Nông nghiệp là thế mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

ANTD.VN - Đánh giá về vai trò của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh thế mạnh về du lịch dịch vụ và công nghệ thông tin.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2016, thiên tai đã gây ra thiệt hại rất lớn (kể cả người và tài sản), đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. Tổng số người bị chết từ đầu năm đến nay là 253 người, tống số tiền bị thiệt hại là 39.000 tỷ đồng, 700.000ha lúa và hoa màu, 400.000ha cây ăn quả, 1.410 tàu thuyền bị chìm và phá hủy.

Trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần quan tâm đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới

Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp được khoảng 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4%/ tổng nhu cầu cần hỗ trợ là 48,5 triệu USD. Và trong kế hoạch phục hồi từ nay đến năm 2020 theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng ước tính là 23.537 tỷ đồng.

Tuy vậy, ngành nông nghiệp trong năm 2016 vẫn có tăng trưởng, dù không lớn. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng ở mức “kỷ lục”, cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ thiên tai xảy ra dồn dập như năm 2016. Nông nghiệp hiện vẫn là  trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước, luôn luôn xuất siêu, đời sống nông dân được cải thiện.

Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh thế mạnh về du lịch dịch vụ và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp, gồm Bộ, các Sở NN&PTNT.

Bên cạnh đó, tầm nhìn của nền nông nghiệp nước ta trong giai đoạn tới là một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu. Một nền nông nghiệp ở Việt Nam phải trên tinh thần “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, đất đai chỉ chiếm một phần trong khi rừng, núi và biển chiếm đến 3-4 phần. Do đó, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn, không chỉ dựa vào cây lúa, phải đầu tư, nghiên cứu phát triển ngành lâm nghiệp, thủy hải sản hơn nữa.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam phải chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt; hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu và phục vụ nhân dân. Phải xây dựng nền nông nghiệp thông minh, không chỉ là khoa học công nghệ mà hướng tới giá trị cao hơn…