vi phạm, mức phạt là 30 triệu đồng. 

"Thời gian để xử lý một vụ việc mất khoảng 4 tháng, mỗi năm lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý khoảng 2 vụ vi phạm đối với một đơn vị. Trong khi với việc sử dụng “lậu” các chương trình của VTV, đơn vị vi phạm có thể thu tiền từ 3-5 tỷ mỗi năm từ các hợp đồng truyền thông. Như vậy, nếu tôi là doanh nghiệp, tôi cũng sẵn sàng nộp phạt 30-60 triệu để thu về nhiều tỷ đồng mỗi năm", ông Nguyễn Thanh Vân phân tích thực trạng nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm bản quyền.

Trong khi đó, đại diện Truyền hình K+ thừa nhận, ngoài khoản phí lớn đã bỏ ra để sở hữu bản quyền các giải đấu thể thao quốc tế hấp dẫn, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng.

Kiếm tiền từ quảng cáo trang web khiêu dâm, cờ bạc

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam, cho biết thống kê các website vi phạm bản quyền truyền hình nhiều nhất tại Việt Nam, cao nhất là website phimmoi.net. Tính từ tháng 3-2018 đến 8-2018, website này đã tăng từ 41 triệu lên 68 triệu lượt xem.

Riêng mảng thể thao, Truyền hình số K+ (đơn nắm bản quyền Ngoại hạng Anh 6 mùa giải vừa qua và nhiều giải thể thao hấp dẫn) là một trong những đơn vị bị xâm phạm nhiều nhất. Trong số website vi phạm bản quyền nhiều nhất, trang keonhacai.com có lượng người xem tăng rất nhanh, từ tháng 3-2018 đến tháng 6-2018 (giai đoạn có World Cup), đã tăng từ 11,1 triệu lên 24,5 triệu lượt người xem.

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam

Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Quang Đồng đưa ra là 44/50 website vi phạm phổ biến nhất được hỗ trợ bởi các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo và sống bằng nguồn tiền từ quảng cáo. Nội dung quảng cáo là độc hại như trang web khiêu dâm, trò chơi điện tử ăn tiền… chiếm tỷ lệ rất cao và đang có xu hướng tăng dần.

Về kiến nghị giải pháp, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng biện pháp về pháp lý, xử phạt hành chính, dân sự… đã có khung pháp lý khá đầy đủ. Tuy nhiên, tốc độ vi phạm bản quyền thường diễn ra rất nhanh trong khi nếu sử dụng các biện pháp về pháp lý thì cần nhiều thời gian và khi xử lý được thì thiệt hại đã rất lớn.

“Vì vậy bản thân các doanh nghiệp nên sử dụng các biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vincent Helluy – Cố vấn cao cấp bộ phận Đối tác toàn cầu của Tập đoàn Canal+ (đơn vị đồng sở hữu Truyền hình K+), lấy dẫn chứng thực tế đơn vị mình chia sẻ kinh nghiệm: "Chúng tôi hiểu tự mình không thể tự mình chống lại vấn nạn vi phạm bản quyền, mà phải thông qua những hợp tác, liên minh quốc tế để đạt hiệu quả cao”.

Ông Vincent cho biết vài tháng trước, K+ gặp vấn đề các báo, trang mạng điện tử của Việt Nam đăng tải các bài báo hướng dẫn cách xem lậu và cung cấp link lậu xem các trận đấu của Ngoại hạng Anh, La Liga mà K+ nắm bản quyền.

“Lúc đó chúng tôi không thể gỡ được nên sau đó đã nhờ BTC giải đấu can thiệp. Ban đầu họ gửi thư tới các tờ báo, trang tin vi phạm và các đơn vị này sau đó đã tự giác loại bỏ các bài báo chứa nội dung vi phạm bản quyền đó”, đại diện Canal+ kể, đồng thời cho biết các mạng xã hội như Facebook hay Youtube có công cụ tìm kiếm, phát hiện các nội dung vi phạm bản quyền cũng rất hữu hiệu trong việc giúp Canal+ xử lý vi phạm.

Cũng theo ông Vincent, đôi khi sự hợp tác với 1-2 đối tác là chưa đủ mà cần tham gia các hiệp hội, liên minh về bảo vệ sản phẩm giải trí, bảo vệ bản quyền… để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ, nhanh chóng trong việc xử lý các vi phạm. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp này là rất hiệu quả.