Nông sản xuất khẩu "vấp" lỗi không đáng có

ANTĐ - Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Năm 2015, lần đầu tiên, Việt Nam đưa được một số loại hoa quả (vải thiều, xoài, thanh long) sang những thị trường khó tính, thu được giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn “dính” những lỗi không đáng có.

Nông sản xuất khẩu "vấp" lỗi không đáng có ảnh 1Chiếu xạ vải xuất khẩu sang Mỹ

Mất “điểm” trong lô hàng đầu tiên

Ví dụ điển hình về những lỗi không đáng có của nông sản Việt Nam là chuyện quả vải thiều xuất khẩu sang Australia. Mới đây, thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, dù quả vải Việt Nam được người tiêu dùng Australia đón nhận nhiệt tình nhưng chất lượng hàng xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

“Một số lô hàng sang tới Autralia bị hỏng rất nhiều và phải bán dưới giá thành để thu hồi vốn. Một số lô hàng khác bị kiểm dịch giữ lại với lỗi không đáng có như: có sâu to, quả non, cuống chưa được cắt sát và sót lại lá cây. Hầu hết các lô hàng đều vướng lỗi kiểm dịch tại Australia” - đại diện thương vụ cho hay. Khi bị phát hiện những lỗi này, toàn bộ lô hàng sẽ bị dỡ ra và doanh nghiệp phải xử lý lại, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, nhân công, lỡ ngày chợ đầu mối, chất lượng giảm và không bán được giá cao. Mất giá vì chất lượng hàng không đảm bảo là hậu quả doanh nghiệp phải gánh chịu, nhưng quan trọng hơn, vải thiều Việt Nam đã bị mất “điểm” với nhà nhập khẩu ngay trong những lô hàng đầu tiên. 

Giải thích về tình trạng trên, một chuyên gia về kiểm dịch thực vật xuất khẩu cho biết, doanh nghiệp đã bị động trong vụ vải thiều năm nay. “Họ đã ký hợp đồng, cam kết, hướng dẫn kỹ thuật với bà con vùng trồng vải, gắn mã số vùng trồng an toàn nhưng đến ngày thu hoạch, vải xuất khẩu vẫn bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có doanh nghiệp ký hợp đồng 6 container vải thiều với người trồng, nhưng sau khi thu hái, phát hiện đến 4/6 container không đảm bảo yêu cầu, phải bỏ lại. Để đủ hàng cam kết theo hợp đồng, doanh nghiệp phải vét vải của 2 khu vực trồng đảm bảo, dẫn đến tình trạng lẫn cả quả non, dính cuống, lá… Tất cả những hạn chế này phải được rút kinh nghiệm trong vụ sau” - vị chuyên gia nói. 

Đáng tiếc hơn, không chỉ quả vải thiều của Việt Nam có những lỗi nêu trên mà hầu hết các loại nông sản xuất khẩu đều gặp phải với mức độ khác nhau. Riêng với quả vải, may mắn nhất là hàng xuất đi không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu dính lỗi này thì coi như cánh cửa xuất khẩu sẽ khép lại. 

Cần chất lượng tốt và ổn định

Chữ tín vô cùng quan trọng
Có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản sang một số thị trường khó tính, bà Nguyễn Thị Mận - Giám đốc Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà chia sẻ: “Khi làm hàng xuất khẩu thì chất lượng phải đưa lên hàng đầu và việc giữ chữ tín vô cùng quan trọng”. 


Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Thực vật vùng 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT), do vùng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam bị chia nhỏ, manh mún, người nông dân chưa có ý thức cao về sản xuất hàng xuất khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến tình trạng nêu trên. “Để người sản xuất làm đúng yêu cầu, đúng cam kết, cách duy nhất là ràng buộc bằng hợp đồng về lợi nhuận với doanh nghiệp xuất khẩu. Khi thấy bị thiệt hại, tự người sản xuất sẽ phải điều chỉnh cho đúng yêu cầu”- ông Nguyễn Hữu Đạt nói. 

Việt Nam vừa ký kết một số hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi lớn cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là khả năng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, các nước cũng sẽ đặt ra hàng rào kỹ thuật ngặt nghèo hơn. Bà Bùi Kim Thùy - Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) chia sẻ: “Các nhà đàm phán rất nỗ lực để đưa nhiều sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam vào các thị trường mới. Song, không phải cứ giao được hàng cho bạn là có thể thu được tiền về. Hải quan nước nhập khẩu thường xuyên “khai quật” lại hồ sơ trong vòng 3 năm và yêu cầu kiểm tra lại hàng hóa mà Việt Nam xuất ra”. Do đó, đảm bảo chất lượng và uy tín cho hàng nông sản là yêu cầu xuyên suốt, buộc cả người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bài học hội nhập đã có từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Và để hàng xuất khẩu của Việt Nam không phải đối mặt với thách thức do chính mình tạo ra, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ thêm doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực… để khai thác tốt các cơ hội xuất khẩu. 

Nhật Bản chuyển hướng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam

Thông tin trên được ông Tạ Đức Minh - Phó trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương) cho biết tại hội thảo về Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) diễn ra ngày 21-7. Theo đó, Nhật Bản đang trong xu hướng chuyển nhập khẩu nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập khẩu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Để khai thác được ưu đãi từ VJEPA, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường; Nông thủy sản và thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản cần đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm của Nhật. Đồng thời, xử lý nhanh vấn đề kiểm dịch động thực vật theo quy định của Nhật Bản đối với nhiều loại hoa quả tươi và thịt gia súc gia cầm xuất khẩu của Việt Nam… Vân Hằng