“Nóng” tội phạm cướp trên các tuyến đê

(ANTĐ) - Ghi nhận của lực lượng nghiệp vụ CATP Hà Nội, hầu như tháng nào các tuyến đê trên địa bàn nội, ngoại thành cũng xảy ra các vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí án mạng. Phòng ngừa tội phạm trên các tuyến đê là yêu cầu khẩn thiết, nhưng nhiều địa bàn vẫn chưa thực sự quan tâm.

“Nóng” tội phạm cướp trên các tuyến đê

(ANTĐ) - Ghi nhận của lực lượng nghiệp vụ CATP Hà Nội, hầu như tháng nào các tuyến đê trên địa bàn nội, ngoại thành cũng xảy ra các vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí án mạng. Phòng ngừa tội phạm trên các tuyến đê là yêu cầu khẩn thiết, nhưng nhiều địa bàn vẫn chưa thực sự quan tâm.

Nhóm cướp trên các tuyến đường đê bị CAH Đông Anh bắt giữ
Nhóm cướp trên các tuyến đường đê bị CAH Đông Anh bắt giữ

Đi đêm gặp cướp

Sáng 6-10, chúng tôi theo tuyến đê Bát Tràng, nơi 5 ngày trước xảy ra vụ cướp tài sản lái xe taxi nghiêm trọng. Dù là ban ngày nhưng nhiều lúc, cả trục đường quanh co không một bóng người qua lại. Đã vậy, mặt đường gồ ghề khiến phương tiện không thể chạy nhanh. Mé phải đê, qua bức tường bê tông cao chưa đến 2 mét là bờ bãi sông Hồng. Bên trái là triền đê thoai thoải, ngút tầm mắt là vườn. Nhà dân gần nhất lên tới đường đê cũng phải trăm mét.

Địa hình này đã đẩy anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1984), lái xe taxi hãng ATA, trụ sở tại thị trấn Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lâm vào cảnh thân cô thế cô trước bọn cướp. Sự việc xảy ra lúc 19h30 ngày 1-10-2009; khi đó, anh Tuấn được tổng đài điều đến đón khách trước số nhà 55 đường Bà Triệu, phường Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Yên. Tới nơi, có 3 thanh niên trên dưới 20 tuổi đang chờ và bảo anh Tuấn chở họ về khu vực Bến xe Gia Lâm. Đến địa bàn quận Long Biên, 1 trong số 3 vị khách đột nhiên nói không đủ tiền trả taxi và bảo anh Tuấn quay xe về nhà người quen ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm để anh ta vay tiền. Theo yêu cầu của khách, anh Tuấn vòng xe về địa phận xã Bát Tràng. Lúc này đã gần 21h.

Chiếc taxi chậm chạp bò trên con đê tối đen như mực. Đến trước một ngôi nhà 2 tầng thấp thoáng dưới chân đê, vẫn người thanh niên nói không đủ tiền trả taxi bảo anh Tuấn dừng xe để anh ta vào nhà người quen. Khoảng 10 phút sau, người thanh niên quay ra xe, đề nghị anh Tuấn tiếp tục cho xe chạy. Khi anh Tuấn vừa nổ máy thì bất ngờ 1 trong số 3 vị khách chồm lên, dùng dao nhọn khống chế lấy chiếc điện thoại di động và bắt anh xuống ghế sau ngồi. Anh Tuấn kháng cự quyết liệt và mở được cửa xe ôtô lao ra ngoài. Một tên trong nhóm cướp nhảy lên vị trí lái xe, nổ máy. Trước tình huống này, anh Tuấn quay lại, giữ chặt vô lăng ôtô khiến chiếc xe mất lái, đâm thẳng vào chướng ngại vật cạnh đường. 3 tên cướp mở cửa xe bỏ chạy.

Khi đã hoàn hồn, anh Tuấn lên taxi ngồi. ở khoang ghế sau, anh Tuấn trông thấy 1 chiếc balô, bên trong có 2 sợi dây thừng, 1 cuộn băng dính xanh, 2 chiếc mũ lưỡi chai và 2 chiếc áo phông. Chiếc ba lô của bọn cướp sau đó được người lái taxi mang đến trình báo tại CAH Gia Lâm. Theo nhận  định của Đội Điều tra hình sự CAH, anh Tuấn đã rất may mắn mới thoát được “bẫy” bọn cướp. Với tang vật để lại, chứng tỏ đây là ổ nhóm manh động, đã chuẩn bị rất kỹ các phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, chúng đã chọn địa điểm “lý tưởng” gây án là tuyến đê sông Hồng.

Phòng ngừa “lý thuyết”

Chặn đường cướp tài sản, rình mò các đôi nam nữ tâm sự để gây án, “điều” bị hại đến quãng vắng rồi ra tay… là vô số các thủ đoạn phạm tội lợi dụng các tuyến đê để gây án. Hàng trăm kilômét đê sông Hồng, sông Đuống, rồi những trục đê ở các huyện mới thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập về Hà Nội; có thể nói rất ít nơi nào có sự phòng ngừa triệt để nguy cơ tội phạm lợi dụng địa hình đê để gây án. Mô hình “điếm canh đê kiêm chốt ứng trực sau 20h”, hiệu quả thì có, nhưng không phải địa bàn nào cũng duy trì được, bởi 2 lý do con người và kinh phí (!).

Tăng cường tuần tra trên đê là giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm
 Tăng cường tuần tra trên đê là giải pháp               hữu hiệu phòng ngừa tội phạm

Cách phòng ngừa phổ biến nhất là… lắp đặt những biển báo với nội dung: “Khu vực thường xảy ra hiện tượng cướp”. Những biển báo này chúng tôi bắt gặp nhiều ở đường đê sông Hồng, địa phận Hoàng Mai, Thanh Trì xuôi về Thường Tín, Phú Xuyên. Nhưng rõ ràng nó không phát huy hiệu quả, bởi đây là trục đê xảy ra khá nhiều vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản trong khoảng 2 năm trở lại đây. Gần đây nhất là ổ nhóm 4 đối tượng chuyên cướp tài sản bị CAH Thanh Trì bắt giữ. Chúng đang ở độ tuổi học sinh, nhà gần trục đê, nhận ra “cơ hội” gây án nhờ địa hình tuyến đê và đã gây ra 3, 4 vụ cướp tài sản trước khi bị bắt.

“Với ý thức chủ quan của nhiều địa phương như hiện nay, tội phạm trên các tuyến đê không xảy ra mới là lạ và khi chúng đã rắp tâm lên kế hoạch gây án, bị hại sẽ rất khó thoát”, một trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội nhận định. Đây là thực tế khó chấp nhận, bởi nguy cơ đã nhìn thấy rõ, giải pháp đề ra - tăng cường tuần tra kiểm soát, tăng cường hệ thống chiếu sáng-không quá khó để thực hiện nhưng vẫn không được thực hiện. Tội phạm trên các tuyến đê đang “nóng”, nguyên nhân chính từ sự bị động trong phòng ngừa ngay từ cấp cơ sở.

Hà Minh