Nông sản Trung Quốc tập kết ở Bắc Ninh

ANTĐ - Nhiều  nông sản có nguồn gốc Trung Quốc ở thị trường nước ta khi xét nghiệm có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần. Vậy nông sản Trung Quốc được đưa vào như thế nào? Đến chợ Hòa Đình, TP Bắc Ninh sẽ rõ...

Bài 1: Trung tâm trung chuyển

Một điểm tập kết hành, tỏi tây Trung Quốc tại chợ Hòa Đình, TP Bắc Ninh

Đi chợ nông sản gặp “bảo kê”

Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nông sản xuất xứ Trung Quốc tồn dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép như gừng nhiễm thuốc trừ sâu Aldicarb, khoai tây có hoạt chất BVTV Chlorpyrifos vượt ngưỡng cho phép gấp 16 lần, nho, mận và lựu cũng nằm trong danh sách bị phát hiện nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng. 

Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi, nông sản Trung Quốc được đưa vào Việt Nam như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm về chợ Hòa Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Đây được xem là “trạm trung chuyển” hàng nông sản từ Trung Quốc lớn nhất phía Bắc. Do đây là nơi cung cấp cấp nông sản có nguồn gốc Trung Quốc nên các chủ hàng, đại lý hết sức cảnh giác với những người lạ mặt. Một đồng nghiệp tại Bắc Ninh cho hay, để tránh bị phát hiện nên đi vào buổi tối. Đó cũng là thời điểm chợ sôi động nhất. 

Khoảng 23h một ngày giữa tháng 8, chúng tôi có mặt tại chợ Hòa Đình. Sau khi tìm hiểu địa thế, chúng tôi chọn một quán nước ngồi quan sát. Vừa gọi chai nước chưa kịp uống, hai gã đàn ông mình trần trùng trục, khắp người xăm trổ tiến đến. Một người hất hàm hỏi: “Ở đâu đến, có việc gì”. Anh bạn đi cùng lên tiếng: “Ở Nghệ An, chờ hàng của bà T về”. Bà T nào, số nhà bao nhiêu? Người còn lại hỏi. “T lùn, số nhà 29X chứ đâu nữa”. Nghe xong, một trong hai gã lập tức đổi giọng. “Các anh đi lấy hàng à. Cần lấy những hàng gì, em tư vấn giá cả”. Chúng tôi ậm ừ, bảo đã hẹn với bà T. không lấy hàng của ai nữa. Lúc ấy, hai người mới bỏ đi.  

Theo quan sát của chúng tôi, dọc những tuyến đường chính bao quanh chợ Hòa Đình như Lý Anh Tông, Nguyễn Văn Cừ, Lý Thần Tông dễ dàng nhận thấy những kho hàng san sát. Nông sản được đóng trong các bao tải, nhiều nhất là khoai tây. Những bao hàng này để tràn ra đường chờ xe đến bốc đi. Mỗi khi có chiếc xe tải nào tấp vào, các công nhân nam sẽ tập trung chất khoai tây lên xe. Thoạt nhìn, có thể nhận ra đó là khoai Trung Quốc, bởi cỡ khoai lớn, dạng thon dài và lớp vỏ dày cứng đặc trưng. Ngoài khoai, còn các nông sản khác khác như tỏi, hành tây, hành khô, gừng, cà chua, cải bắp… Tất cả các sản phẩm đều chứa trong bao tải lưới với nhiều kích cỡ. 

Mỗi ngày chợ Hòa Đình , phường Võ Cường, TP Bắc Ninh tiêu thụ khoảng 500 tấn nông sản,
phần nhiều là hàng Trung Quốc

Cần bao nhiêu cũng có

Trong vai người đi tìm mối hàng cung cấp cho các bếp ăn tập thể, chúng tôi vào đại lý P.P (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Võ Cường). Đó là một ngôi nhà hai tầng, nằm ngay mặt đường. Bên ngoài treo biển văn phòng bất động sản, nhưng ngay trước cửa là mấy chục bao hành tây, hành khô chờ xe tới bốc. Trong sân, 5 lao động đang phân loại hành tây. 

Biết chúng tôi tìm nguồn hàng, một phụ nữ tự giới thiệu tên là Chung, cũng là phụ trách của đại lý cho biết, ở đây có rất nhiều nông sản, từ cà chua, khoai tây, hành tây, loại nào cũng có. Nếu chúng tôi lấy hàng, đại lý sẽ để cho mức giá phải chăng. Theo đó, hành tây giá 3.000 đồng/kg, khoai tây giá 5.000 đồng/kg, cà chua giá 5.000 đồng/kg… Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Chung giải thích: “Giá thấp như vậy vì chúng tôi là đại lý lớn, không phải chịu thuế. Hơn nữa đây là giá bán buôn”.

Chúng tôi đồng ý nhập một số hàng và muốn có hóa đơn đỏ (hóa đơn chịu thuế) để thanh toán với công ty thì nhận được câu trả lời: “Đây là hàng nhập từ Trung Quốc nên không có hóa đơn đỏ. Chúng tôi chỉ có hóa đơn bán lẻ. Chúng tôi làm ăn bao nhiêu năm rồi, có thấy ai hỏi hóa đơn đỏ đâu. Các đại lý ở đây đều thế”.

Rời đại lý P.P, chúng tôi tới cơ sở kinh doanh nông sản T.H, một trong những cơ sở kinh doanh lớn nhất ở đây, trong kho hàng lúc nào cũng đầy ắp các loại khoai tây, hành tây, tỏi, hành khô. “Tất cả hàng hóa ở đây đều nhập từ Trung Quốc. Muốn lấy nông sản nào, số lượng bao nhiêu cũng có. Chỉ cần gọi điện báo trước 2 ngày”, một  người làm công ở đây khẳng định.

Theo đại diện UBND phường Võ Cường, chợ Hòa Đình và khu vực lân cận có rất nhiều hộ kinh doanh nông sản. Họ thu gom từ các nơi rồi đưa đi các nơi tiêu thụ. Ước tính, mỗi ngày chợ Hòa Đình vận chuyển khoảng 500 tấn hàng nông sản đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay khu vực chợ Hòa Đình có khoảng 20 đại lý bán nông sản Trung Quốc với quy mô lớn, còn các hộ nhỏ lẻ chính quyền vẫn chưa thể thống kê hết. 

(Còn nữa)