Nông sản lại "ế sưng" do thương lái Trung Quốc ngừng mua

ANTD.VN - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho rằng giá dưa hấu và ớt giảm thê thảm là do người dân thấy năm trước được giá là năm sau lại ồ ạt trồng, nhưng các chuyên gia cho rằng “không nên đổ hết lỗi cho người dân”.

Không thể trông chờ các cuộc "giải cứu nông sản"

Tại Quảng Ngãi, những ngày gần đây, do thương lái Trung Quốc ngừng mua nên giá dưa hấu giảm xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, người trồng không muốn ra đồng thu hoạch. Tương tự, giá ớt cũng giảm từ 40.000 đồng/kg từ vụ trước xuống 10.000 đồng/kg vụ này, mà người thu mua cũng chẳng mặn mà. Đáng chú ý, ớt là cây trồng không được khuyến khích ở địa phương này.

Hàng trăm ha ớt và dưa hấu giảm giá thê thảm chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh nông sản “được mùa mất giá” trong những năm gần đây của nước ta. Chỉ cách đây vài tháng, cũng vì thương lái Trung Quốc đột ngột “chê” lợn mỡ của Việt Nam, thay vì thu mua ồ ạt giá cao mà người nuôi lợn điêu đứng.

Trước đó, thanh long, dưa hấu, chuối xanh, hành tím… của nhiều địa phương cũng là tâm điểm của các cuộc “giải cứu”, các cuộc tiêu thụ “nông sản tình thương” của người dân cả nước.

GS. TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay, việc mất cân đối cung cầu quá lớn đối với các mặt hàng nông sản một mặt do người dân tự phát, mặt khác do thiếu quy hoạch, định hướng, tổ chức lưu thông phân phối sản phẩm từ các địa phương.

Thêm vào đó, doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp do lợi nhuận không đáng kể nên bài toán mùa màng khó được giải. “Nông sản chỗ thừa, chỗ thiếu đã tạo nên tình trạng căng thẳng giả tạo trên thị trường. Lời giải cho bài toán này là phát triển hệ thống logistic, hệ thống vận tải, phân phối hiệu quả. Giải pháp “chính trị”- giải cứu nông sản chỉ là tạm thời.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển logistic Việt Nam nhưng theo tôi vẫn thiếu một chiến lược tổng thể”- GS. TS Đặng Đình Đào phân tích.